Tuesday, June 7, 2016

Chỉ tiêu nợ Chính phủ trong năm 2015 vượt giới hạn cho phép

Báo Vietnamplus, ngày 08/06/2016,            http://www.vietnamplus.vn/chi-tieu-no-chinh-phu-trong-nam-2015-vuot-gioi-han-cho-phep/389938.vnp,          Đến ngày 31/12/2015, ước tính nợ công của Việt Nam ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,0% tổng thu ngân sách nhà nước.


Ảnh chỉ Có tính minh họa. (Ảnh: Hiền Hạnh/TTXVN)

Như vậy chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép là 0,3% GDP. Những con số này đã khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến mức độ an toàn nợ công của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nguyên nhân của chỉ tiêu nợ vượt quá giới hạn xuất phát từ hai lý do chủ yếu. Đó là GDP thực tế thực hiện năm 2015 giảm mạnh so với số đã dự báo tháng 10/2015 là 291.100 tỷ đồng và việc bổ sung 30.000 tỷ đồng kế hoạch giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2015 theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công những năm qua có xu hướng tăng nhanh nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và Bộ Tài chính đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, quyết liệt để giữ cho nợ công không vượt qua ngưỡng an toàn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần khẩn trương thực hiện cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công.

Giai đoạn hiện nay cũng như 5 năm tới, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và diễn biến kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều biến động khó lường, để các chỉ tiêu nợ không vượt trần cho phép, đảm bảo cho an toàn nợ công, thì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần được xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa.

Cùng với đó, theo người đứng đầu ngành tài chính, không thực hiện đầu tư vượt quá khả năng bố trí trả nợ của ngân sách nhà nước. Thu hẹp đầu tư của nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có tác dụng lan tỏa rộng. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công, siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ.

Ngành tài chính cũng kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách nhà nước theo lộ trình đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước để chi trả nợ đến hạn; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung-dài hạn cho đầu tư phát triển nền kinh tế.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn và lựa chọn dự án một cách thông minh là một giải pháp quan trọng để giảm áp lực chi đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp mà không bị ảnh hưởng về tăng trưởng.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng Chính phủ cần chú trọng xây dựng thể chế quản lý nợ công đủ mạnh. Bộ máy quản lý nợ công cần thay đổi theo hướng tập trung vào một đầu mối, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thực hiện đầy đủ quy định về công khai, minh bạch về nợ công. Cơ quan quản lý nợ công cần linh hoạt sử dụng các công cụ nợ có kỳ hạn khác nhau, ở các thời điểm khác nhau để nâng cao hiệu quả nợ công, giãn cách gánh nặng nợ công tránh rủi ro kỳ hạn và giảm chi phí lãi vay.

“Một giải pháp quan trọng khác để duy trì kỷ luật ngân sách là thực hiện kiểm toán nợ công đầy đủ. Kiểm toán độc lập nợ công sẽ góp phần giảm thiểu lãng phí ngân sách nhà nước, giảm các khoản chi không cần thiết và giảm nợ công," ông Cung nói.

Ông Trương Hùng Long cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất của quản lý nợ công là kiểm soát độ an toàn của nợ công và việc giữ các chỉ tiêu nợ công trong mức trần cho phép. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất trong an toàn nợ công phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn từ các khoản nợ công; khả năng trả nợ từ chủ thể đi vay và khả năng đáp ứng nguồn vốn vay từ phía thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, quản lý nợ công không đơn thuần chỉ là những giải pháp liên quan đến ngân sách, vay nợ, sử dụng và phân bổ ngân sách, đầu tư công... mà còn liên quan đến nhiều giải pháp về tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu và ngoại thương.

Trong một cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý nợ công, do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức mới đây, ông John Gardner, Trưởng đoàn chuyên gia IMF đã gợi ý, để quản lý nợ công hiệu quả cần có các tiêu chí như cơ cấu tiền tệ-nội/ngoại tệ; thời gian đáo hạn trung bình, quy mô nợ có thời gian đáo hạn dưới 1 năm; cơ cấu các khoản vay có lãi suất cố định/thả nổi; các chỉ số khác như khoản nợ có tương quan với lạm phát.

“Đây là những tiêu chí quan trọng vì chúng được sử dụng để kiểm soát rủi ro tài khóa trong danh mục nợ,” ông John Gardner nói.

Ông John Gardner cũng chỉ ra những thách thức trong quản lý nợ công khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình làm giảm mức vay ưu đãi mà Việt Nam được hưởng nhưng đồng thời cũng mở ra khả năng tiếp cận thị trường nợ trên thế giới khi các nhà đầu tư trở nên quan tâm tới thị trường nợ Việt Nam với mức tín dụng cao hơn.

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục sẽ cùng các cơ quan có liên quan tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm đa dạng hóa kỳ hạn phát hành. Đồng thời tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, phấn đấu kéo dài kỳ hạn bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 lên 6-8 năm, đảm bảo huy động vốn phù hợp với khả năng hấp thụ và nhu cầu của thị trường.

Mặt khác sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ODA đã ký kết đối với các chương trình, dự án chuyển tiếp, đồng thời tích cực chuẩn bị dự án ODA mới; xây dựng cơ chế huy động vốn vay kém ưu đãi hơn từ các nguồn IBRD (Ngân hàng Tái thiết Phát triển Quốc tế)/OCR (nguồn tín dụng thông thường) để tạo bước đệm trong chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường.

Đồng thời, phát triển công cụ quản lý rủi ro; chủ động, linh hoạt lựa chọn trong đa dạng các công cụ nợ gắn liền với các đặc điểm chi phí-rủi ro khác nhau để phù hợp với diễn biến thị trường luôn biến động; có quy định phù hợp về thẩm quyền, công cụ kiểm soát và phòng ngừa rủi ro về nợ phù hợp với nghiệp vụ quản lý nợ chuyên nghiệp trên thế giới./.

Thùy Dương

No comments:

Post a Comment