Sunday, June 5, 2016

Cán bộ công chức Tp.HCM có đủ sức để đưa Thành phố cất cánh ?

Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, 
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính, 

Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON

Báo Lao Động, ngày 05/06/2016,            http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/can-bo-cong-chuc-tphcm-co-du-suc-de-dua-thanh-pho-cat-canh-559055.bld,        Để Tp HCM trở thành thành phố có vị thế trong khu vực về mọi mặt và là thành phố đáng sống thì nền công vụ và cán bộ công chức(CBCC) TP.HCM phải có những bứt phá, phải bắt kịp những xu thế của một nền công vụ tiên tiến.


Ảnh minh họa
Có một cách ví von ẩn dụ ví 4 trụ cột của nền hành chính như một chiếc xe đang chạy trên đường. Thứ nhất, con đường ví như hệ thống thể chế hành chính. Nó bao gồm chất lượng mặt đường, các chỉ dẫn, biển báo, đèn tín hiệu, hệ thống cầu vượt... mục đích cuối cùng là để lưu thông thông suốt, trật tự, bảo đảm đúng kỷ cương. Thứ hai, chiếc xe ví như bộ máy hành chính. Nó bao gồm hệ thống máy móc, cơ chế vận hành, tính năng và trạng thái kỹ thuật... máy móc tốt xe chạy tốt. Thứ ba, tài xế, ví như đội ngũ cán bộ công chức. Nó đòi hỏi tay nghề, sức khoẻ, đạo đức, chấp hành luật lệ giao thông... tài xế giỏi xe chạy an toàn không gây tai nạn, sự cố. Thứ tư, xăng nhớt, ví như tài chính công. Nó đòi hỏi cung cấp đúng đủ chủng loại xăng, dầu bảo đảm cho xe chạy đi đến nơi về đến chốn... mục tiêu là tiết kiệm, hiệu quả.            Trong bốn yếu tố cấu thành nền hành chính, yếu tố cán bộ công chức,tài xế nếu máy bay là phi hành đoàn, là quan trọng nhất là lẽ đương nhiên. Vì con người tạo ra thể chế, tạo ra bộ máy hành chính và đứng ra phân phối, sử dụng nguồn lực tài chính công.  
Theo một số ý kiến, Tp.HCM chuẩn bị đường băng đủ rộng để cất cánh.Riêng tôi vẫn trăn trở băn khoăn vể chất lượng "phi hành đoàn"- cán bộ công chức Thành phố. Họ có cất cánh được không? Họ đưa 10 triệu dân Thành phố bay an toàn với dịch vụ tốt không??? 
Thiết nghĩ lao động của CBCC là lao động quyền lực,cho nên phải được đào tạo tuyển chọn đặc biệt,chấp hành "luật chơi" và được giám sát nghiêm ngặt hơn. 
Để Tp HCM trở thành thành phố có vị thế trong khu vực về mọi mặt và là thành phố đáng sống thì nền công vụ và cán bộ công chức(CBCC) TP .HCM phải có những bứt phá, phải bắt kịp những xu thế của một nền công vụ tiên tiến. 
Nhà nước của bất kỳ một chế độ nào tựu trung bao gồm 2 chức năng cơ bản: Chức năng quản lý (một số nước gọi là chức năng cai trị) và chức năng phục vụ (hay còn gọi là cung cấp dịch vụ cho xã hội). Quá trình cải cách hành chính vừa qua đã thực hiện ISO-9000, đơn giản hoá thủ tục hành chính, lấy ý kiến sự hài lòng của nhân dân… Các công việc này là một bộ phận cấu thành của chế độ cam kết phục vụ nhân dân. Vì thế để tiến hành một cách tổng thể nâng lên thành “chế độ phục vụ” . 
Chế độ cam kết phục vụ nhân dân của chính phủ và chính quyền các cấp là một việc mới trong lĩnh vực quản lý công cộng, được hình thành từ thập kỷ 90 ở các quốc gia có nền công vụ tiên tiến. Đó là một cơ chế hữu hiệu để nâng cao hiệu quả các tổ chức công cộng do chính phủ và các cấp chính quyền thành lập/ Chế độ cam kết phục vụ nhân dân không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi, nhắc nhở, động viên, thậm chí chỉ thị mệnh lệnh mà phải thiết kế thành một quy trình, một công nghệ nhiều công đoạn như, cam kết trách nhiệm, cơ chế thực hiện cam kết ,bao gồm cơ chế giám sát từ bên ngoài, cơ chế quản lý nội bộ, sự bảo đảm về mặt kỹ thuật, thiết lập và hoàn thiện cơ chế giám sát của xã hội. 
Một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thông qua đánh giá, công chúng có thể có được sự lựa chọn chính xác, tạo ra sức ép đối với tổ chức công cộng, công chức buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác, thật sự chuyển từ chức năng cai trị sang chức năng phục vụ. 
Hơn nữa thiếu chế độ thưởng phạt công minh, cần thay đổi cơ chế quản lý công chức, cần làm rõ nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu đối với việc tuyển dụng, phân công, kỷ luật, đề bạt, buộc thôi việc đối với công chức sau khi tham khảo dân chủ ý kiến đồng thuận của tập thể người lao động. Cần áp dụng các phương pháp khoa học khách quan để đánh giá, như đánh giá dựa theo hệ thống quản lý kết quả đầu ra (Performance Management System) - một phương thức mới đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng nhằm cải thiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, công chức và người đứng đầu. 
Hoặc  bổ sung chế định sát hạch định kỳ đối với công chức . Cần nhấn mạnh rằng chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hằng năm đang áp dụng.còn sơ sài, thiếu khoa học và có tính chất chiếu lệ theo tư duy quản lý lỗi thời. 
Công chức với chế độ “vào biên chế” coi như có thể yên tâm suốt cuộc đời làm việc ngoài trừ khi nào khuyết điểm đến mức buộc thôi việc hoặc trong diện giảm biên chế, chuyện này rất hiếm khi, nên tồn tại sự trì trệ, thiếu động lực… Thiết nghĩ cần thay thế chế độ ”biên chế” bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt” cộng với thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ quá nhiều trì trệ bất cập hiện nay. 
Phải thông qua sát hạch mới có thể có được sự đánh giá chính xác và tìm hiểu toàn diện về tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và thành tích thực tế trong công tác của các công chức. Phải thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với việc đánh giá còn quá nhiều cảm tính như hiện nay.Cần nghiêm túc thực hiện đề án “Xác định vị trí việc làm”. Qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trên cơ sở đó xác định rõ những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó. Đó là giải pháp để góp phần tinh giản biên chế. 
Tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm. 
Tăng cường thanh tra công vụ. Thay thế chế độ biên chế bằng chế độ ký hợp đồng linh hoạt đối với công chức hành chính. Thực hiện thi tuyển công khai, cạnh tranh các chức danh công chức từ nhân viên đến  công chức lãnh đạo. Tính toán chế độ lương bổng hợp lý để công chức thi hành công vụ yên tâm sống làm việc một cách thanh cao...
Một nền công vụ trong sạch, hiệu lực, hiệu quả ,kỷ cương là nền công vụ trong đó mỗi công chức biết mình phải làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu không hoàn thành công vụ.Có như vậy mới mong các công chức của chúng ta đưa Tp HCM cất cánh.
Diệp Văn Sơn

No comments:

Post a Comment