Tuesday, March 22, 2016

Cơ hội có một không hai cho Việt Nam

Báo Vietnamnet, ngày 22/03/2016,            http://m.vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/295297/co-hoi-co-mot-khong-hai-cho-viet-nam.html,            Hội nhập đẳng cấp cao đang mở ra cho VN cơ hội khó lặp lại để vượt thoát khỏi đẳng cấp phát triển lẹt đẹt hiện tại. Nếu vẫn mãi tư duy đi theo, cải tiến chỉnh sửa mô hình hiện tại mà không dám chấp nhận cuộc chơi vượt trước thì biết đến bao giờ VN mới đuổi kịp thế giới.
LTS: Một nhiệm kỳ mới đã bắt đầu với những vận hội và thách thức đất nước đang đặt lên bàn các nhà lãnh đạo. Những cuộc thảo luận tìm kiếm mô thức phát triển cho giai đoạn mới đã bắt đầu được nhen nhóm trong bộ máy lãnh đạo và giới tinh hoa. VietNamNet giới thiệu phần 1 bàn tròn: Cơ hội vượt thoát từ hội nhập với Doanh nhân Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP, GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế VN và Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN nhằm góp thêm tiếng nói cho cuộc tranh luận nóng bỏng này.
 

Mấy chục năm, năng suất vẫn bò sát mặt đất
Nhà báo Việt Lâm: Năm 2015, Việt Nam hoàn tất đàm phán gia nhập một loạt các hiệp định thương mại tự do đẳng cấp cao như TPP, FTA với EU, Hàn Quốc rồi Cộng đồng Kinh tế ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Với người dân bình thường có lẽ hội nhập không còn xa vời trên bàn nghị sự của các nhà làm chính sách nữa, mà đang ập tới ngay trong hiện thực. Mới đây thôi, Tân Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng phải trực tiếp vào cuộc giải quyết câu chuyện bà con nông dân Củ Chi không bán được sữa. Khi đối thoại với tân bí thư, CEO của Vinamilk đã thẳng thắn cảnh báo: sắp tới khi TPP có hiệu lực thì giá sữa chỉ còn 8-9000 đồng/1 lít trong khi hiện nay Vinamilk vẫn đang thu mua của bà con với giá 13000 đồng/lít. Với tình hình làm ăn nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay thì khả năng bà con nông dân không thể cạnh tranh nổi, thậm chí phá sản. Điều đó có khiến chúng ta phải suy nghĩ hay không?

Ông Nguyễn Liên Phương: Vấn đề của ngành sữa không phải chỉ là một câu chuyện đơn lẻ mà có tính đại diện cho tất cả các ngành kinh tế của VN. Nhiều ngành sản xuất, dịch vụ đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Chẳng hạn, ngành bán lẻ đã bị nước ngoài thâu tóm gần hết. Là một trong những nền kinh tế yếu nhất tham gia cuộc chơi hội nhập với các hiệp định thương mại thế hệ mới, điều dễ hiểu là chúng ta gần như không có khả năng chống đỡ trong vài năm tới.
Tuy nhiên, tôi lại nghĩ đây là một vận hội chứ không phải là nguy cơ. Sau 30 năm đổi mới, giờ đã đến lúc để chúng ta bàn thảo và tìm ra một con đường phát triển mới, mô hình phát triển mới cho VN.
GS Nguyễn Quang Thái: Cuộc đối thoại giữa ông Đinh La Thăng và bà Mai Kiều Liên cho thấy hội nhập đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận thách đố. Rất có thể trong cuộc chơi toàn cầu này, một số doanh nghiệp VN không vượt qua được. Nhưng đấy là quy luật của sự phát triển và có vậy mới sản sinh ra những doanh nghiệp thế hệ mới đáp ứng được cuộc chơi hội nhập. Chúng ta không thể tiếp tục con đường tuần tự nhi tiến, doanh nghiệp có khó khăn thì tìm cách tháo gỡ mà vấn đề là phải tạo ra một cách chơi mới để thích ứng với cuộc chơi toàn cầu này. Và đây là cơ hội lớn cho sự phát triển của VN trong giai đoạn tới.
TS Trần Đình Thiên: Bà Mai Kiều Liên mới chỉ nói đến khía cạnh giá cả, chi phí mà đã thấy gay go rồi. Chúng ta cứ tưởng mình sẽ có lợi thế giá cả nhờ lao động giá rẻ, tài nguyên sẵn có nhưng tại sao ngay cả những ngành dựa vào sức lao động và tài nguyên cũng không cạnh tranh được? Bởi vì tiền lương của VN tuy rẻ, nhưng thực chất lại rất đắt bởi năng suất lao động thấp, dẫn đến phí tổn đơn vị cao. Cho nên, lao động rẻ thực ra lại chỉ là ảo tưởng.
Vấn đề thứ hai là đẳng cấp phát triển, điểm mấu chốt hiện nay. Bao nhiêu năm chúng ta mở cửa, vươn ra hội nhập với bên ngoài nhưng thử hỏi đẳng cấp phát triển hiện nay của chúng ta như thế nào? Lấy ví dụ ngay ngành chăn nuôi bò sữa mà chúng ta đang nói đến đi. Rất nhiều bảng biểu, số liệu chỉ ra sự thực là mấy chục năm nay, năng suất của ta vẫn cứ bò sát mặt đất thôi.
Tình thế hiện nay đáng nói ở chỗ: chúng ta hăm hở hội nhập vào những cuộc chơi đẳng cấp rất cao trong khi đẳng cấp phát triển đang lẹt đẹt. Tức là có một khoảng vênh rất lớn giữa khát vọng và lựa chọn thay đổi số phận với cái cách mà chúng ta đang làm. Cho nên, điểm tháo gỡ đầu tiên phải từ tư duy của nhà nước. Nhà nước có cách nghĩ như thế nào về hội nhập và phát triển. Nhà nước phải làm gì để tạo điều kiện cho những năng lực thực tế của VN được thực hiện đúng.
hội nhập, tụt hậu, đẳng cấp phát triển
GS Nguyễn Quang Thái và Ts Trần Đình Thiên. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chấp nhận đi theo hay tư duy vượt trước?
Việt Lâm: Biết là đẳng cấp phát triển của mình còn tụt hậu như thế, năng lực thực tế của mình còn nhiều điểm yếu cố hữu như thế thì tại sao VN vẫn cứ hăm hở lao vào những cuộc chơi đẳng cấp cao như thế?

Ông Nguyễn Liên Phương: Có hai vấn đề đặt ra khi VN mạnh dạn tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Một mặt, đó là nỗi lo sợ khi đẳng cấp cạnh tranh quá thấp. Nó không khác gì trình độ của một anh đá bóng ở huyện, ở tỉnh mà giờ phải chơi với những đội hàng đầu thế giới.
Nhưng nhìn ở một góc độ khác chúng ta sẽ thấy phải thay đội bóng đấy, cách chơi đấy để trụ lại được với những đối thủ nặng ký kia. Đấy là hai cách tiếp cận, hoặc chấp nhận thua mười mấy không, hoặc xây một đội bóng mới như bầu Đức và đấu đá sòng phẳng.
Đây là lựa chọn của VN vào thời điểm mang tính lịch sử này. Tôi nghĩ mọi người VN hôm nay, từ những vị lãnh đạo cho đến người có trách nhiệm sẽ phải trả lời trước dân tộc, trước lịch sử rằng chúng ta chấp nhận thua cuộc hay chúng ta sẽ vượt thoát lên.
Gs Nguyễn Quang Thái: Cách đây 20 năm khi gia nhập ASEAN, chúng ta cũng đối diện với nhiều nỗi lo sợ, bất an nhưng rồi chúng ta đều vượt qua được.
Hội nhập ở đây thực chất là một quá trình tự nhận thức lại chính mình, tự mình phủ định mình để vươn lên tầm cao mới. Nếu chúng ta cứ chấp nhận cách làm như bao lâu nay, lẽo đẽo đi theo sau người ta thì biết bao giờ mới đuổi kịp họ. Khát vọng phát triển phải dựa trên tư duy dám thắng mình và vượt lên thì mới có thể vươn tới đẳng cấp phát triển cao hơn.
Ts Trần Đình Thiên: Về cơ hội để vượt thoát lên, nói hình ảnh nôm na giống như VN hiện đang đi xe đạp, trong khi thế giới có ông đi tàu hoả, ông đi ô tô và nhiều ông đã đi máy bay. Giờ VN hội nhập vào cả một thế giới với rất nhiều lựa chọn như vậy, nó tạo điều kiện cho VN có thể lựa chọn. Một là, ông tiếp tục đi xe đạp bằng cách sửa đường sá, bôi thêm dầu mỡ…để tốc độ của xe đạp từ 15km/h có thể lên tới 50km/h. Hai là, chúng ta nghĩ cách đi ô tô, máy bay. Tất nhiên, sẽ có câu hỏi đặt ra là sân bay đâu, máy bay đâu, rồi văn hoá trên cao nữa. Nhưng nếu cứ đi xe đạp như hiện nay thì dù có cải tiến đến mấy thì biết bao giờ mới đi cùng nhân loại được?
Nói cách khác, cách tiếp cận của VN không thể cứ mãi loay hoay cải tiến, chỉnh sửa những cái đã có mà cơ hội cho phép chúng ta đuổi kịp thế giới. Nói như Gs Nguyễn Quang Thái, nếu ta vẫn chấp nhận tư tưởng đi theo như hiện nay thì mãi mãi đi sau người ta. Bởi cơ cấu kinh tế VN hiện đang lệ thuộc vào nước ngoài, nếu ông cứ đi theo thì nó đè ông xuống thôi.
Bởi vậy, tôi đồng ý với anh Phương rằng một trong những thành công lớn nhất của VN thời gian qua về mặt tư duy chiến lược là đồng loạt ký một loạt các hiệp định thương mại đẳng cấp cao. Sức yếu nhưng VN vẫn sẵn sang chơi một cuộc chơi về mặt lựa chọn là không có gì. Tôi đọc được cái hàm ý cho dân tộc mình là dám chơi cuộc chơi lớn để thoát khỏi những cuộc chơi đi theo. Thách thức đặt ra với bộ máy lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tới là vừa phải làm sao thoát khỏi lệ thuộc, mặt khác phải bám vào được cái lớn để mà vượt lên. Nó đòi hỏi một tầm nhìn và cả sự khôn ngoan trong xử lý tình huống.
Ông Nguyễn Liên Phương: Tôi muốn làm rõ hơn về cơ hội khi VN dám chơi trên một sân chơi đẳng cấp như thế. Trong lịch sử hiện đại, chúng ta từng có một cơ hội tuyệt vời khi thống nhất đất nước năm 1975. Khi đó, thương hiệu VN đẹp long lanh trên bình diện toàn cầu. Sau này, người ta ta tổng kết có đến 2/3 số nguyên thủ quốc gia đã từng xuống đường vì VN khi họ còn trẻ. Đáng tiếc là VN đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có biến thương hiệu ấy thành giá trị kinh tế.
Giờ đây, mất mấy chục năm thì VN mới lại có một cơ hội như thế, khi được thế giới nhìn nhận như một hiện tượng, một nước đang phát triển đẳng cấp thấp dám chơi sòng phẳng với các cường quốc. Thương hiệu VN đang rất đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế. Mấu chốt của thị trường hiện đại là thích hay không thích.
Nhân đây, tôi xin kể một câu chuyện. Cách đây hai tuần, chúng tôi sang hội chợ thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới tổ chức ở Dubai. Đây là năm thứ ba chúng tôi tổ chức gian hàng quốc gia VN. Năm nay có một hiện tượng là gian hàng VN chỉ có 24 doanh nghiệp nhưng lúc nào cũng đông kín khách đến tận lúc hội chợ đóng cửa. Trong khi gian hàng Thái Lan tổ chức rất hoành tráng nhưng khách ít hơn nhiều, còn gian hàng của Trung Quốc đồ sộ hơn cả lại vắng khách. Trong hơn 80,000 khách thương mại đến hội chợ thì riêng một doanh nghiệp VN đã tiếp đón hơn 2000 khách, gần như phát ốm luôn vì khách hàng. Nói thẳng ra, đấy là sức hút của hai tiếng VN chứ không hẳn là sức hút của hàng hoá vì hàng hoá của ta đẳng cấp còn thấp.
Vấn đề bây giờ là làm sao biến cơ hội này thành giá trị kinh tế. Nếu lần này chúng ta lại để nó trôi qua thì có lẽ sẽ không còn cơ hội nào mà thế giới nói về mình, chú ý đến mình nhiều như thế.
hội nhập, tụt hậu, đẳng cấp phát triển
GS Nguyễn Quang Thái và doanh nhân Nguyễn Liên Phương. Ảnh: Lê Anh Dũng
Để không lãng phí cơ hội
Việt Lâm: Nói về những cơ hội thì có lẽ dân tộc VN cũng rất may mắn vì đã được trao cho khá nhiều cơ hội. Ngoài cơ hội khi vừa thống nhất đất nước như anh Phương đề cập thì còn một cơ hội khi VN đổi mới. Lúc đó, quốc tế đều đánh giá VN như một hiện tượng, một “con hổ châu Á” kế tiếp. Nhưng tại sao cơ hội đến với chúng ta như thế, mà khát vọng phát triển cháy bỏng như thế, mà sau 5,10 năm nhìn lại thấy mình bỏ lỡ nó?

Ông Nguyễn Liên Phương: Tôi vẫn chia sẻ với các doanh nhân VN phương thức phát triển, đó là: lựa chọn khôn ngoan, tiếp cận thông minh. Thế giới này chỉ có hai loại người thôi, một loại là khôn ngoan và thông minh và một dạng thứ hai là làm thuê cho mấy ông khôn ngoan và thông minh đấy.
Phải nói thẳng rằng trong 30 năm qua, nhìn lại sự lựa chọn của chúng ta chưa đủ sáng suốt. Ban đầu chúng ta mơ giấc mơ công nghiệp điện tử, rồi sau đó mơ giấc mơ ô tô. Tiếp theo chúng ta chọn sản xuất phần mềm tin học, rồi mơ thành cường quốc đóng tàu. Ta mơ đủ thứ, nên dẫn đến tình trạng nền kinh tế quả mít, cái gì cũng thành mũi nhọn cả. Cách vận hành nền kinh tế trong 30 năm qua như thế đã triệt tiêu những nguồn lực chúng ta có.
Tôi hi vọng rằng trước vận hội mới này, chính phủ và giới tinh hoa sẽ bàn cho kỹ một chiến lược, một mô hình phát triển mới. Những việc chúng ta đang làm hiện nay mới chỉ là sửa chữa các khuyết tật của nền kinh tế và đời sống xã hội, tức là đưa cái không bình thường trở lại cái bình thường. Nhưng muốn từ bình thường mà vượt thoát lên thì đòi hỏi một mô hình, chiến lược bài bản.
TS Trần Đình Thiên: Tại sao cơ hội lại cứ trôi qua? Câu hỏi này rất hay và có lẽ khó trả lời cho thấu đáo. Nhưng tôi nghĩ một phần do chúng ta chỉ thích tận hưởng cơ hội thôi. Trong khi đó, bản chất của trò chơi phát triển là ông phải bỏ cái gì ra thì mới được hưởng cái tương xứng chứ. Nói cách khác, ông muốn tận hưởng cơ hội thì ông phải chuẩn bị năng lực, chuẩn bị các điều kiện. Chứ ông không làm gì mà chỉ nằm “há miệng chờ sung” thì bao giờ nó đến được. Ví von hình ảnh thì giống như ông đứng trước cơ hội đi máy bay mà lại chuẩn bị điều kiện bằng cái xe đạp thì làm sao đi nổi máy bay?
VN mình hay an ủi nhau: nước đến chân mới nhảy, mà nhảy thì chắc là được. Nhưng vấn đề ở chỗ nhảy xong rồi cứ thích ở mãi chỗ ấy mà không biết là mình đang ở một cái vũng khác. Tôi nghĩ 5 năm tới đây đặt ra thách thức buộc chúng ta vừa phải bình thường hoá, lành mạnh hoá đời sống kinh tế - xã hội và trên nền tảng ấy bắt đầu định hình một mô hình phát triển mới, nhập cuộc với thế giới trong một tư thế đàng hoàng. Không còn lựa chọn nào khác cả.
Vietnamnet

No comments:

Post a Comment