Monday, September 28, 2015

Nhận diện Trung Quốc

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 26/09/2015,         http://www.thesaigontimes.vn/136219/Nhan-dien-Trung-Quoc.html,          Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc như con thuyền đang ở giữa dòng, sóng cũng to mà gió cũng lớn, theo GS TS Đỗ Tiến Sâm, chuyên gia về Trung Quốc.

TS Phạm Sỹ Thành trao đổi với
 đại biểu trong buổi tọa đàm.
 Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi


Ông Sâm phát biểu như trên tại buổi tọa đàm chủ đề Trung Quốc trong vùng nước xoáy và những ảnh hưởng đến Việt Nam do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) tổ chức ngày 25-9 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, TPHCM.

GS TS Đỗ Tiến Sâm - Viện nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) ví von: "Sóng nhất là sóng ngầm hay sóng lừng là phản kháng của người dân – mà con số lớn đến hàng trăm nghìn cuộc một năm; còn gió là sức ép hay kiềm chế đến từ Mỹ và các nước phương Tây khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa đến lợi ích của họ, gió cũng còn đến từ phản ứng của các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc trước những hành động gây hấn, hung hăng và những đòi hỏi vô lý của nước này trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”, ông Sâm phân tích.
Trong khi đó, cũng trong buổi tọa đàm này, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) thì nhìn trên bình diện kinh tế, lại ví von rằng, nền kinh tế Trung Quốc như “một con trâu mang trái tim gấu”. Ông Thành khởi đi từ các dữ liệu thời sự cụ thể: thị trường chứng khoán Trung Quốc mất hơn 30% giá trị vốn hóa vào tháng 7, đồng nhân dân tệ phá giá hơn 3% vào tháng 8 và các số liệu kinh tế vĩ mô đáng thất vọng vào tháng 9 làm nảy sinh các câu hỏi như: Liệu kinh tế Trung Quốc có sụp đổ?; nền kinh tế quốc gia này đang gặp phải vấn đề gì?
Ông Thành phân tích nguyên nhân cốt lõi đẩy kinh tế Trung Quốc rơi vào “vùng nước xoáy” chính là những động lực chính từ bên trong cơ thể chính trị đã làm cho nền kinh tế này xa rời nguyên tắc thị trường. “Ở đó, Trung Quốc đang phải đối diện với tình trạng các nền tảng bị lung lay – một mô hình kinh tế thiếu sáng sủa và không hứa hẹn tương lai; nó chỉ có thể lừa mị được dân chúng nhưng không qua mặt được các nhà kinh tế học”, “một nền tài chính có vấn đề ở chỗ sự phi thị trường và hành chính hóa đang can thiệp sâu và rất nguy hiểm cho thị trường chứng khoán Trung Quốc”, TS Thành nhận định.
Tuy vậy, cả TS Phạm Sỹ Thành lẫn GS TS Đỗ Tiến Sâm, tuy nhìn từ hai bình diện khác nhau là kinh tế và chính trị, song đều chỉ ra rằng, những quyết sách của ông Tập Cận Bình như việc chống tham nhũng, như tích lũy các nguồn lực chính trị và có những dấu hiệu hoạch định đường hướng cải cách cũng như thiết lập hình ảnh mới trong đối ngoại đang tích cực cải thiện tình hình phát triển của Trung Quốc. Sự chuyển giao từ quan niệm “mấu chốt giải quyết mọi vấn đề của cải cách mở cửa ở Trung Quốc là Đảng” của ông Hồ Cẩm Đào sang diễn ngôn “giải phóng tư tưởng là điều quan trọng đầu tiên” của ông Tập Cận Bình đang cho thấy trọng tâm quy chiếu của thay đổi chính là thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quốc gia đang được tiến hành ở Trung Quốc.
Theo TS Đỗ Tiến Sâm và TS Hoàng Thế Anh thì điều mà Việt Nam có thể tham khảo ở đây chính là cải cách thể chế và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Những lo ngại về sự ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc vào xã hội Việt Nam hiện nay mà TS Nguyễn Nhã nêu ra trực tiếp trong buổi tọa đàm được TS Sâm trao đổi: “Hiện nay tốc độ gia tăng các Viện Khổng Tử của Trung Quốc trên thế giới đang diễn ra cực kỳ nhanh, có thể ví như sự gia tăng của nền kinh tế quốc gia này trong hơn 30 năm qua. Trên thế giới hiện có 102 viện Khổng Tử, riêng châu Á có đến 41 Viện. Và nhiều người biết, việc lấy tên Khổng Tử chỉ là một hình thức giúp Trung Quốc quảng bá, văn hóa quốc gia, nâng cao quyền lực mềm, do chính phủ Trung Quốc chủ trương.
Riêng tại Việt Nam, ngoài chuyện viện Khổng Tử được đặt trong một trường công (ĐH Hà Nội) thì chúng ta nên nhớ rằng, mỗi năm, trên hệ thống các kênh truyền hình quốc gia và địa phương ở nước ta có đến 300 bộ phim truyền hình Trung Quốc được chiếu. Dĩ nhiên có những phim tốt nhưng cũng có những phim thậm chí liên quan đến vấn đề tuyên truyền chủ quyền sai lệch từ phía Trung Quốc vẫn được chiếu công khai trên truyền hình của ta, buộc chúng tôi phải lên tiếng. Vấn đề là làm sao để giao lưu văn hóa có sàng lọc, không bị lạm dụng? Cũng phải nói thêm rằng, trong khi người Việt biết quá nhiều về văn hóa, lịch sử Trung Quốc thì cái hay, cái đẹp của người Việt, văn hóa Việt Nam lại còn quá xa lạ với người dân Trung Quốc”
Các chuyên gia trong tọa đàm cũng cho rằng, sự hạn chế phụ thuộc về văn hóa cũng có tầm quan trọng không kém so với những lệ thuộc về chính trị và kinh tế.  

Nguyễn Huệ Nghi

No comments:

Post a Comment