Monday, September 28, 2015

Dự án lọc dầu: xin bảo hộ thì đừng mở rộng sản xuất nữa!

Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 25/09/2015,         http://www.thesaigontimes.vn/136068/Du-an-loc-dau-xin-bao-ho-thi-dung-mo-rong-san-xuat-nua.html,      Theo tính toán của PVN, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018 thì nguồn cung xăng dầu nội địa cho thị trường Việt Nam tại thời điểm đó sẽ vượt nhu cầu trong nước, đặc biệt là dầu diesel.
     
Điều đáng chú ý hơn là PVN thừa nhận rằng các sản phẩm xăng dầu do hai nhà máy lọc dầu của mình làm ra khó cạnh tranh được với sản phẩm xăng dầu cùng loại nhập khẩu, đặc biệt sản phẩm xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc- được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước và khu vực này. Do đó, PVN kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp hạn ngạch (quota) nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất để các nhà máy lọc dầu trong nước “tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đảm bảo an ninh năng lượng”.
Giả sử Chính phủ chấp nhận kiến nghị trên của PVN. Việc cần xem xét ở đây là liệu Chính phủ có được phép áp đặt quota nhập khẩu xăng dầu hay không. Theo cam kết WTO thì kể từ ngày gia nhập WTO, Việt Nam không được áp dụng mới và áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế số lượng nhập khẩu không phù hợp với quy định của WTO. Riêng với biện pháp hạn chế số lượng nhập khẩu dưới hình thức hạn ngạch thuế quan thì Việt Nam chỉ được duy trì đối với bốn nhóm mặt hàng là thuốc lá nguyên liệu; trứng gia cầm; đường thô và đường tinh luyện; muối.
Nếu cụm từ “quota nhập khẩu” được PVN dùng trong kiến nghị của mình lên Chính phủ đồng nghĩa với hạn ngạch thuế quan như trong cam kết WTO thì Chính phủ Việt Nam cho dù có muốn bảo hộ PVN đến đâu đi nữa cũng không được phép áp đặt bất cứ một dạng quota để hạn chế nhập khẩu xăng dầu nào.
Phân tích kiến nghị trên từ một góc độ khác
Theo lộ trình cam kết của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, từ năm 2015-2018, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu có nguồn gốc từ các nước này sẽ phải đưa về mức 20% với xăng, 5% với dầu diesel cho ô tô và dầu hỏa. Tuy nhiên, trên thực tế, các mặt hàng này ở Việt Nam đang phải chịu thuế suất nhập khẩu theo cam kết WTO ở mức 35% (trước thời điểm 13-4-2015) vì nguồn nhập khẩu từ các nước hưởng ưu đãi thuế nói trên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam (chiếm 0,08% trong quí 1-2015, theo Bộ Tài chính).
Hiện tại, từ sau ngày 13-4-2015, mức thuế nhập khẩu xăng đã giảm còn 20%, dầu diesel là 10%. Với bối cảnh giá dầu thế giới đang giảm mạnh, thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế cũng giảm, càng làm lộ rõ tính hiệu quả của các nhà máy lọc dầu của PVN là thấp. Bởi vậy, việc các nhà máy này vẫn tồn tại và tiếp tục tiêu thụ được sản phẩm có nghĩa là cả nền kinh tế Việt Nam phải ngậm hai “quả đắng” lọc dầu này, tiếp tục phải trực tiếp và gián tiếp bù lỗ cho chúng duy trì hoạt động.
Nhưng hãy tạm gác lại chuyện hiệu quả thấp của các dự án này, vì chúng là “chuyện đã rồi” và ở vào thế “đâm lao phải theo lao”. Điều đáng nói ở đây là, đã nhìn ra được tương lai ảm đảm về tính cạnh tranh của mình đến tận năm 2018, thế mà, kỳ lạ thay, PVN, các cổ đông của họ và các cơ quan có thẩm quyền vẫn xem xét hoặc quyết định nâng cấp và mở rộng đáng kể công suất của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất (từ 6,5 triệu lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2021) và Nghi Sơn (từ 200.000 thùng/ngày lên 400.000 thùng/ngày), với lý do để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang ngày càng tăng ở Việt Nam.
Như thế, có thể thấy, khi cần xin xỏ một cái gì đó có lợi cho mình thì những “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước như PVN luôn viện ra những lý do nghe có vẻ cực kỳ xác đáng (nhưng thật ra là cực kỳ vô lý). Trong việc xin bảo hộ thị trường trong nước bằng quota nhập khẩu vì lo dư cung, PVN viện lý do nào là bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án (?), nào là đảm bảo an ninh năng lượng. Ngược lại, dù biết và thừa nhận sẽ có dư cung năng lực sản xuất trong nước, nhưng để tiện bề xin mở rộng công suất, PVN và các cổ đông lại viện đến lý do đáp ứng nhu cầu xăng dầu đang ngày càng tăng ở Việt Nam (vậy sao lại kiến nghị siết nhập khẩu vì lo dư cung?).
Từ những lý do “tréo ngoe” như nói ở trên, có thể thấy PVN đang quá “tham lam” khi vừa muốn được bảo hộ khỏi sự cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu, lại vừa muốn sản xuất nhiều để bán được nhiều và thu lãi nhiều hơn với giá bảo hộ cao ngất ngưởng.
Nếu muốn toàn dân “thông cảm” chung tay bảo hộ để các dự án lọc dầu có đất sống vì đã trót bỏ ra quá nhiều tiền xây dựng chúng thì PVN phải quên đi việc xin mở rộng hơn nữa công suất lọc dầu từ mức hiện tại. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể bảo hộ các nhà máy lọc dầu này một cách hợp pháp bằng việc duy trì hàng rào thuế quan tối đa theo mức cam kết với WTO (40%). Tất nhiên, toàn bộ gánh nặng thuế này sẽ đổ lên đầu toàn dân để đổi lấy sự tồn tại của các nhà máy lọc dầu.
Ngược lại, nếu muốn mở rộng thị phần bằng cách tăng công suất lọc dầu cho các nhà máy này thì PVN phải chấp nhận bị cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu mà không được hưởng sự bảo vệ bằng bất cứ chính sách nào của Chính phủ theo hướng siết chặt lại nhập khẩu xăng dầu với những lý do không chính đáng. Trong trường hợp này, thậm chí Chính phủ còn phải nhanh chóng xem xét hạ thấp hàng rào thuế quan từ mức rất cao như hiện tại để đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan.
PVN kiến nghị hạn chế nhập khẩu xăng dầu
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo PVN, đối với sản lượng cam kết bao tiêu, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018 thì nguồn cung xăng dầu nội địa cho thị trường Việt Nam tại thời điểm đó đạt khoảng 17,589 triệu mét khối, bao gồm: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 7,274 triệu mét khối/năm; Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 9,625 triệu mét khối/năm; bốn cơ sở pha chế xăng từ condensate có tổng công suất 690.000 mét khối/năm (chưa kể các dự án khác nếu đi vào hoạt động).
Trong khi đó, nếu tính toán nhu cầu thị trường nội địa cả nước (các sản phẩm xăng + diesel+ jet A1) tính tại thời điểm năm 2018 là khoảng 17,329 triệu mét khối (với tốc độ tăng trưởng nhu cầu nội địa dự kiến khoảng 3% năm)
Như vậy, tổng cung từ hai nhà máy lọc dầu và các nguồn chế biến xăng dầu từ condensate đã đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Bên cạnh đó, mặt hàng diesel sẽ dư thừa. Cụ thể, theo cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành 100% công suất thì dự kiến tại thời điểm 2018, tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000 mét khối, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư thừa khoảng 849.000 mét khối, sản phẩm xăng các loại và Jet A1 đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
PVN cho rằng, theo lộ trình cam kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), mức thuế áp dụng cho sản phẩm lọc dầu của Dung Quất và Nghi Sơn vẫn còn cao hơn với mức thuế suất ưu đãi theo FTA. Giá bán của các sản phẩm trong nước sẽ luôn cao hơn so với xăng dầu nhập khẩu.
Khi Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ càng thêm khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường Việt Nam. Các thương nhân đầu mối tăng dần sản lượng nhập khẩu các lô hàng có xuất xứ Form D/E/AK để tận dụng lợi thế về chênh lệch mức thuế.
PVN nhận định: “Nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro lớn”.
PVN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề còn khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Cụ thể, điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp quota nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn, Dung Quất) để đảm bảo cho các nhà máy lọc dầu trong nước tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đảm bảo an ninh năng lượng.

Không có chỗ dựa dẫm, doanh nghiệp nhỏ đang vẫy vùng để sống
Bà M.T, Công ty M.T: Không được hỗ trợ gì, kể cả thông tin:
- Trong khi doanh nghiệp nhà nước có cơ chế ưu đãi này còn đòi yêu sách nọ, doanh nghiệp sân sau thì được bảo lãnh, không cần tìm kiếm cũng có khách hàng, thì doanh nghiệp tư nhân nhỏ như chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Tham gia hiệp hội nhưng chỉ có đóng tiền, cuối năm đi tổng kết nghe đọc báo cáo. Chưa nói đến chuyện gì to lớn như hỗ trợ vốn, cơ chế, ngay những thứ đơn giản như thông tin cũng không có được. Chính phủ cứ ký kết hết hiệp định này đến hiệp định khác nhưng doanh nghiệp đâu có biết FTA là gì, cạnh tranh ra sao.
Bán hàng trong nước khó khăn vì nhu cầu giảm, cố gắng tìm khách hàng nước ngoài để xuất khẩu thì phải cạnh tranh gay gắt về giá. Chúng tôi suy nghĩ nát óc vẫn không tìm ra phương án để có giá tốt như đối thủ. Đơn giản vì đầu vào của người ta thấp hơn hẳn.
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã lỗ hơn 3 tỉ đồng. Mọi hoạt động đầu tư, mở rộng đã ngừng lại từ mấy năm nay. Nói thật, chúng tôi đã từng nghĩ đến chuyện bán công ty nhưng còn phải đắn đo nhiều yếu tố, quan trọng nhất là làm sao bảo toàn vốn được cho gia đình, rồi còn cuộc sống của hơn một trăm công nhân và gia đình của họ. Sau bao nhiêu năm lăn lộn kinh doanh, chúng tôi đã mất hết niềm tin, mất hết ước mơ, hoài bão. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi!
Ông L.T.S, Giám đốc Công ty M.L.H: Hết cách với nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái:
- Doanh nghiệp nhỏ chúng tôi, để tồn tại được thì hoàn toàn phải tự lực cánh sinh. Chúng tôi đầu tư cho thiết bị máy móc, cho con người để tạo ra những sản phẩm tốt với giá thành phải chăng, thu hút người tiêu dùng.
Tiền đầu tư, chưa bao giờ chúng tôi vay được ngân hàng vì cái máy không có giấy chủ quyền như cái ô tô, cái nhà cho ngân hàng giữ. Làm được hàng tốt rồi thì lo bán hàng nhưng cũng trần ai.
Doanh nghiệp chúng tôi hiện hết cách với nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tràn lan rồi, nó bám dai như đỉa, ra mẫu nào là ăn cắp ngay mẫu đó. Trước đây, chúng tôi đã từng theo đuổi một vụ chống hàng giả, hàng nhái, bỏ tiền để lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Vậy nhưng, họ lấy tiền xong, không làm gì cả. Cay đắng hơn, họ lấy tiền cả đầu bên kia. Rồi thì đủ thứ bận tâm khác.
Mỗi năm, chúng tôi phải tiếp 4-5 đoàn kiểm tra, từ thuế, bảo hiểm đến phòng cháy chữa cháy... Chúng tôi đã phải làm đúng, làm kỹ nhất có thể để giảm thiểu tối đa các rủi ro (như kiểm toán báo cáo tài chính, tuân thủ các quy định...) nhưng đôi khi cũng phải nhún nhường, luồn lách.
Kêu thì cũng chẳng ai nghe, chẳng ai giúp. Bao nhiêu năm nay như vậy. Khó đến mấy cũng phải sống. Cứ cần cù chịu khó, lấy công làm lãi. Tôi đã làm nghề này gần 30 năm, tôi biết. Nếu mình gắn bó với nghề thì mình sẽ sống được với nghề. Còn muốn phát triển, mở rộng thì hoàn toàn không có cơ hội.
Nếu Chính phủ vẫn tiếp tục tư duy bao cấp, nâng đỡ cho doanh nghiệp nhà nước, các địa phương chỉ lo o bế, ưu đãi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà không đoái hoài hoặc chỉ nói cho có vài chính sách với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng đang tạo ra công ăn việc làm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế thì các doanh nghiệp Việt sẽ chết dần chết mòn hết.
Minh Tâm ghi

No comments:

Post a Comment