Saturday, September 26, 2015

Chiến dịch cải cách mới Trung Quốc: Gợi ý cho Việt Nam

Báo Đất Việt, ngày 23/09/2015,          http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/chien-dich-cai-cach-moi-trung-quoc-goi-y-cho-viet-nam-3286424/,         Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, bộc lộ nhiều nhược điểm, nếu vẫn giữ cách thức phát triển hiện nay, Trung Quốc sẽ rơi vào trì trệ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) trao đổi về chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách kinh tế quốc doanh của Trung Quốc.
PV: - Trung Quốc đang phát động chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế nhà nước với mục đích kích thích khả năng cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), biến các công ty đó trở thành những chủ thể độc lập trên thị trường.
Tại sao Trung Quốc lại phát động chiến dịch mới này khi cải cách DNNN đã nằm trong nhiệm vụ chung được Trung Quốc đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 cuối năm 2013? Theo ông, động thái lần này sẽ gây ra những biến động như thế nào đối với nền kinh tế Trung Quốc?
Chien dich cai cach moi Trung Quoc: Goi y cho Viet Nam
Trung Quốc buộc phải phát động chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế nhà nước.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Trung Quốc đã thực hiện quá trình cổ phần hóa DNNN từ lâu nhưng thực tế quá trình đó diễn ra chậm chạp. Hiện số lượng các DNNN Trung Quốc rất lớn, chiếm vai trò chủ đạo và việc cải cách trở  thành một trong những vấn đề lớn đối với kinh tế Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và bộc lộ nhiều nhược điểm, như: cơ chế thị trường của Trung Quốc vẫn chưa thực sự hình thành, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn còn thấp. Vì thế, Trung Quốc phải phát động chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách DNNN và làm cho nó trở thành một chiến dịch mạnh mẽ, hiệu quả để từ đó trở thành một trong những sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Các nhà kinh tế từng đánh giá, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục giữ cách thức phát triển như thời gian vừa qua thì nền kinh tế nước này sẽ gặp phải sự trì trệ lớn bởi nó vẫn là nền kinh tế mang tính chất thị trường tập trung, Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Như vậy nó không phát huy được tính thị trường của nền kinh tế.
Dĩ nhiên nó cũng có ưu điểm là việc tập trung các nguồn lực của Nhà nước rất tốt và có hiệu ứng lớn, vì thế Trung Quốc trong thời gian cố gắng giữ một phần để đáp ứng nhu cầu tập trung kinh tế, từ đó tập trung vai trò Nhà nước để chỉ đạo phát triển nền kinh tế.
Thế nhưng thời kỳ đó đã qua và bây giờ Trung Quốc phải tìm cách khác, mang tính chất kinh tế thị trường thực sự để tạo ra sự cạnh tranh thực sự, từ đó mới có thể tiếp tục phát triển, tăng trưởng, không tạo ra sự nguy hiểm cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Đây là một trong những bước Trung Quốc đang muốn làm quyết liệt và hy vọng trong giai đoạn mới nền kinh tế của họ sẽ tốt hơn.
Về cách làm, Trung Quốc sẽ tiến hành tư nhân hoá DNNN nhưng chỉ là tư nhân hoá một phần để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi nhuận tốt hơn.
PV: - Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình cải cách DNNN ở Trung Quốc là đẩy mạnh chống tham nhũng trong khối kinh tế nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về thách thức này đối với quá trình cải cách DNNN Trung Quốc? Nó có khiến cuộc cải tổ kinh tế của Trung Quốc bị kéo dài?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Đây là một vấn đề lớn không chỉ với Trung Quốc mà còn với các nước trong thời kỳ chuyển đổi hoạt động kinh tế nói chung.
Với các nước trong thời kỳ chuyển đổi, nền kinh tế theo chế độ tập trung bao cấp, xuất phát từ mệnh lệnh của người có thẩm quyền tạo ra một thói quen, đó là các doanh nghiệp cũng như các thành phần làm kinh tế hay lãnh đạo nền kinh tế thường chịu sức ép trực tiếp rất lớn từ bộ phận cầm quyền, từ đó nó có thể tạo ra tham nhũng, móc ngoặc, kinh tế ngầm.
Nó khiến rất nhiều DNNN khi thực hiện cổ phần hóa gặp phải vấn đề là giá bán rất rẻ, không đúng giá thị trường, sự móc ngoặc dẫn đến mất mát tài sản của quốc gia, từ đó gây nên hiệu ứng không tốt trong quản lý.
Tham nhũng trở thành một vấn nạn, gánh nặng đối với các nước đang chuyển đổi, trong đó có Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng đã đến lúc phải chống tham nhũng một cách khẩn trương thì nền kinh tế mới đi lên được.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đã có thái độ không khoan nhượng đối với tham nhũng, tuy nhiên cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là trong khối kinh tế nhà nước Trung Quốc thực sự xuất phát từ đòi hỏi thực tế của kinh tế Trung Quốc, tình trạng tham nhũng, móc ngoặc giữa một số đối tượng, thành phần trong nền kinh tế đã trở nên trầm trọng, trở thành vật cản đối với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc.
Tình trạng này buộc các nhà lãnh đạo không còn cách nào khác phải hành động. Khi ông Tập lên cầm quyền đúng lúc nhận thấy bắt buộc phải thay đổi vì tham nhũng đang trở thành gánh nặng kéo lùi quá trình tăng trưởng, phát triển của kinh té Trung Quốc.
Tất nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng trong DNNN sẽ vô cùng khó khăn và khốc liệt bởi nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của giới lãnh đạo. Nhưng như tôi nói ở trên, Trung Quốc nhìn thấy cơ cấu kinh tế và cách thức lãnh đạo đang làm cho nền kinh tế nước này không thể tăng trưởng được, các thủ tục hành chính phiền phức, sự móc ngoặc... trở thành gánh nặng, làm chậm lại sự phát triển của nền kinh tế nên Trung Quốc buộc phải làm.
PV: - Nếu Trung Quốc thực hiện xong công cuộc cải tổ kinh tế quốc doanh theo hướng tư nhân hóa, kinh tế nước này sẽ tiến nhanh đến giai đoạn bình thường mới như thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Tham nhũng, trì trệ trong lãnh đạo và đặc quyền đặc lợi của DNNN đang làm cho nền kinh tế Trung Quốc trở nên chậm chạp, thiếu năng động. Nếu Trung Quốc thực hiện thành công công cuộc cải tổ DNNN, kinh tế nước này sẽ phát triển vững chắc hơn và nó trở thành động lực mới để kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Việc cải cách lần này mang tính chất quyết định làm nền kinh tế Trung Quốc từ tăng trưởng nhanh đi theo phương thức đơn giản, mang tính chất thủ công phát triển theo mô hình mới là kinh tế thị trường đúng nghĩa.
PV: - Việt Nam có thể tham khảo được gì từ cách làm của TQ trong quá trình cải cách DNNN không thưa ông? Vì sao?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Từ trước đến nay, bất cứ cái gì Trung Quốc làm tốt, Việt Nam luôn sẵn sàng học theo.
Vì thế, ở một góc độ nào đó, cách làm của Trung Quốc hoàn toàn có thể là gợi ý cho Việt Nam: cần đẩy mạnh công cuộc cổ phần hóa các DNNN, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay để kinh tế tăng trưởng phát triển mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn. Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm là một chuyện, còn áp dụng cụ thể như thế nào thì phải khác.
Thành Luân

No comments:

Post a Comment