Monday, August 17, 2015

Xe hơi, TPP và Việt Nam

Báo Người Lao Động, ngày 12/08/2015,     http://nld.com.vn/kinh-te/xe-hoi-tpp-va-viet-nam-20150812143952962.htm,        Cuộc chiến về quy tắc xuất xứ xe hơi giữa bộ tứ Nhật Bản – Mỹ – Canada – Mexico đang đến hồi cao trào, và lợi ích cục bộ là những nút thắt rất khó tháo gỡ để có thể đưa hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về đích như dự liệu.

Mỹ hiện đang áp mức thuế 2,5% đối với ô tô chở khách và 25% cho xe tải nhẹ nhập khẩu. Rắc rối nằm ở chỗ xác định thế nào là một chiếc xe TPP, nghĩa là tỷ lệ nội khối bao nhiêu để được hưởng các thuế suất ưu đãi. Phía Mỹ yêu cầu 55%, người Nhật đề nghị 30%. Các thông tin cho thấy con số cuối cùng mà hai bên chốt lại xoay quanh 45%.
Xe hơi, TPP và Việt Nam
Nhiều bất đồng
Thoả thuận song phương của Mỹ và Nhật Bản không làm hài lòng hai quốc gia Bắc Mỹ là Canada và Mexico, vốn đã cùng nhau ký hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ với phía Mỹ, gọi là NAFTA. Theo hiệp định này, quy tắc xuất xứ để xác định một chiếc xe nội khối là phải đạt 62,5%. Ngành xe hơi Canada và Mexico gắn chặt với thị trường Mỹ, nên cả hai nước này không dễ gì nhượng bộ.
Hai nước này muốn tỷ lệ linh kiện xuất xứ nội khối phải cao hơn, nhằm bán được nhiều phụ tùng cho các nhà sản xuất Nhật Bản. Nhật Bản không muốn thế, vì họ có thể mua linh kiện từ Thái Lan rẻ hơn nhiều. Mà Thái Lan thì chưa phải là thành viên của TPP.
Sau thất bại ở Hawaii, thì tuần này có vẻ như khá bình lặng cho các đoàn đàm phán. Các thông tin cho thấy rất khó để các bộ trưởng thương mại 12 nước cùng gặp nhau trong tháng 8 này, vì các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.Một trong những điều làm cho sự bất đồng lớn chính là cách tính. Người Nhật muốn sử dụng phương pháp FOB, trong tính giá thành của một chiếc xe, tức là mức chi trả của bên mua cho hàng/linh kiện khi chất lên boong tàu. Trong khi NAFTA lại tính chi phí ròng, tức là bao gồm tất cả chi phí sản xuất ra một chiếc xe, trong đó có chi phí linh kiện, phụ tùng và lao động.
Tuần rồi, một bản rò rỉ về bản thảo chương Sở hữu trí tuệ, đề ngày 11-5-2015, cho thấy các bên vẫn còn khá bất đồng, nhất là câu chuyện về một thời hạn chuyển đổi trong áp dụng.
Việt Nam cô đơn
Ngành xe hơi Việt Nam đang được bảo vệ quyết liệt và là sân chơi của các nhà lắp ráp nước ngoài và nhập khẩu thương mại. Sau nhiều năm xây dựng, một chiếc ô tô thương hiệu Việt coi như đã thất bại. Vinaxuki đang đối mặt với sự phá sản khi tham vọng sản xuất chiếc xe hơi “thuần Việt”.
Các hãng xe ngoại, với con số lên tới hơn 10, đang chuyển qua hoạt động thương mại thay cho sản xuất. Điều này có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn khi thuế suất ô tô đang ngày một hạ xuống, cả trong TPP lẫn các FTA khác. Toyota Việt Nam đã đưa ra yêu sách để ở lại Việt Nam và đầu tư thêm với điều kiện được hỗ trợ với con số hàng tỉ USD.
Chưa biết là những đánh đổi về ô tô trong TPP sẽ như thế nào và có hay không một sự chuyển dịch của giới đầu tư Nhật Bản từ Thái Lan đến Việt Nam, để đáp ứng được tiêu chuẩn của hiệp định này hay không. Trong khi đó, những ngành gắn với thế mạnh và lợi ích nhiều hơn như nông nghiệp lại đang chịu “hy sinh vì nghĩa lớn”.
Việt Nam vẫn khá cô đơn trong việc thúc đẩy một cơ chế chuyển đổi gắn với các chỉ số phát triển. Theo bản rò rỉ kể trên, Việt Nam chỉ đồng ý với các điều khoản về độc quyền dữ liệu thuốc sinh học, về kéo dài thời hạn bảo hộ bản quyền dược phẩm và liên kết sáng chế chỉ khi có được một thời hạn chuyển đổi hợp lý.
Thông tin từ vụ Chính sách thương mại đa biên cho thấy Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các thành viên. Nhưng trong chuyến thăm Việt Nam của mình mới đây, ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiết lộ rằng hầu hết các vấn đề liên quan đến Việt Nam đã được giải quyết “ngoại trừ Lao động”.
Trong chương Lao động, vấn đề còn chưa ngã ngũ đó là phía Mỹ yêu cầu Việt Nam phải có công đoàn độc lập, và chuyến thăm lần này của ông đến Việt Nam, ngoài việc kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, cũng tìm kiếm những cam kết chính trị về đàm phán TPP. Ông nhấn mạnh rằng các bên đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn để cuối năm nay TPP sẽ được ký kết.
Theo Trần Phi Tuấn (TGTT)

No comments:

Post a Comment