Thursday, August 13, 2015

Bức tranh buồn: 40kg chanh không bằng một ổ bánh mì!, 2 kg khoai lang bằng ly trà đá

Báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 14/08/2015,      http://www.thesaigontimes.vn/134300/Buc-tranh-buon.html,      40kg chanh không bằng một ổ bánh mì! Báo Tuổi Trẻ ngày 7-8-2015 chạy tít. Cũng báo này, qua ngày 8-8: 2 kg khoai lang bằng ly trà đá, đừng xiết nợ nông dân. Đến ngày 10-8: Thu nhập nông dân cực thấp, tụt hậu không còn là nguy cơ. Liên tiếp những cái tin như những nét cọ vẽ nên bức tranh buồn về nông dân và nông thôn hôm nay, 30 năm sau đổi mới. Mà cũng chẳng phải là những nét cọ gì mới. Có những nét như nông sản được mùa thì mất giá, lắm khi phải đổ bỏ, cho bò ăn, đã diễn ra từ bao năm nay; hay chuyện trồng rồi chặt, chặt rồi trồng...

Dân số nông thôn Việt Nam chiếm hai phần ba tổng dân số, lao động trong nông nghiệp chiếm 46-47% tổng số lao động nhưng giá trị GDP do nông nghiệp tạo ra chỉ khoảng 20%. Ảnh: TLTBKTSG

Cái mới lần này, qua bản tin ngày 10-8 là: Theo kết quả khảo sát “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam” mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), GDP bình quân đầu người ở nông thôn Việt Nam chỉ hơn Campuchia và đói nghèo vẫn là vấn đề ở nông thôn Việt Nam, dù bộ mặt nông thôn đã có thay đổi. Điều kiện sống nhìn chung đã được cải thiện nhưng giá trị gia tăng trong nông nghiệp trên mỗi lao động ở Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ suốt một thập kỷ qua, không tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế. Nhiều hộ nông dân thậm chí còn bị... nghèo hơn.
Tại sao như vậy?
Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn CIEM, cho rằng: dân số nông thôn Việt Nam chiếm hai phần ba tổng dân số, lao động trong nông nghiệp chiếm 46-47% tổng số lao động nhưng giá trị GDP do nông nghiệp tạo ra chỉ khoảng 20%. Số liệu này chứng tỏ năng suất lao động nông nghiệp rất thấp. Nếu so sánh năng suất lao động Việt Nam với các nước trong khu vực thì càng thấp hơn.
Theo ông Khải, hai nguyên nhân chính của tình trạng tụt hậu về nông nghiệp là quy mô sản xuất của hộ gia đình nông dân Việt Nam còn quá nhỏ như quy mô đất đai, trang trại, vật nuôi,... Mặt khác, mức độ cơ giới hóa còn kém, nhất là ở các khâu cần giải phóng sức lao động con người. Nói tóm lại, năng suất lao động trong nông nghiệp Việt Nam thấp hơn so với các nước là do đất đai manh mún, lao động thô sơ, cơ giới hóa thấp...
Giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp, do sản phẩm làm ra chủ yếu là sản phẩm thô. Giá trị sản xuất nông nghiệp thấp mang lại thu nhập thấp cho người lao động.
Nông dân nước ta có lười biếng không? Có nhạy bén hay ù lì? Từ hàng ngàn năm nay, nông dân Việt Nam được tiếng chịu thương chịu khó, đổ mồ hôi sôi nước mắt, cày sâu cuốc bẫm, chắc chắn không lười biếng. Đi vào kinh tế thị trường, họ cũng rất nhạy bén với thị trường, nhạy bén tới mức cũng hay trồng cây này nuôi con kia theo phong trào, và cũng thường bị “thị trường” lừa gạt, nhiều khi phá sản không ngóc đầu lên nổi. Không lười biếng, khá nhạy bén, vì sao người nông dân cứ mãi nghèo, và như khảo sát của CIEM nói trên, ngày càng tụt hậu về thu nhập?
Ngoài hai nguyên nhân chính - quy mô sản xuất và cơ giới hóa - nói ở trên, cái quan trọng không kém hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết, có lẽ là thiếu sự liên kết, sự truyền dẫn của sản xuất nông nghiệp với thị trường. Nông dân như người bị đẩy xuống hồ bơi mà không được trang bị kiến thức, kỹ năng bơi, cũng không được ai cứu khi bị đuối sức, đuối nước. Ngân hàng không mặn mà với nông dân; doanh nghiệp ít đầu tư vào nông nghiệp, ít đồng hành cùng với nông dân để làm gia tăng giá trị cho nông sản.
Ai cũng biết tất cả những vấn đề trên, nhưng từ năm này qua năm khác chính sách và những người thực thi chính sách đã không làm xoay chuyển được tình hình, không tổ chức lại được sản xuất nông nghiệp và cuộc sống ở nông thôn. Bức tranh buồn về nông nghiệp và nông thôn thậm chí ngày càng buồn hơn với những bất ổn xã hội ngày càng tăng, những mảnh đời nông dân tự tìm cách kết liễu cuộc sống như một cách tự giải thoát không phải là ít.
Nhưng muốn tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và đời sống ở nông thôn, phải thay đổi quy mô sản xuất, qua đó mới cơ giới hóa được sản xuất, tạo thuận lợi cho nông nghiệp gắn kết với các lực lượng thị trường (doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học). Thay đổi quy mô là phải tích tụ ruộng đất, bỏ hạn điền. Nhưng cái chốt này bao giờ được tháo?

Đoàn Khắc Xuyên

No comments:

Post a Comment