Tháng 7 vừa qua, Shanghai Composite Index giảm 14%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong gần 6 năm.
Theo tờ Wall Street Journal, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải trượt 1,1%, còn 3.622,63 điểm, trong khi chỉ số Shenzhen Composite Index của sàn Thẩm Quyến mất 1,4%, còn 2080,78 điểm.
Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 0,7%, còn 24.461,7 điểm.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của Trung Quốc do công ty truyền thông Caixin và hãng nghiên cứu Market phối hợp thực hiện đã giảm xuống mức 47,8 điểm, thấp nhất trong 2 năm, từ mức 49,4 điểm trong tháng 6. Đây được xem là dấu hiệu mới về sự sa sút tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ nhì thế giới.
“Số liệu này cho thấy sự đi xuống trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bị đẩy nhanh vào đầu quý 3 này”, Caixin nhận định. “Số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống khiến các nhà sản xuất phải cắt giảm hoạt động sản xuất với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 11/2011”.
Tháng 7 vừa qua, Shanghai Composite Index giảm 14%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong gần 6 năm. Phiên thứ Sáu tuần trước, chỉ số này giảm 1,1%. Sự sụt giảm này của thị trường cho thấy niềm tin đi xuống của thị trường vào khả năng của Bắc Kinh trong việc cứu chứng khoán.
Những biện pháp can thiệp mới nhất của cơ quan chức năng Trung Quốc vào thị trường chứng khoán nước này bao gồm việc điều tra nghi vấn có gian lận trong giao dịch. Hôm thứ Sáu vừa rồi, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc tuyên bố đã mở một cuộc điều tra nhằm vào giao dịch tự động và đã khóa 24 tài khoản bị nghi thao túng giá cổ phiếu.
Cũng trong phiên sáng nay, chỉ số S&P ASX 200 của thị trường Australia giảm 0,4%, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 0,5%, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,8%.
Ngoài gây sức ép giảm cho thị trường chứng khoán, số liệu xấu từ Trung Quốc sáng nay còn kéo giá hàng hóa cơ bản giảm sâu hơn. Giá dầu thô Brent có thời điểm giảm 0,8%, còn 51,77 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 3. Giá dầu thô ngọt nhẹ cũng giảm hơn 0,6%, còn 46,83 USD/thùng.
No comments:
Post a Comment