Tuesday, June 23, 2015

Tóm tắt những bất cập về pháp luật của “Báo cáo đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”

Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON, Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI, xin đăng tải bài viết: Tóm tắt những bất cập về pháp luật của “Báo cáo đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”.



THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  HỘI TƯ VẤN KHCN & QL HASCON                          Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
                  --------------------                                                       ----------------
               Số:   15-033 /HTV

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 06  năm 2015

Tóm tắt những bất cập về pháp luật của “Báo cáo đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”

(gửi kèm Văn bản Kiến nghị trình Quốc hội số 15-033 /HTV, ngày 20/6/2015)


1.      Vi phạm pháp luật trong việc chấp hành Thông báo của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 Khóa 11:

Thông báo của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 Khóa 11 nói rõ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu Bộ GTVT trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”, cần lưu ý xác định rõ 9 vấn đề cốt lõi của Báo cáo. Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu Bộ GTVT phải “Nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng và giải trình rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn về các lĩnh vực có liên quan đến Dự án. Bảo đảm tính công khai, minh bạch; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống Chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội.”
Nhưng thực tế cho thấy Bộ GTVT đã không những không thực sự thực hiện những yêu cầu này của Trung ương, mà còn tìm cách đánh lạc hướng, và báo cáo không trung thực với Trung ương.
Những ứng xử này của  Bộ GTVT là vi phạm Thông báo của Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Đó là sự vi phạm pháp luật lớn nhất, bởi vì trong thể chế của chúng ta sự lãnh đạo của Đảng là tối cao.

2.       Tên gọi của Báo cáo sai pháp luật:

Theo Luật Xây dựng số16/2003/QH11 ngày 26/11/ 2003, tại Điều 3 Khoản 16, và Điều 36 khoản2, và Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ngày 12 tháng 02  năm 2009, tại Điều 5, thì với công trình  SBLT, Chính phủ phải trình Quốc hội Báo cáo với tên chính xác là “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”, từ 1/1/2015 được gọi là “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”. Nhưng vừa qua đã trình Quốc hội “Báo cáo đầu tư dự án cảng Hàng không Quốc tế Long Thành”, đã sửa cụm từ “xây dựng công trình” thành từ “dự án”.
 Lỗi này thể hiện cung cách làm việc thiếu tôn trọng Pháp luật, và chứng tỏ tác giả không hiểu rõ văn bản pháp luật, bởi lẽ từ “Dự án”, theo Luật xây dựng 2003 và Nghị định 12/2009, lại đồng nghĩa với “Báo cáo nghiên cứu khả thi”, là Báo cáo chỉ được thiết lập sau khi Quốc Hội ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư.

3.       Trình tự thiết lập Báo cáo là trái Pháp luật
Theo 4 Văn bản pháp luật: Luật Xây dựng số16/2003/QH 11, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ số 30/2009/QH12 ngày 17/06/2009 và NGHỊ ĐỊNH về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị s37/2010/NĐ-CP ngày 07  tháng 4  năm 2010, thì trình tự đầu tư xây dựng công trình Sân bay Long Thành phải  như sau:
Chủ đầu tư thuê Tư vấn thiết lập “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình” (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng công trình”) trong đó chủ yếu là thiết kế sơ bộ về công trình,
-   Quốc Hội thông qua chủ trương đầu tư
-  Trên cơ sở “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình” đã được Quốc Hội thông qua, Chủ đầu tư thuê Tư vấn thiết lập “Quy hoạch xây dựng chi tiết”, là quy hoạch về sử dụng đất, về không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường, sao cho phù hợp với Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung.                
Nhưng Chủ đầu tư đã làm trái ngược trình tự này, cụ thể:
-         Đầu năm 2011 thiết lập “Quy hoạch cảng hàng không Quốc tế Long Thành” (khi chưa thiết lập “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình”, khi chưa được Quốc Hội thông qua chủ trương đầu tư)
-         Ngày 8/5/2012, chọn tư vấn lập “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình
Việc thiết lập “Quy hoạch” trước khi thiết lập “Báo cáo đầu tư” không chỉ trái pháp luật, mà thực chât đã gây ra những hậu quả nặng nề cho Báo cáo, và cho chính công trình nếu được xây dựng mai sau.

4.      Cách thiết lập Báo cáo là trái pháp luật, vì không làm Thiết kế sơ bộ:
Báo cáo không có phần Thiết kế sơ bộ, là phần đầu tiên, là trụ cột của Báo cáo đầu tư
- Công việc quan trọng đầu tiên của Thiết kế sơ bộ là phải dự báo chính xác sự tăng trưởng số lượng hành khách của sân bay, nhưng ở đây đã sử dụng phương pháp hết sức thô sơ, trên cơ sở những số liệu không chắc chắn, mà không dùng những phương pháp dự báo khoa học hiện đại để có thể tiến tới
- Thiết kế sơ bộ xác định quy mô kích thước và các thông số kỹ thuật của sân bay. Nhưng Báo cáo lại sử dụng những thông số của các quy hoạch trước đó, những quy hoạch được xây dựng theo trí tưởng tượng của các chuyên gia không phải là chuyên gia thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó Báo cáo đã hình dung ra một cái sân bay “không giống ai”.
- Kết quả của cái “không giống ai” là sân bay sẽ phi kinh tế, nghĩa là hiệu quả kinh tế sẽ rất thấp.

5.      Nội dung Báo cáo là nửa vời, trái pháp luật.

Báo cáo khẳng định quy mô của công trình là 100 triệu hành khách/ năm, sử dụng 5000 ha đất; phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 kết thúc năm 2023 với công suất 25 triệu hành khách/năm, giai đoạn 3 kết thúc năm 2050.
Quốc Hội khi thông qua chủ trương đầu tư một công trình phải xem xét nhiều chỉ tiêu, quan trọng nhất và quyết  định nhất, là Tổng vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế xã hội của toàn công trình.
Nhưng Báo cáo lại chỉ trình Quốc Hội 2 chỉ tiêu này của giai đoạn 1 mà thôi.
Chỉ xin Quốc Hội thông qua “giai đoạn 1 của công trình” là trái luật. Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014 và Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc Hội không có điều nào khoản nào quy định Quốc hội thông qua một phần hoặc một giai đoạn của công trình.

6.       Trái pháp luật khi Báo cáo tự tiện quy định “phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”  (trang 48 của Tóm tắt Báo cáo)

Tại sao “phần đầu tư kết cấu hạ tầng” lại “không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”? Không có Luật pháp nào của Việt Nam và Nghị quyết nào của Đảng Cộng sản VN nói như vậy.
Đồng vốn đầu tư nhưng không thu hồi có nghĩa là đồng vốn vứt đi. Báo cáo lại chủ trương tước đoạt và vứt đi đồng vốn của Nhà đầu tư
Trên thế giới không hề có khái niệm “đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”.

7.      Trái pháp luật khi Báo cáo tự tiện quy định  “Vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư” (trang 48 của Tóm tắt Báo cáo)

Tại sao lại “theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư”? Không có Luật pháp nào của Việt Nam và Nghị quyết nào của Đảng Cộng sản VN nói như vậy.
Tiền Nhà nước đầu tư là tiền Ngân sách, tiền vay ODA, tiền Trái phiếu. Ai cũng biết tiền ngân sách là tiền thuế của dân, vốn vay ODA và tiền Trái phiếu cuối cùng cũng lấy tiền thuế của dân để trả nợ, đồng vốn của dân đó tại sao lại đem đầu tư vào thứ  “không có khả năng thu hồi”?
Đồng vốn của Nhà nước, của nhân dân đóng góp xây dựng nền tảng cho công trình, thực chất là đóng góp cho giới tư bản tư nhân kinh doanh, họ thì được thu lời, trong khi Nhà nước và nhân dân không những không được thu lời mà còn bị tước đoạt hết đồng vốn đó.
Đó là một hành vi bóc lột, còn tệ hại hơn sự bóc lột tước đoạt của chế độ nô lệ và chế độ phong kiến, sự bóc lột và tước đoạt mà chủ nghĩa tư bản cũng không giám làm.

8.      Trái pháp luật khi tự tiện quy định  “khuyến khích (các Doanh nghiệp tư nhân trong ngoài nước) đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.”, còn “Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư” (trang 48 của Tóm tắt Báo cáo)

Báo cáo khẳng định rằng các đơn vị tư nhân có quyền kinh doanh lấy lời tại sân bay Long Thành, còn Nhà nước thì không. Không có Luật pháp nào của Việt Nam và Nghị quyết nào của Đảng Cộng sản VN nói như vậy.

9.      Ngoài ra, việc chỉ định thầu gói thầu Tư vấn làm “Báo cáo” này là trái pháp luật:

Theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013:
Điều 22. Chỉ định thầu, Mục 1: Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong 6 trường hợp.
Nhưng rất rõ ràng rằng Dịch vụ tư vấn lập “Báo cáo đầu tư xây dựng công trình cảng Hàng không Quốc tế Long Thành” hoàn toàn không nằm trong 6 trường hợp này.
Điều 15. Đấu thầu quốc tế, Mục 1: Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Tiết a:  Nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế;
(Sân bay Quốc tế Long Thành chưa có Nhà tài trợ vốn cho gói thầu, nên không thể thỏa mãn điều kiện này)
Tiết c:  Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.
(Trong nước có các Đơn vị tư vấn đầu tư thiết kế Sân bay của bên Hàng không và bên Quân đội, nên cũng không thể thỏa mãn điều kiện này)
Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, Mục 1: Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Tiết h:   Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.
Tại sao nhà thầu tư vấn Nhật, đã được chỉ định thầu, mà không thực hiện điều này của pháp luật Việt Nam?


                          TM Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM HASCON      

           Chủ tịch Hội





                                                      TS Nguyễn Bách Phúc


No comments:

Post a Comment