Ảnh: Q.Trung
Bên lề hội thảo quốc tế thường niên Pan - Pacific lần thứ 32 với chủ đề “Đổi mới trong doanh nghiệp (DN) nhà nước thời đại kỹ thuật số” tại Hà Nội từ ngày 1 đến 3-6, tiến sĩ Hooi Den Huan (người Singapore) - giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang (ảnh) và là đại biểu hội thảo - chia sẻ với Tuổi Trẻ về cách phòng chống lợi ích nhóm trong các DN nhà nước ở Singapore.
Ở Singapore, chúng tôi luôn thúc đẩy và quảng bá văn hóa liêm chính, trung thực thông qua chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Chúng tôi có những biện pháp rất mạnh chống tham nhũng và lợi ích nhóm với hình phạt nặng nhất là tù giam. Nhưng ngược lại, chúng tôi cũng có các biện pháp khích lệ tích cực bằng việc trả lương thưởng dựa trên năng suất và hiệu quả công việc.
Để chống lợi ích nhóm, Singapore chú trọng tuyển chọn những người làm chính sách vừa có đức vừa có tài, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Những người này làm việc không phải vì lợi ích cá nhân mà phải có mục đích mang lại lợi ích tốt đẹp cho toàn xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore đối xử công bằng với tất cả DN và không can thiệp vào công việc của DN dù đó là DN nhà nước hay DN tư nhân. Lãnh đạo của DN nhà nước được trả lương thưởng dựa theo năng lực và năng suất, giống như các DN tư nhân. Nếu lãnh đạo làm không hiệu quả, họ sẽ bị phê bình, mức thưởng ít đi và thậm chí bị cắt thưởng.
Do đó, các lãnh đạo và nhân viên DN nhà nước sẽ có động lực phải cố gắng giúp công ty phát triển vì nếu công ty thành công, họ cũng sẽ được trả lương thưởng nhiều hơn. Do đó họ không có lý do gì phải tham nhũng hay “đi đêm” với các quan chức chính phủ.
Báo cáo Đổi mới trong doanh nghiệp nhà nước thời đại kỹ thuật số 0. Ảnh: Q.Trung
Hơn nữa, các DN nhà nước ở Singapore phải cạnh tranh công bằng với thị trường và với khối DN tư nhân. Nhà nước hoàn toàn không can thiệp giúp đỡ khối DN quốc doanh.
Tôi lấy ví dụ, Singapore Airlines là DN mà nhà nước nắm cổ phần lớn nhưng nó hoạt động độc lập như một tổ chức thương mại, nghĩa là nó cạnh tranh với các hãng bay trong và ngoài nước theo quy luật kinh tế thị trường. Chính phủ Singapore xem đây là biện pháp giúp các DN nhà nước hoạt động hiệu quả.
Tôi cũng lấy ví dụ khác từ công việc chính của mình. Trường đại học tôi làm việc đề ra những chính sách và quy định gắt gao, nghiêm cấm những hành vi trục lợi cá nhân.
Nếu một sinh viên mời tôi đi ăn tối, tôi sẽ rất lo lắng vì nếu tôi chấp nhận lời mời thì sau đó tôi phải giải trình cặn kẽ các câu hỏi từ nhà trường. Tôi luôn nói với các sinh viên của mình là đừng bao giờ mời tôi đi ăn tối, tặng “phong bì” hay bất cứ món quà gì vì tôi không muốn gặp rắc rối với nhà trường.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) 10-2014, Singapore, New Zealand và Hong Kong là những nơi dễ dàng kinh doanh nhất. Quỳnh Trung |
No comments:
Post a Comment