Lãnh đạo các nước và quan chức EU chụp ảnh chung trước khi bước vào hội nghị
thượng đỉnh các đối tác phương Đông tại Riga, Latvia ngày 22-5-2015. Ảnh: Reuters
“Không ai hứa rằng “đối tác phương Đông” sẽ tự động trở thành thành viên của Liên hiệp châu Âu”, Chủ tịch EU Donald Tusk dội một gáo nước lạnh vào các “đối tác” tại hội nghị thượng đỉnh cùng tên diễn ra cuối tuần trước ở Latvia.
Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel dịu giọng hơn, cho rằng “đối tác phương Đông” không phải là “công cụ” cho việc mở rộng EU, mà là để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với các đối tác phía Đông.
“Đối tác phương Đông” của EU gồm sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Ukraine, Georgia, Moldova, Belarus, Armenia và Azerbaijan. Đây là “sáng kiến” của EU nhằm thực hiện chính sách mở rộng về phía Đông và lôi kéo các nước láng giềng của Nga.
Còn nhớ, 18 tháng trước, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã nhóm họp ở Ukraine để bàn về tương lai của những quốc gia nằm giữa biên giới EU và biên giới Nga nói trên. Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ, ông Viktor Yanukovych, không chịu nổi sức ép của Nga, đã rút lại một thỏa thuận thương mại giữa Ukraine với EU ngay tại hội nghị, chỉ vài giờ trước khi ông đặt bút ký nó. Động thái này đã thổi bùng làn sóng biểu tình dẫn tới việc lật đổ ông Yanukovych. Tiếp đó, việc Nga sáp nhập Crimea đã tạo ra cuộc xung đột đòi ly khai ở miền Đông Ukraine, khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.
Không thể quên được những phản ứng của Nga, lần này EU có vẻ thận trọng hơn, khi đề cập tư cách thành viên của các “đối tác phương Đông”. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh, EU “công nhận nguyện vọng và lựa chọn châu Âu” của các nước. Không có bất kỳ một lời hứa hẹn nào. Đối với một số nước, cánh cửa mở vào Liên hiệp châu Âu từng mở toang trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine giờ bỗng dưng khép lại.
Sự dè dặt của EU dường như là “chiến thắng” của Điện Kremlin sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Một số người châu Âu ủng hộ chủ trương mở rộng, cảnh báo rằng nhượng bộ sẽ chỉ khuyến khích Nga hiếu chiến hơn với các nước láng giềng trong tương lai. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ lâu khẳng định rằng ông có quyền bảo vệ lợi ích của Nga ở các nước có đông người Nga sinh sống - một vùng lãnh thổ bao gồm hầu hết các nước thuộc Liên Xô cũ.
“Tôi thực sự không thể phủ nhận rằng đã có một số cuộc thảo luận trong EU về việc làm sao đối phó với Nga”, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics, nước chủ tịch luân phiên của EU, thừa nhận. Vì vậy, theo ông, trọng tâm hiện nay chỉ là thực hiện những gì đã đạt được trong các thỏa thuận trước đây.
Trong số sáu nước “đối tác phương Đông”, hiện chỉ có Ukraine, Georgia và Moldova bày tỏ khát khao gia nhập EU. Hai nước Belarus và Armenia dè dặt hơn, và đã quyết định gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga khởi xướng. Riêng đối với Azerbaijan, việc nước này chỉ cử ngoại trưởng dự cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua cũng đã là một thông điệp rõ ràng.
Trong số sáu nước “đối tác phương Đông”, hiện chỉ có Ukraine, Georgia và Moldova bày tỏ khát khao gia nhập EU. Hai nước Belarus và Armenia dè dặt hơn, và đã quyết định gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga khởi xướng. Riêng đối với Azerbaijan, việc nước này chỉ cử ngoại trưởng dự cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua cũng đã là một thông điệp rõ ràng.
Mặc dù những người ủng hộ chủ trương mở rộng EU thừa nhận rằng, không quốc gia nào trong nhóm “đối tác phương Đông” thực hiện đầy đủ những cải cách chính trị và kinh tế cần thiết trước khi nói đến chuyện trở thành thành viên EU. Tuy nhiên, họ cho rằng cách mà lãnh đạo EU đang dè dặt đề phòng Nga quả là đáng thất vọng.
“Chúng tôi vô cùng thất vọng bởi những gì đang chứng kiến hôm nay,” một nhà ngoại giao EU được Washington Post trích lời cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Các nhà ngoại giao xác nhận rằng, lãnh đạo EU đã không tiến thêm được “một cen ti mét nào” ngoài những thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh năm 2013 ở Ukraine, nơi mà Tổng thống chủ nhà Yanukovych đã thể hiện quan điểm bằng cách rút khỏi thỏa thuận với EU.
Trong khi EU tỏ ra thận trọng, Nga vẫn tiếp tục lên tiếng cảnh báo về bất kỳ hành động nào mà họ cho là “đi ngược lợi ích của Nga”. “Những nỗ lực để thể hiện tình hình như một trò chơi có tổng bằng 0, sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn và không thuận lợi. Các đối tác châu Âu của chúng tôi hiểu điều này”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cứng rắn nói với các phóng viên tại Brussels, theo Washington Post.
Hiện ở Georgia, mặc dù đa số người ủng hộ việc gia nhập EU và NATO, song các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đang có tỷ lệ ngày càng tăng những người ủng hộ quan hệ mật thiết với Nga. Sự thay đổi này, theo các nhà phân tích, là do tâm lý thất vọng của người Georgia khi chưa thấy các lợi ích cụ thể nào từ những mối liên hệ với châu Âu.
Minh Đức
No comments:
Post a Comment