Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng và TS. Lê Đăng Doanh, bên lề Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015.
Cần linh hoạt, không nhất thiết “đóng đinh” trong biên độ biến động định sẵn là quan điểm của hơn một ý kiến tại ngày thảo luận đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, đang diễn ra ở Nghệ An.Năm nay khó khăn nhất là vấn đề tỷ giá, nếu không can thiệp tích cực thì có hệ lụy gì là vấn đề lớn chứ không nhỏ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS.Trần Đình Thiên nhận định.
Khuyến nghị của ông Thiên là cần tăng dư địa điều chỉnh tỷ giá, nghĩa là có thể nới ra chứ không nên cứ đóng đinh vào mục tiêu giữ ổn định trong khoảng biến động 2% đã đề ra từ đầu năm.
Giữ không quá 2%, tự trói mình là khó, nên có ngưỡng linh hoạt, ông Thiên nói.
Nhận xét Ngân hàng Nhà nước đã quản lý tỷ giá tốt, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra cho rằng nên tiếp tục cam kết và giữ cam kết về ổn định tỷ giá.
Cũng đề cập tỷ giá, đầu phiên thảo luận buổi chiều, chuyên gia Võ Đại Lược phân tích, tỷ giá VND cao hơn giá thực tới trên 20% thì xuất khẩu đương nhiên là khó. Với tỷ giá hiện nay, thì nền kinh tế chỉ là gia công, công nghiệp phụ trợ khó phát triển được là hoàn toàn dễ hiểu.
Bàn luận về tỷ giá phải trên cơ sở lý thuyết kinh tế căn bản. Không phải VND đang bị định giá cao 20% so với đô la Mỹ, vì nếu thế thì nhà đầu cơ đã đầu cơ rồi.
"Tính toán của chúng tôi thì VND đâu đó vẫn cao hơn giá trị thực của nó khoảng 2 - 2,5%", ông Cấn Văn Lực, vị đại biểu đến từ ngân hàng BIDV lên tiếng.
Thể hiện sự ủng hộ với chính sách tỷ giá hiện tại, song vị này cũng cho rằng không ai lường hết được biến động trên thế giới nên Ngân hàng Nhà nước vẫn cần linh hoạt hơn. Nếu khoảng biến động cần quá 2% thì vẫn phải làm và phải giải thích với doanh nghiệp và dân chúng lý do phải điều chỉnh, ông Lực góp ý.
Được mời phát biểu vào cuối phiên thảo luận buổi chiều, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết từ trung tuần tháng 3 tỷ giá có xu hướng tăng nhưng cũng có lúc giảm, hiện nay đã giảm mạnh về quanh mức 21.582 VND/USD và vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hang Nhà nước.
Nhấn mạnh tỷ giá là vấn đề rất nhạy cảm, bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý kỳ vọng của thị trường nên trong điều hành phải quyết định đúng thời điểm, đúng liều lượng và quan trọng là cần phải kiếm soát được kỳ vọng,
Qua đánh giá cung cầu thị trường ngoại tệ thì dự báo cả năm 2015 thặng dư cán cân thanh toán là 5 tỷ USD, là điều kiện quan trọng để giữ được tỷ giá trong biên độ đã đề ra, bà Hồng thông tin thêm.
Khẳng định là Ngân hàng Nhà nước luôn kiểm soát các yếu tố gây áp lực đến tỷ giá, điều hành theo hướng nâng cao vị thế của VND, khuyến khích dân bán ngoại tệ cho ngân hàng và tránh đô la hóa, Phó thống đốc cho biết thời gian tới điều hành tỷ giá cũng theo hướng như vậy.
Cụ thể hơn, bà Hồng giải thích, điều hành tỷ giá phải cân nhắc tổng thể chứ không chỉ căn cứ vào một số nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời có cân nhắc đến xu hướng lạm phát, bởi hiện lạm phát còn ở mức thấp nhưng không thể chủ quan.
Điều hành tỷ giá, theo Phó thống đốc cũng cần cân nhắc thận trọng còn bởi vấn đề nợ nước ngoài của quốc gia. Vì nếu tăng tỷ giá mức độ lớn thì nghĩa vụ nợ nước ngoài tính bằng VND sẽ gia tăng.
Nghiên cứu của IMF đánh giá là tỷ giá của Việt Nam chưa có dấu hiệu bị lên giá manh, bà Hồng nói thêm.
No comments:
Post a Comment