Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07/01/2014, Xin giới
thiệu bài viết của TS Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học
công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin
học EEI,
Chiều 27/12/2013, tại cuộc họp báo công
bố giá thành sản xuất điện năm 2012
của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Ông Đinh Thế Phúc, Phó
Cục trưởng Cục điều tiết điện lực đã công bố Báo cáo giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012.
Sau việc này, truyền thông Việt Nam và một số nhà khoa học đã lên tiếng ồn ã
rằng EVN đã “lãi khủng” trong năm 2012, và đưa ra kết luận: EVN đã “lãi khủng” rồi,
sao còn tăng giá điện?.
Có lẽ tiếng nói “nặng ký” nhất là của TS Lê Đăng Doanh – một chuyên gia kinh tế rất nổi tiếng, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ngày Chủ nhật
29/12/2013, Báo Tuổi Trẻ đăng bài “Điện lực, viễn
thông “lãi khủng”: điểm sáng đáng ngại”, với phát biểu của TS Doanh và 2
Nhà khoa học về câu chuyện “lãi khủng” này. (http://tuoitre.vn/Ban-doc/587641/dien-luc-vien-thong-la%CC%83i-khu%CC%89ng--die%CC%89m-sa%CC%81ng-da%CC%81ng-nga%CC%A3i.html).
TS Doanh nói: “Trước hết, lợi nhuận của EVN có
thật là 4.404 tỉ đồng hay còn có thể cao hơn thế rất nhiều? Bởi song song với
công bố khoản lợi nhuận trên, EVN lại xử lý được khoản lỗ tồn đọng từ các năm
trước (khoảng 18.200 tỉ đồng). Như vậy nếu không đưa số lỗ tồn đọng này vào giá
thành điện trong năm 2012, EVN có thể
lãi tới 22.600 tỉ đồng? Tôi cho rằng những thông tin công bố của EVN còn
quá mù mờ. Cơ quan kiểm toán cần phải làm rõ lãi của EVN là bao nhiêu. Đặc biệt,
vì sao năm 2012 lại có được khoản lãi vọt
lên như vậy? Họ lãi do thực tài điều hành, quản trị doanh nghiệp hay nhờ
vào việc tăng giá điện?”
Ý kiến của TS Lê Đăng Doanh được 2 nhà khoa học phụ họa theo: TS Nguyễn
Ngọc Sơn, Khoa luật cạnh tranh Trường ĐH Kinh tế - luật
TP.HCM và Đại biểu Quốc hội, PGS
TS Hóa học Bùi Thị An, Ủy ban
Khoa học, công nghệ và môi trường QH, đều cho rằng EVN đã “lãi khủng” rồi sao còn tăng giá điện?.
Chúng tôi có cách hiểu
và cách đánh giá hoàn toàn ngược với TS Doanh, vì vậy xin mạn phép được trao đổi với TS Doanh, với
hy vọng tìm kiếm được sự thật và nhìn nhận theo đúng quan điểm khoa học.
Xin giới hạn thảo luận trong 3 vấn đề: lợi nhuận của EVN là 4.404 tỉ đồng, hay tới 22.600 tỉ đồng, và EVN có “lãi khủng” hay không?
1.
Lợi
nhuận sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 là 4.404 tỉ đồng:
Trước
hết xin lưu ý một chi tiết hết sức quan trọng mà nhiều người không để ý: đây chỉ
là cuộc
họp báo, tại đó đã công
bố Báo cáo giá thành sản xuất kinh doanh
điện năm 2012, chứ không phải công bố
Báo cáo Tài chính năm 2012 của EVN, nghĩa là không đề cập đến toàn bộ hoạt
động sản xuất kinh doanh của EVN, trong đó ngoài kinh doanh sản xuất điện còn nhiều hạng muc kinh doanh khác như chế
tạo sửa chữa điên cơ, sản xuất vật liệu điện, dịch vụ tư vấn thiết kế, kinh
doanh tài chính … . Cho nên mấu chốt của Báo cáo này chỉ ở 3 con số:
Sản lượng điện thương phẩm trong năm 2012 là 105,47 tỷ kWh
Doanh thu bán điện trong năm 2012 là 143.893,78 tỷ đồng
Tương
ứng Giá bán điện thương phẩm bình
quân là 1.364,31 đ/kWh.
Lẽ
ra Báo cáo giá thành sản xuất kinh doanh điện
năm 2012 đến đây là đủ,
là đạt mục tiêu đề ra, nhưng các tác giả cuộc họp báo còn trình bày thêm về Tiền lời sản xuất kinh doanh điện năm 2012:
- Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện 2012 là 139.489,15 tỷ đồng, (trong đó:
Tổng chi phí khâu phát điện là 107.199,04 tỷ đồng, Tổng chi phí khâu truyền
tải điện là 8.771,55 tỷ đồng, Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là
22.958,18 tỷ đồng, Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 560,38 tỷ đồng)
- Tiền lời sản xuất kinh doanh điện, bằng
Doanh thu bán điện trừ đi Tổng chi phí:
143.893,78 tỷ đồng - 139.489,15 tỷ đồng =
4.404,63 tỷ đồng.
Chúng
tôi thấy số tiền lời trong báo cáo
như vậy là hết sức rõ ràng, không hiểu
tại sao TS Doanh lại nói “Tôi
cho rằng những thông tin công bố của EVN còn quá mù mờ”.
Lẽ dĩ nhiên ở đây chúng ta chỉ có thể đánh giá
“độ rõ ràng” chứ không thể bàn về “độ chính xác”, đó là trách nhiệm của kiểm
toán.
2.
Lợi
nhuận sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 không là 22.600 tỉ đồng:
Báo cáo của EVN còn cho biết thêm một thông
tin nữa, là “Tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện
và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành” đến 31/12/2012 là 19.877,76 tỷ đồng, trong đó: “Lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện” đến
31/12/2012 là 4.736,7 tỷ đồng; “Lỗ chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán” là
15.109,52 tỷ đồng; “Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn” là 31,54 tỷ đồng.
Như vậy, tuy sản xuất kinh doanh điện trong
riêng năm 2012 đã có lãi, nhưng lũy kế (cọng dồn) đến hết năm 2012
thì sản xuất kinh doanh điện của EVN vẫn
lỗ lớn, tới 19.877,76 tỷ đồng.
TS Doanh căn cứ vào một thông tin (mà chúng
tôi không rõ nguồn gốc), rằng năm 2011 EVN lỗ 38.000 tỷ đồng, rồi tính ra trong
năm 2012 EVN đã xử lý được một khoản
nợ lớn là 38.000 tỷ trừ đi 19.877,76 tỷ, gần bằng 18.200 tỷ. TS Doanh nói: “lợi nhuận của EVN có thật là 4.404 tỉ đồng
hay còn có thể cao hơn thế rất nhiều? Bởi song song với công bố khoản lợi nhuận
trên, EVN lại xử lý được khoản lỗ tồn đọng từ các năm trước (khoảng 18.200 tỉ đồng).
Như vậy nếu không đưa số lỗ tồn đọng này vào giá thành điện trong năm 2012, EVN
có thể lãi tới 22.600 tỉ đồng?”.
Thực ra, món lỗ lũy kế của EVN cuối năm 2012 tăng lên hay giảm xuống không phải
chỉ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh như TS Doanh nghĩ, mà chủ yếu phụ thuộc vào việc “phân bổ các khoản lỗ”, EVN đã
thực hiện việc phân bổ này theo Quyết
định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày10 tháng 7 năm 2012,”Về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển
5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Điều 1, mục III, Khoản 4a “Phê duyệt định
hướng kế hoạch tài chính, kinh doanh của EVN giai đoạn 2011 – 2015” viết rõ: “Thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính
hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản
chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ
Tài chính”.
Như vậy, món lời 18.200 tỷ mà TS Doanh nghi
ngờ EVN không công bố, là hoàn toàn không có. Cũng vì vậy món lời 22.600 tỷ mà
TS Doanh nghi ngờ EVN thu được trong năm 2012 là hoàn toàn không đúng.
3.
EVN không “lãi khủng”:
Trong bài đăng trên Tuổi Trẻ với tiêu đề “lãi khủng”
nói trên, riêng TS Doanh không dùng đến từ “lãi khủng”.
Nhưng khoảng cuối năm 2012, khi EVN công bố dự kiến
lãi của năm 2012 từ 4.000 tỷ đến 6.000 tỷ, thì ngày 13/1/2013 báo Giáo Dục đã
đăng như sau: “TS Lê Đăng
Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute
for Economic Management - CIEM) cho biết: “Tôi không lạ với con số lãi đến
hơn 6.000 tỉ đông của EVN vì thực tế khi EVN độc quyền, với thông tin họ có lãi đến với số tiền “khủng” như vậy tôi
cũng mừng và hi vọng giá điện sẽ không tăng hoặc không tăng cao nữa”. (http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Thi-truong/TS-Le-Dang-Doanh-Toi-khong-la-EVN-lai-toi-6000-ti-van-doi-tang-gia-post106147.gd)
Thực tình chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe TS Lê Đăng Doanh, một
chuyên gia kinh tế lỗi lạc, lại có thể đánh giá như vậy về món lời của EVN.
Chúng
tôi hoàn toàn không đồng tình với cách đánh giá của TS Doanh.Việc đánh giá một
món lời lớn hay nhỏ, “khủng” hay “tý hon” không thể dựa vào con số tuyệt đối được,
bởi vì con số tuyệt đối 4.400 tỷ, 22.600 tỷ đều không thể gọi là “lớn” hay “nhỏ”.
Muốn đánh giá “lớn” hay “nhỏ”, “nhiều” hay
“ít”, phải dùng con số tương đối,
là tỷ số so sánh với một đại lượng chuẩn.
Người
ta thường dùng Tỷ suất Lợi nhuận so với
Doanh thu, hoặc Tỷ suất Lợi nhuận hàng năm so với Tổng vốn đầu tư.
Tỷ suất Lợi nhuận so với Doanh thu của EVN năm 2012 là:
4.404,63
tỷ đồng / 143.893,78 tỷ đồng = 3.06 %
Tỷ
suất này ở các nước trên thế giới khoảng 18% đến 20%.
Tỷ
suất này của EVN quá nhỏ, chẳng ở đâu kinh doanh với kết quả èo uột như thế,
sao có thể nói “lãi khủng” được?
Tỷ suất Lợi nhuận năm 2012 với Tổng vốn đầu
tư của EVN là bao nhiêu?
Tổng vốn đầu tư của EVN sử dung
trong trong năm 2012 là bao nhiêu, chúng tôi chưa được nghe EVN công bố, nhưng
theo báo Đất Việt, (http://www.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/evn-lai-bao-lai-khung-2363153/),
năm 2012, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch
HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tổng giá trị tài sản mà
EVN đang vận hành lên tới 18 tỷ USD.
Có thể tính ra 18 tỷ USD x 21.100 đồng/USD
= 379.800 tỷ đồng. Con số này có thể tin được, nếu so sánh với con số Tổng vốn
đầu tư trong Báo cáo Tài chánh chính thức của EVN năm 2010 là 310.136,135 tỷ đồng.
Như vậy, Tỷ suất lợi nhuận năm 2012 so với Tổng vốn đầu tư của EVN
là:
4.404,63
tỷ đồng / 379.800 tỷ đồng = 1,1 %
Hóa ra lợi nhuận của EVN không phải là “khủng” như TS Doanh và báo
chí Việt Nam
nghĩ, mà thực ra nó quá bé, bé như con chuột nhắt.
Ai cũng biết, tỷ suất này của nghề điện tất cả các nước trên thế giới
đều từ 12% trở lên, cớ sao chúng ta chỉ có 1,1% lại gọi là “lãi khủng”?
Xin được nói rõ: trong kinh doanh, nếu lãi suất trên vốn đầu tư nhỏ
hơn 6% thì chẳng ai dại gì đi đầu tư kinh doanh cho mệt, mà người ta đem vốn đi gửi tiết kiệm, chẳng phải
vất vả, chẳng chịu rủi ro, nhưng vẫn có lãi suất 6% mỗi năm.
Còn có thể nêu ra một nhận xét: năm qua EVN đi vay 144.000 tỷ, với
lãi suất tiền vay tối thiểu là 6%, thì mỗi năm EVN phải trả lãi: 144.000 tỷ x
6% = 8.640 tỷ, trong khi kinh doanh của EVN chỉ lời 4.404 tỷ. Chưa thấy trên đời
này ở đâu có kiểu kinh doanh lạ vậy, tiền lãi kinh doanh cả năm chỉ đủ trả một
nửa tiền lời vốn vay!!!!
Với kiểu kinh doanh này, nếu EVN không được
nhà nước lấy ngân sách, tức là lấy tiền thuế của nhân dân bù lỗ, thì chắc chắn EVN
không thể tồn tại được.
Trở lại câu chuyện Giá điện:
Thực ra, điều
chúng tôi muốn lưu ý ở đây không phải ở chỗ EVN lãi “khủng” hay “không khủng”,
mà ở chỗ kết luận của TS Doanh và báo chí Việt Nam : EVN lãi khủng là do tăng giá
điện.
Chúng tôi cũng
xin được học theo kiểu lập luận của các vị đó, sẽ cho kết luận ngược lại: EVN
lãi èo uột là do bán điện với giá quá rẻ.
Nhân đây, thử
tính khơi khơi một tý xem sao: giả thiết năm 2012 EVN đã tăng giá điện lên 22%
như dự kiến cho năm 2014, thì kết quả kinh doanh như sau:
Doanh thu bán điện là 143.893,78 tỷ đồng x 122% = 175.550,41 tỷ đồng
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện 2012 là 139.489,15
tỷ đồng
Tiền lời sản xuất kinh doanh điện:
175.550,41 tỷ
đồng - 139.489,15 tỷ đồng = 36.061,26 tỷ đồng
Tỷ suất Lợi nhuận so với Doanh thu là:
36.061,26 tỷ đồng / 175.550,41 tỷ đồng = 20.54 %
Tỷ
suất này xấp xỉ các nước trên thế giới.
Tỷ suất lợi nhuận so với Tổng vốn đầu tư là:
36.061,26 tỷ đồng /
379.800 tỷ đồng = 9.49 %
Tỷ
suất này cũng còn thấp so với các nước.
Thế mới biết, những năm qua EVN lỗ triền
miên là do đâu, và năm 2014 tăng giá điện thêm 22% cũng không có gì là quá
đáng.
No comments:
Post a Comment