Chúng tôi đã nhận được những phân tích hết sức sâu sắc của , TS Nguyễn Bách Phúc
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON, Viện
trưởng Viện điện - Điện tử - Tin học EEI TP. Hồ Chí Minh, về vấn đề này. Xin giới thiệu thêm, TS Phúc là một trong những nhà phản biện có uy tín hiện nay. Bởi những đánh giá, nhận xét của ông luôn luôn theo phương pháp định lượng, với những con số cụ thể để so sánh, đối chiếu. Ông không bao giờ trả lời phỏng vấn hay đánh giá một vấn đề nào đó theo kiểu định tính, nói “kiểu nào cũng không sai”.
Vừa qua, Bạc Liêu đã
chi khoảng hai ngàn tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) để dựng các công
trình phục vụ cho Festival Đờn ca tài tử, khiến dư luận bức xúc.
TS Nguyễn Bách Phúc chia sẻ: hai
ngàn tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) cho các công trình phục vụ Festival Đờn
ca tài tử, chưa kể chi phí tổ chức Festival, thực sự là một thông tin làm cho
nhiều người không khỏi giật mình. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu là rất cụ thể và
xác đáng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cả nước thắt chặt chi tiêu,
mà chi một khoản lớn như vậy cho một kỳ Festival quả là không nên.
Chúng ta thử xem xét và tính toán vài
con số:
Tổng sản phẩm (GDP) năm
2013 của Bạc Liêu trên 11 ngàn tỷ đồng, như vậy Bạc Liêu đã chi 2 ngàn tỷ / 11
ngàn tỷ = 18,2 % GDP của tỉnh trong một năm cho Festival Đờn ca tài tử, diễn ra
chỉ trong có một tuần!.
Dân số của Bạc Liêu khoảng gần 900 ngàn
người, như vậy bình quân mỗi người dân phải đóng
khoảng 2.000 tỷ / 900 ngàn người = 2,2 triệu đồng tiền thuế cho một tuần tổ chức
Festival, trong khi thu nhập bình quân
đầu người năm 2013 của Bạc Liêu chỉ có: 11 ngàn tỷ / 900 ngàn người = 12,2 triệu
đồng!
Đây là tính bình quân,
còn các hộ nghèo thì sao? Nhớ rằng tỷ lệ hộ nghèo tại Bạc Liêu còn trên 10% vào
năm 2013.
Thủ tướng đã nhắc nhở,
Bạc Liêu còn thiếu nhiều cầu, đường, điện … Thử xem hai ngàn tỷ đồng này có thể
xây dựng được gì?
Một là, có thể xây dựng
một cây cầu, lớn hơn cầu Mỹ Thuận, vì tiền xây cầu Mỹ Thuận chỉ hết 90 triệu
USD do Úc tài trợ. Tiền này có thể xây được hàng loạt cây cầu, con đường cho
nhiều khu vực nông thôn của Bạc Liêu, nơi đường sá đi lại còn hết sức khó khăn.
Hai là, có thể xây dựng được một nhà máy phát điện
chạy khí, Bạc Liêu gần Cà Mau, nơi Việt Nam đang khai thác khí thiên nhiên, với
công suất 100 MW (đầu tư 1triệu USD cho 1 MW). Nhà máy điện này lớn bằng nhà
máy nhiệt điện Ninh Bình 100 MW, gần bằng nhà máy thủy điện Thác Bà 108 MW, gần
bằng 2/3 nhà máy thủy điện Đa Nhim 160 MW. Công suất này bằng khoảng một nửa
công suất điện mà tỉnh Bạc Liêu đang dùng hiện nay.
Nếu trong tương lai, cả
nước học theo Bạc Liêu chi 2 ngàn tỷ cho một Festival (thực tế hiện nay hầu như
tỉnh nào cũng có festival) thì sẽ phải chi gần 130 ngàn tỷ đồng cho 64 festival.
Lại nữa, nếu Việt Nam học
theo tỉnh Bạc Liêu, chi 18,2% GDP cho 1 tuần festival thật “hoành tráng” nào
đó, thì số tiền “hoành tráng” đó sẽ là: 18,2% x 130 tỷ USD = 23,6 tỷ USD, khoảng
500 ngàn tỷ đồng!
Mặc dầu các công trình của
festival Bạc Liêu sẽ còn được sử dụng lâu dài, như nhà hát Cao Văn Lầu (nhà hát
Ba Nón) 222 tỷ đồng, trung tâm Hội chợ triển lãm
67 tỉ đồng, hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED 3,4 tỉ đồng... một số công
trình mang những giá trị tinh thần: quảng trường Hùng Vương 118 tỉ đồng, cột cờ
quảng trường 383 triệu đồng, sân phun nước nghệ thuật và biểu tượng ba dân tộc
6,7 tỉ đồng, cây đờn kìm cách điệu 20 tỉ đồng... nhưng thực tâm nhìn lại thì có
lẽ những công trình này chưa thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
CHÍ THANH
No comments:
Post a Comment