Thursday, April 23, 2015

“Chu Vĩnh Khang đã bí mật theo dõi ông Tập Cận Bình”

Báo VnEconomy, ngày 20/04/2015,     http://vneconomy.vn/the-gioi/chu-vinh-khang-da-bi-mat-theo-doi-ong-tap-can-binh-20150420093916829.htm,         Đã phát hiện bằng chứng cho thấy Chu Vĩnh Khang ra lệnh bí mật theo dõi các nhà lãnh đạo bao gồm Chủ tịch nước này Tập Cận Bình...
“Chu Vĩnh Khang đã bí mật theo dõi ông Tập Cận Bình”
Chu Vĩnh Khang trong một lần xuất hiện vào năm 2012 - Ảnh: Bloomberg.
Cuộc điều tra nhằm vào cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã phát hiện bằng chứng cho thấy Chu Vĩnh Khang ra lệnh bí mật theo dõi các nhà lãnh đạo bao gồm Chủ tịch nước này Tập Cận Bình - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Điều tra cho thấy Chu Vĩnh Khang đã dùng cách nghe trộm điện thoại và các biện pháp khác để thu thập thông tin về tài sản gia đình, đời sống cá nhân và lập trường chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc - theo một nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính.

Chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của ông Tập Cận Bình đã giúp nhà lãnh đạo này củng cố quyền lực kể từ khi trở thành Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012. Trong chiến dịch này, đã có hơn 100.000 quan chức bị bắt, trong đó Chu Vĩnh Khang là nhân vật cấp cao nhất bị buộc tội.

Tháng 12 năm ngoái, Tân Hoa Xã đưa tin nói Chu Vĩnh Khang đã để lộ bí mật của đảng và nhà nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất kỳ chi tiết cụ thể nào về những bí mật nhà nước mà Chu Vĩnh Khang làm lộ được công bố.

Một nguồn tin giấu tên khác cho hay, cuộc điều tra nhằm vào Chu Vĩnh Khang được khởi xướng với sự phê chuẩn của ông Tập Cận Bình. Hôm 3/4 vừa qua, các tội danh của Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, đã chính thức được công bố, bao gồm tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật nhà nước.

Hồi tháng 3, Tân Hoa Xã đưa tin Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang tuyên bố phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang sẽ diễn ra công khai theo quy định của pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc những vấn đề không liên quan tới bí mật nhà nước trong vụ án này sẽ được công bố. Theo cơ quan công tố quốc gia Trung Quốc, việc xét xử Chu Vĩnh Khang sẽ diễn ra ở Thiên Tân, nhưng ngày xét xử chưa được công bố.

Một nguồn tin thân cận nói cuộc điều tra nhằm vào Chu Vĩnh Khang đã phát hiện thấy Liang Ke, cựu Giám đốc Cục An ninh Nhà nước Bắc Kinh, đã giúp Chu Vĩnh Khang thu thập thông tin của các lãnh đạo đảng.

Cũng theo nguồn tin này, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh đã đưa những thông tin mật nói trên lên một số website tiếng Trung Quốc ở nước ngoài. Bản thân Lý Đông Sinh cũng đã bị cáo buộc tội nhận hối lộ, còn Liang Ke thì đã bị cách chức nhưng chưa bị tuyên bố điều tra chính thức.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đề cập tới mối liên hệ giữa Chu Vĩnh Khang với cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Từng là một “ngôi sao sáng” trong đảng Cộng sản Trung Quốc, Bạc Hy Lai đã bị bắt và xét xử vì tội lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Trong một báo cáo hồi tháng 3, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cáo buộc Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai “tham gia vào các hoạt động chính trị phá hoại sự đoàn kết trong đảng”.

Vào năm 2013, Bạc Hy Lai đã bị kết án chung thân. Theo một người tham dự phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh nói vào đầu năm 2012 đã nhận được lệnh từ một ủy ban về luật pháp và trật tự do Chu Vĩnh Khang đứng đầu yêu cầu che giấu vụ một giám đốc công an bỏ trốn.

Hôm 15/4 vừa rồi, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin không rõ danh tính nói vào năm 2012, Chu Vĩnh Khang đã cảnh báo Bạc Hy Lai về việc Bạc sắp mất chức.

Hồi tháng 1, đảng Cộng sản Trung Quốc nói Chu Vĩnh Khang đã “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đảng và nhân dân và đưa một số quan chức đi lạc đường”, rằng vết nhơ mà Chu Vĩnh Khang để lại “phải được làm sạch”. Nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang sẽ phải nhận án chung thân hoặc tử hình.

Hai cựu quan chức cấp cao khác là Lệnh Kế Hoạch, cựu trợ lý của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, và Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng là mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Từ Tài Hậu đã chết vào tháng 3 vừa qua do bệnh ung thư, còn Lệnh kế Hoạch thì đã mất chức và đang bị điều tra.

Bốn nhân vật gồm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch và Từ Tài Hậu được gọi là “bè lũ bốn tên mới” gây thách thức cho sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình - theo giáo sư sử học Zhang Lifan thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment