Phục hồi không bền vững
Báo cáo đề dẫn về tổng quan nền kinh tế tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm 2015 có chủ đề "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động" tại TP Vinh, Nghệ An sáng nay, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, nền kinh tế Việt Nam tuy phục hồi, nhưng vẫn trong vùng đáy.
Mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 1990-2010 là 7,8%. Nhưng kể từ 2009 đến nay, tăng trưởng luôn dưới con số này. Từ năm 2012, tăng trưởng có nhích lên chậm rãi thì GDP 2014 vẫn là 6,8%, chưa đến 7%.
TS Trần Đình Thiên
|
"Đáng chú ý, văn hoá tăng trưởng ở Việt Nam là đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Tức là, đầu năm ăn tiêu tiết kiệm, dè xẻn, tăng trưởng chậm, nhưng cuối năm chi tiêu tăng lên, tăng trưởng lại bò lên. Đó là sự tăng trưởng chưa bền vững", TS Thiên bình luận.
Ông nhấn mạnh, chất lượng phục hồi vẫn còn nhiều điều quan ngại. Đó là nền kinh tế phục hồi trong xu thế gia tăng bất cân xứng cơ cấu, thiên lệch ngoại lực.
Theo ông, phục hồi của nền kinh tế năm qua vẫn chỉ là uống thuốc khoẻ, bồi bổ tăng lực mà chưa thực sự chữa bệnh. Cơ bản tăng trưởng vẫn là số lượng mà ít thấy có dịch chuyển đẳng cấp về chất lượng và sức cạnh tranh. Đẳng cấp nền kinh tế vẫn là đẳng cấp thấp, cả công nghiệp, dịch vụ. Các điểm yếu kém cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ còn nguyên.
Các nền tảng tăng trưởng bền vững vẫn chưa được xác lập vững chắc mà điển hình là cục máu đông nợ xấu chưa giải toả được, nợ công gia tăng nhanh.
Ông Thiên cho biết, nợ xấu bị xích lại hầu hết, nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường. Còn dự báo nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách sẽ vượt vạch đỏ, là 25,9%. Nợ công có xu hướng nội địa hoá, dựa nhiều vào trái phiếu Chính phủ thay vì ODA. Đáng chú ý là nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh khốc liệt.
Nền kinh tế luỵ FDI
Trở lại câu chuyện phục hồi tăng trưởng, TS Thiên đặt vấn đề.
Ông cho rằng, khu vực FDI đóng vai trò quan trọng hơn, quyết định khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Dẫn chứng rõ nét nhất là vừa qua FDI vào nhiều, với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota vào Việt Nam đã làm thay đổi sâu sắc cơ cấu chủ thể phát triển của nền kinh tế. Số lượng không nhiều, nhưng vị thế và chất lượng tốt hơn hẳn khu vực nội địa.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, các đại gia FDI đưa gì vào Việt Nam và xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghệ, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi?
"Tại sao DN Việt Nam không hội nhập quốc tế được ngay trên đất nước mình, không thể mượn sức mà lớn lên? Chúng ta kéo thế giới vào đây rồi nhưng không hội nhập được. Samsung họp cả nghìn DN nhưng cũng chỉ tuyển được 4-5 DN vào làm hỗ trợ", ông Thiên nhấn mạnh.
Vị Viện trưởng lo ngại, nếu FDI vẫn dồn dập đổ vào thì sẽ xảy ra hai xu hướng, một là FDI lấn át các DN nội, hai là nguy cơ khi FDI rời bỏ Việt Nam, chẳng hạn, Samsung rút khỏi Thái Nguyên, Bắc Ninh khi chu kỳ tận thu lợi thế của Việt Nam chấm dứt thì điều gì sẽ xảy ra?
Ông cho biết, các bạn doanh nghiệp Hàn Quốc đã nói, nếu Việt Nam không cải thiện gì thì 5-7 năm nữa, Samsung cũng phải rời đi, trong khi họ đã chiếm 22% xuất khẩu của Việt Nam.
Về cơ cấu doanh nghiệp, ông Thiên cho rằng, có xu hướng bất bình thường. Ví dụ, FDI lỗ lớn và chuyển giá, có tới hơn 60% kê khai lỗ kéo dài, nhưng lại là khu vực có tốc độ tăng vốn nhanh nhất, đặc biệt là DN lớn như Pepsi, Metro. Đồng thời, tuy lỗ nhưng FDI tăng trưởng doanh thu và xuất nhập khẩu ngoạn mục nhất, liên tục xuất siêu lớn, chiếm 65-67% kim ngạch.
Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa đóng cửa ngày càng nhiều. Năm 2010, cả nước có 40.000 DN đóng cửa nhưng đến năm 2014, con số đóng cửa đã lên tới 67.832 DN.
Dường như, địa phương nào có nhiều FDI lớn là tăng trưởng vọt lên. Chẳng hạn như ở Bắc Ninh, khi có Samsung đầu tư mạnh thì GDP cao, nhưng năm qua, Samsung chuyển sang đầu tư ở Thái Nguyên, FDI ở tỉnh này giảm sút, công nghiệp tăng trưởng âm 4,5% và GDP cả năm 2014 chỉ hơn 0,2%. Thái Nguyên ngược lại, nhờ Tập đoàn này mà có tăng trưởng tới 18,6% và công nghiệp tăng tới 33,4%.
Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đề nghị, năm 2015, Việt Nam cần tập trung 5 ưu tiên lớn, trong đó tập trung cổ phần hoá DNNN theo thị trường, đẩy mạnh cải cách bộ máy điều hành của Nhà nước như trường hợp ngành thuế vừa qua, chuẩn bị năng lực hội nhập khi việc ký kết các FTA quan trọng đã được dự báo chốt năm 2015, tiếp tục tháo nút thắt nợ xấu, tỷ giá.
Phạm Huyền
No comments:
Post a Comment