Friday, April 17, 2015

Đặc Knu kinh tế Nam Sài Gòn: Tác động đến ngập úng Thành phố và đối phó với nước biển dâng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 07/03/2015, xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - tin học EEI

Được biết, UBND TP.HCM đã kiến nghị lập khu kinh tế đặc biệt lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 6/2014.
Ngày 24/2/2015, Theo Website Văn phòng UBND TP, UBND TP đã giao các sở-ngành chức năng hoàn chỉnh Đề cương chi tiết nghiên cứu thành lập Khu kinh tế đặc biệt của TPHCM (gồm khu vực quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh); căn cứ đặc trưng, tiềm năng từng quận-huyện để xác định trọng tâm đầu tư khai thác nhằm tạo điểm nhấn riêng của mỗi nơi; đồng thời nghiên cứu hướng kết nối với các vùng lân cận.
Ai cũng biết xây dựng các đặc khu kinh tế là một xu hướng mạnh mẽ, được nhiều quốc gia theo đuổi, nhất là từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi vấn đề hội nhập kinh tế toàn cầu trở thành bức xúc cho phát triển kinh tế của các quốc gia.

Theo Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), trong báo cáo nghiên cứu năm 2008, kể từ cuối những năm 1970, đã có hơn 3.000 đặc khu kinh tế tại 135 quốc gia, riêng Việt Nam có 185 khu. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hiện đang đầu tư 1 tỷ USD để hỗ trợ bốn đặc khu kinh tế ở Việt Nam.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy 40 năm qua nhiều đặc khu kinh tế đã rất thành công, tạo đột phá cho phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia, nhưng cũng còn nhiều đặc khu kinh tế chưa phát huy được những lợi thế, và chưa hoàn thành được những kỳ vọng khi mới thành lập.
Thực ra quyết định thành lập một đặc khu kinh tế thường phải xét rất nhiều yếu tố, chủ yếu là phân tích nghiêm túc và khoa học những lợi thế, đồng thời cũng phải nhận thức được những rủi ro. Hơn nữa, sự thành công của đặc khu kinh tế còn phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách, năng lực điều hành, và các biến động của các yếu tố khách quan.
Đặc khu kinh tế mà UBND TP.HCM kiến nghị thành lập vào tháng 6/2014, gồm quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, xin được tạm gọi là “Đặc khu kinh tế Nam Sài Gòn”
Cũng như tất cả các đặc khu kinh tế khác, việc quyết định thành lập phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đòi hỏi trí tuệ của nhiều cơ quan chức năng, của các chuyên gia chính trị, xã hội, kinh tế và khoa học.
Chúng tôi nghĩ rằng Bộ Kế hoạch đầu tư và UBND TP khi quyết định vấn đề này sẽ tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức khoa học và các nhà chuyên môn.
Chúng tôi chỉ xin góp hai ý kiến nhỏ, liên quan đến môi trường tự nhiên của thành phố: ảnh hưởng của dự án đến vấn đề úng ngập của thành phố, và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên dự án.
Thứ nhất, ảnh hưởng của dự án đến vấn đề úng ngập của thành phố:
Ai cũng biết, TP HCM từ năm 1990 trở lại đây tình trạng úng ngập ngày càng nặng nề, mặc dù chính quyền TP đã có rất nhiều chương trình chống úng ngập, đã bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng ai cũng nói “càng chống càng ngập”. Tại sao? Phân tích nguyên nhân của tình trạng này đã có nhiều ý kiến. Riêng chúng tôi đã nhiều lần phát biểu trên báo chí, trên truyền hình, trong các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là chúng ta đã không chú ý đến yếu tố úng ngập trong quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố. Cụ thể là khi thiết lập các quy hoạch xây dựng và phát triển từ năm 1990 đến nay chúng ta chưa hề xét đến yếu tố chống ngập. Từ đó dẫn đến sai lầm tai hại là: hủy hoại hoặc ngăn cản các vùng chứa nước mưa và triều cường ở phía Nam SG, như đắp đê ngăn mặn, cải tạo đất ở Huyện Cần Giờ, Huyện Nhà Bè, như lấp hết hồ ao, kênh rạch và các vùng trũng ở phía Nam SG để xây dựng đường xá, khu dân cư, khu công nghiệp (khu Phú Mỹ Hưng, khu Hiệp Phước…)
Lưu ý rằng, quy hoạch phát triển SG của người Pháp là hướng lên phía Tây bắc và Bắc, tức là phát triển về phía Củ Chi, Thủ Đức, Biên Hòa, còn Nam SG để giành vùng trũng để chứa lũ và triều cường.

Như vậy nếu chúng ta xây dựng đặc khu kinh tế ở Nam SG trùm lên cả 4 huyện, thì biết bao nhiêu công trình sẽ mọc lên, như đường sá, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác, sẽ tiếp tục san nền, nâng mặt bằng. Và khi trên 4 huyện hình thành đặc khu kinh tế, thì có lẽ tình trạng úng ngập của thành phố sẽ tăng lên nhiều lần.

 Ví dụ, do việc xây dựng các công trình ở Nam SG, kết quả là đỉnh triều cường từ năm 1990 đến năm 2014 đã tăng từ 1,27 m lên 1,60 m (tăng 33 cm) (mặc dù mực nước biển chỉ dâng gần 2 cm). Khi xây xong đặc khu kinh tế Nam SG, thì đỉnh triều cường sẽ bao nhiêu, khoa học có thể tính toán được, nhưng cũng có thể ước lượng gần đúng, chí ít cũng tăng thêm 40 cm đến 50 cm, và lúc ấy tất cả Q.1, Q.2, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.7, Q.8, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ ngập trong đỉnh triều cường.

Thứ hai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên dự án:
Ai cũng biết, một trong những tác động của biến đổi khí hậu là nước biển dâng. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thì khoảng 50 năm sau, mực nước biển ở vùng Nam Bộ VN sẽ dâng lên 1,5 m đến 2 m, nghĩa là cả thành phố SG ngập trong nước biển. Vậy hôm nay chúng ta xây dựng đặc khu kinh tế Nam SG thì sẽ phải tính sao đây để đối phó với nước biển dâng?

Trên đây là ý kiến riêng của chúng tôi, có thể chưa chính xác, hy vọng các cơ quan chức năng và các chuyên gia sẽ nghiên cứu toàn diện, kĩ càng và có những giải đáp xác quyết.


No comments:

Post a Comment