Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với Đất Việt về "hội chứng khu kinh tế" tại Việt Nam và những phương án để khắc phục hậu quả.
PV: - Báo cáo đánh giá công tác xây dựng và quản lý quy hoạch của Bộ Xây dựng mới đây cho rằng, trên cả nước hình thành quá nhiều khu kinh tế (hiện có 44 khu kinh tế nằm ở ven biển và cửa khẩu) với quy mô rất lớn. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, nhiều khu kinh tế vẫn chưa triển khai, những nơi triển khai rồi thì teo tóp, xin thu hồi dự án...
Ông bình luận như thế nào trước thực tế này? Nguyên nhân của thực trạng là do đâu?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Trước đây Việt Nam có rất nhiều kế hoạch mở mang khu kinh tế với triển vọng thị trường xuất nhập khẩu cũng như mậu dịch của Việt Nam phát triển nhiều hơn bây giờ. Các địa phương nghĩ rằng họ có tiềm năng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào khảo sát và có những hứa hẹn hão huyền.
Dựa vào những hứa hẹn đó, nhiều địa phương xây dựng các khu kinh tế, khu chế xuất mà không khảo sát, nghiên cứu kỹ càng thực lực của các nhà đầu tư hoặc cho rằng cứ xây lên rồi thế nào cũng có nhà đầu tư đến. Đây là một việc làm kế hoạch không có cơ sở gì, chính vì vậy nó đưa đến tình trạng nhiều khu kinh tế, khu chế xuất lập ra rồi không có vốn.
Một trong những khu đất vàng trong Khu Kinh tế Dung Quất bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: VOV |
Trong những năm qua, nền kinh tế thế giới phần nào co cụm lại, xuất nhập khẩu của Việt Nam không như kỳ vọng. Chính vì thế, các khu kinh tế lập ra, đi vào thực tế mới thấy cầu thì ít mà nguồn cung thì nhiều, dẫn tới tình trạng các khu kinh tế ở trong tình trạng xây dựng dở dang, không phát triển được.
Ngoài ra, bất động sản cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thị trường bất động sản xuống dốc quá nhanh khiến các ngân hàng chùn tay khi cho vay bất động sản, trong đó có việc cho vay xây dựng các khu kinh tế, khu chế xuất.
Điều này cho thấy những năm trước Việt Nam có những kế hoạch không sát thực tế, dự báo về phát triển xuất nhập khẩu vượt quá thực tế cho phép. Vào thời điểm này, việc tạm ngừng triển khai thêm các khu kinh tế mới là sự điều chỉnh cần thiết bởi lập nên mà không có nhu cầu thì không nên tiếp tục, dù rằng những khu kinh tế dở dang đang gây ra sự lãng phí đất và những tài nguyên đã sử dụng để xây dựng.
PV: - Ứng phó với thực trạng nói trên, nhiều địa phương đã kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư các dự án. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của sự kiên quyết nói trên khi đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế đã bỏ ra, đất đai đã thu hồi...? Vấn đề bồi thường khi không triển khai dự án ở các khu kinh tế nói trên có thể được đặt ra hay không và vì sao?
PV: - Ứng phó với thực trạng nói trên, nhiều địa phương đã kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư các dự án. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của sự kiên quyết nói trên khi đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế đã bỏ ra, đất đai đã thu hồi...? Vấn đề bồi thường khi không triển khai dự án ở các khu kinh tế nói trên có thể được đặt ra hay không và vì sao?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Đây là một bài toán đau đầu của các địa phương. Nhiều khu đã đổ tiền vào, nông dân đã bị đẩy ra để lấy đất khoanh lại làm khu kinh tế.
Bây giờ nếu thu hồi giấy phép thì phải theo hai cách: hoặc tìm cách khai triển khu kinh tế đó vào một hình thái kinh doanh nào khác. Tuy nhiên, việc đó rất khó vì lúc này nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng co cụm, rất khó mở rộng. Nhưng nếu thu hồi lại và để không như thế thì rất lãng phí.
Có lẽ giải pháp tốt nhất lúc này là các địa phương có kế hoạch nghiên cứu lại khu vực đó, để xem có thể phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, hoặc làm những khu thương mại cho địa phương của mình ở tầm cỡ nhỏ hơn nhiều nhưng đúng khả năng của mình.
Về vấn đề bồi thường, nếu khu kinh tế đó do chính quyền địa phương chủ trì, chịu trách nhiệm trong việc không triển khai được và có nguồn vốn tư nhân đổ vào thì theo trách nhiệm thương mại, địa phương phải bồi thường cho những người đã đầu tư.
Tuy nhiên, nếu là vốn từ ngân sách nhà nước, có thiệt hại ngân sách phải chịu, không thể đòi hỏi ngân sách bồi thường cho ngân sách.
PV: - Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đã mắc bẫy "sát thủ kinh tế" (cho vay đầu tư vào một dự án, phía đối tác phải đảm bảo cơ sở hạ tầng cho dự án nên tiếp tục phải vay và phụ thuộc hoàn toàn vào phía đầu tư) trong việc phát triển các khu kinh tế nói trên. Ông đồng tình ở mức độ nào với ý kiến nói trên? Nếu đúng, theo ông, vì sao Việt Nam lại dễ dàng mắc bẫy đã được áp dụng ở nhiều nước kém phát triển cả chục năm về trước như vậy?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Khoảng chục năm trước, nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt, thị trường bất động sản tăng tốc, mọi người chỉ nhìn thấy chân trời sáng lạn nên đổ tiền vào bất động sản, trong đó có khu kinh tế, sân golf, nhiều tỉnh đòi xây cả sân bay.
Tuy nhiên, vào khoảng năm 2009, kinh tế khủng hoảng, bong bóng bất động sản xuất hiện, trong đó có bong bóng ở khu chế xuất, khu kinh tế, sân golf xây dựng dang dở rồi bỏ trống.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở rất nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Trung Quốc. Vấn đề là tại sao trước đó Việt Nam không làm gì để ngăn chặn tình trạng này? Trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có lúc tăng trưởng đến 8-9%, kéo theo các thị trường khác phát triển theo nó, đáng lý ra Việt Nam phải có một kế hoạch dự trù, bao gồm cả kế hoạch khi nền kinh tế đi xuống thì phát triển như thế nào.
Lúc bấy giờ dường như Việt Nam chỉ nhắm đến một kịch bản duy nhất là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng như thế. Trung ương không có những kế hoạch về phát triển đất đai cũng như xây dựng các khu kinh tế cho phù hợp mà đẩy trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Các nhà đầu tư cũng hăm hở vào một thị trường mà miếng bánh ngày một phồng to lên nhưng ít người biết bên trong ruột của nó rỗng. Khi nó nổ tung thì dẫn đến rất nhiều hậu quả, trong đó có trường hợp của các khu kinh tế.
Đây là bài học Việt Nam cần rút kinh nghiệm. Chu kỳ tăng trưởng có lúc lên lúc xuống và chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam kéo dài khoảng 6 năm. Lần này, khi chu kỳ kinh tế chuyển động sang trạng thái dương chính là thời điểm Việt Nam cần có những kế hoạch hợp lý và mang tính chất tổng thể hơn.
PV: - Đã đến lúc phải tính toán thiệt hại do "hội chứng khu kinh tế" gây ra chưa, và chúng ta phải được đo đếm thiệt hại như thế nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm cho điều này?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: - Những thiệt hại đó thật ra có thể khắc phục lại phần nào nhưng đó là cái giá phải trả cho một chu kỳ kinh tế đi xuống và việc thiếu kế hoạch hoá của Việt Nam.
Để sửa sai, phải có kế hoạch từ Trung ương tới địa phương, mời gọi đầu tư cũng như các ngân hàng cho vay, tài trợ các dự án còn dang dở. Chính phủ phải có kế hoạch sử dụng các khu kinh tế sao cho hiệu quả nhất, sát với nhu cầu thực tế, đừng chỉ nhìn thấy phía trước toàn màu hồng.
Muốn vậy, trước tiên các con số về tăng trưởng, lạm phát phải chính xác. Phải xem xét tiềm năng phát triển kinh tế của các khu vực, từ đó có kế hoạch cho những khu kinh tế đã dựng lên dang dở, sử dụng không hiệu quả và có phương án khắc phục.
Thu hồi giấy phép chỉ là phương án chẳng đặng đừng mà thôi vì Việt Nam đã lãng phí vào đó rất nhiều tiền bạc và công sức, thu lại giấy phép sẽ mất tất cả những gì đã thực hiện trước đó.
Thành Luân
No comments:
Post a Comment