Suy nghĩ của người Đức
Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Mannheim của Đức tiến hành cho kênh truyền hình ZDF, đa số người Đức được hỏi đều phản đối việc Hy Lạp ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Kết quả thăm dò trên cho biết có tới 52% số ý kiến nói rằng Athens không nên ở lại Eurozone, cao hơn tỷ lệ 40% ý kiến cho rằng Hy Lạp nên ở lại.
Kết quả này trái ngược so với cuộc thăm dò tương tự được tiến hành chỉ ba tuần trước đó. Trong đó, chỉ có trên 40% số người được hỏi muốn Hy Lạp rời Eurozone và 52% muốn điều ngược lại.
Kết quả cuộc thăm dò mới nhất phản ánh xu hướng đáng lo ngại cho các nhà lãnh đạo Hy Lạp về tâm lý chán chường của người dân Đức đối với cuộc khủng hoảng nợ ở "Xứ sở thần thoại."
Thủ tướng Đức kiên quyết không giảm thêm nợ cho Hy Lạp |
Cũng theo cuộc thăm dò, có tới 80% số người Đức được hỏi cho rằng chính phủ Hy Lạp không nghiêm túc trong đàm phán với các đối tác châu Âu về vấn đề nợ quốc gia. 82% số ý kiến bày tỏ nghi ngờ việc Hy Lạp sẽ thực thi nghiêm túc các biện pháp cải cách cũng như chính sách "thắt lưng buộc bụng" theo đề xuất với các định chế cho vay quốc tế.
Về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi Eurozone, có 32% số ý kiến cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Đức, 11% nói Đức không bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có tới 80% số người tham gia trả lời nói rằng không nên tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, bởi Athens không tôn trọng và thực thi nghiêm túc các cam kết đưa ra trước đó.
Đức muốn bỏ, EU cố níu
Khi đảng cánh tả Syriza thắng cuộc bầu cử và lãnh đạo chính quyền Athens hiện nay, họ đã phê duyệt một loạt các chính sách để khôi phục nền kinh tế, xóa gánh nặng nợ công, nhưng thực tế thì cách mà Athens đang làm hơi khác người.
Họ tìm cách nới lỏng các chính sách kham khổ mà các chủ nợ châu Âu ép buộc phải thực hiện để có tiền trả nợ, sau đó Athens tìm cách đàm phán để giảm số nợ của quốc gia này với mục tiêu giảm 50% tổng số nợ.
Bản thân trước khi cuộc bầu cử diễn ra, đã có nhiều ý kiến từ phía châu Âu cho rằng nếu đảng Syriza chiến thắng và triển khai các kế hoạch chống "thắt lưng buộc bụng" của mình, EU sẽ xem xét khai trừ Hy Lạp ra khỏi Eurozone.
Việc này chắc chắn sẽ mang lại nhiều thiệt hại cho cả đôi bên, khi Hy Lạp sẽ nhanh chóng phá sản nếu không còn được sự bao bọc của một đồng euro ổn định. Trong khi EU cũng sẽ có những tác động về uy tín, độ đảm bảo của nguồn vốn đầu tư, an ninh, địa chính trị...
Đó là lý do mà vì sao EU và Hy Lạp vẫn đang cùng nhau đàm phán về việc giảm nợ, giảm các biện pháp kham khổ, tiết kiệm để đi đến những thống nhất chung mà không ai phải ra đi khỏi khu vực Eurozone.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức vẫn đang kiên định lập trường không giảm nợ cho Hy Lạp. "Các chủ nợ tư nhân và các ngân hàng đã tình nguyện miễn nợ và Hy Lạp đã giảm được hàng tỷ USD. Tôi không có ý đinh sẽ tiếp tục hủy nợ mới cho họ”. - Bà Merkel từng nói.
Biểu tình yêu cầu chính phủ tháo bỏ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" biến thành bạo động ở Hy Lạp |
Thực tế, từ khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu diễn ra, Đức và Pháp là hai đầu tàu kinh tế để vực dậy cả khu vực. Thời kỳ năm 2010, các ngân hàng của Đức và Pháp đã cho tổng cộng Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ailen... vay 493 tỷ USD. Và riêng trong số này, các ngân hàng của Đức là 465 tỷ USD.
Hiện tại, Pháp đang giữ mức tăng trưởng chậm trong nhiều năm nay, thậm chí tăng trưởng 0%, trong khi ngân sách thâm hụt ngày càng cao. Đức trở thành đầu tàu duy nhất để kéo cả Eurozone. Và khi đầu tàu ấy mệt mỏi, đặc biệt với sự chây ỳ không có thiện chí trả nợ của Hy Lạp, việc người Đức cảm thấy mệt mỏi và bất mãn là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên vấn đề ở đây đặt ra, nếu Hy Lạp rời bỏ EU sẽ tạo một tiền lệ xấu cho các quốc gia khác ở khu vực này. Tư tưởng dùng chống thắt lưng buộc bụng, thậm chí làn sóng đòi ly khai ở Tây Ban Nha...đã nổi lên như một vấn để khó tháo gỡ, thậm chí nó tiên báo sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia... đều có khả năng trở thành đối tượng tiếp theo. Và cứ "không trả nợ - khai trừ" thì đây sẽ là công thức dẫn đến sự sụp đổ, tan rã của EU một cách nhanh chóng nhất. Đó là lý do vì sao châu Âu vẫn còn kiên trì để đàm phán, bàn bạc và xem xét nguyện vọng của các nhà cầm quyền ở Athens.
Người Đức chán nản, mệt mỏi với Eurozone, nhưng các nhà chính trị và cả khu vực đều đang cố gắng để bảo vệ sự tồn tại, phát triển thịnh vượng của khu vực này. Hai yếu tố trong ngoài như vậy đang đặt lên vai của nhà lãnh đạo nước Đức Angela Merkel nhiều thách thức.
- Đỗ Phong (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment