Thế nhưng, cải cách thể chế triển khai quá chậm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, dẫn đến những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế cũng như để nắm bắt thời cơ, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Trong bài này, xin trao đổi một số ý kiến về yêu cầu bức thiết đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế.
Nhìn thẳng vào sự thật
Chúng ta đã trải qua gần 30 năm đổi mới, nếu tính từ năm 1986, khi Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Từ những năm ấy, đất nước ta đã có những bước chuyển biến lịch sử trên con đường đổi mới, đạt được những thành tựu rất to lớn không thể phủ nhận. Trong bài này, xin không nhắc lại thành tựu ấy, mà muốn phân tích rõ thêm những yếu kém của nền kinh tế – xã hội, để nhấn mạnh sự cần thiết, bức xúc của cải cách thể chế. Có thể khái quát thực trạng rất đáng lo ngại của kinh tế – xã hội nước ta hiện nay trên một số mặt như sau.
Về kinh tế, GDP năm 2013 chỉ có 171 tỉ USD; năm 2014 dự tính đạt 184 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm chỉ vào khoảng 5 – 6%. GDP bình quân đầu người năm 2013 mới đạt khoảng 1.911 USD.
Nông nghiệp tuy có một số sản phẩm đứng hàng đầu thế giới, nhưng vẫn manh mún, năng suất thấp, thị trường bấp bênh. Công nghiệp vẫn còn là nền kinh tế gia công, giá trị gia tăng không nhiều, nhất là tác động của khoa học công nghệ trong sản phẩm rất thấp. Nhiều năm qua, nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu bằng vốn đầu tư và sức lao động giá rẻ, bằng khai thác và bán tài nguyên thô, tỷ trọng của TFP (Total Factor Productivity – năng suất tổng hợp) trong GDP rất thấp: trong thời kỳ 2006-2011, chỉ đóng góp 16,95%, trong khi đó yếu tố vốn đóng góp 57,54% và lao động đóng góp 25,51%. Năng suất lao động đang ở mức thấp so với các nước xung quanh.
Rất đáng lo ngại về tình hình tài chính, tiền tệ. Trong hệ thống ngân hàng, nợ xấu cũng đang ở mức cao: theo báo cáo thì đến cuối năm 2014 là 5,43% dư nợ, đã giảm so với mức 17% vào năm 2012 và cuối năm 2015 sẽ còn 3%. Nhưng nếu tính toán theo thông lệ quốc tế thì số này có thể lên đến 15 – 16%. Việc cơ cấu lại ngân hàng đang rất khó khăn.
Về xã hội, số người không có việc làm ổn định vẫn ở mức cao. Nhiều tệ nạn xã hội đang lây lan cả ở thành thị và nông thôn. Đạo đức bị xói mòn, thói gian dối, thiếu trung thực đang tác động nặng nề đến các mặt của đời sống xã hội. Phân hóa xã hội diễn ra nghiêm trọng: chênh lệch giàu nghèo đang dãn rộng thêm; của cải xã hội rơi vào tay một số kẻ có chức quyền, gây nhức nhối trong xã hội. Môi trường bị suy thoái nặng nề, dẫn đến thảm họa lũ lụt, sạt lở đất ở nhiều vùng miền núi.
Trong quan hệ với nước ngoài, nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 24 tỉ USD; 70% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng công nghiệp phụ trợ (cho ngành may mặc da giày) và máy móc; trong khi đó xuất khẩu của ta vào Trung Quốc phần lớn là nguyên liệu thô (như than, khoáng sản, cao su), gạo, trái cây…), Trung Quốc cũng là tổng thầu “chìa khóa trao tay” (EPC) của nhiều dự án hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản, xi măng, nhiệt điện và nhiều dự án giao thông.
Cần nhấn mạnh về niềm tin trong nhân dân có phần suy giảm, do kinh tế trì trệ và nhất là tham nhũng tràn lan; do có những cán bộ, công chức tham lam, vơ vét, lộng hành, thậm chí trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, khiến nhân dân oán thán, bất bình. Trong khi đó, pháp luật chưa nghiêm, tòa án chưa được độc lập trong xét xử, vẫn còn những oan sai, truy bức, nhục hình.
Trên đây là một số nét chính về những yếu kém kéo dài của nền kinh tế: phát triển chậm so với tiềm năng, do mô hình phát triển và cơ cấu không hợp lý, mà biểu hiện tổng hợp nhất là năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh kém. Trong báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được xếp thứ 68/144 nước và vùng lãnh thổ, sau năm nước ASEAN là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Yêu cầu bức thiết
Tình hình nói trên đòi hỏi phải được nhận thức đầy đủ, không thể né tránh, không để “chủ nghĩa thành tích” che đậy các yếu kém, khuyết điểm đang gây nguy cơ trì trệ cho nền kinh tế và bất ổn trong xã hội.
Vậy thì cái gì đang cản trở bước tiến của dân tộc ta, gây ra tình trạng trì trệ của nền kinh tế? Quan trọng nhất và quyết định nhất chính là những khiếm khuyết của hệ thống thể chế.
a) Trước hết, thể chế hiện hành đã không phát huy được đầy đủ những nguồn lực to lớn của dân ta, nhất là về trí tuệ, tài năng. Năng suất lao động quá thấp, là do người lao động không được làm việc trong môi trường sáng tạo, lại không được khuyến khích trong phát minh, sáng chế. Tư duy “không quản được thì cấm” làm thui chột những sáng kiến của dân và doanh nghiệp.
Việc đào tạo nhân lực bị xem nhẹ; giáo dục chưa nhằm vào phát huy tính sáng tạo của mỗi con người; nhân tài chưa được trọng dụng. Khoa học, công nghệ chậm được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Văn hóa có những biểu hiện xuống cấp. Những khiếm khuyết về thể chế trong giáo dục, đào tạo và trong quản lý khoa học, công nghệ đã là những nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của mỗi ngành nghề thấp, dẫn đến khả năng cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện.
b) Thể chế hiện hành chưa thể hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường hiện đại, không những chưa tạo ra một mô hình tăng trưởng với cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội nước ta và hội nhập quốc tế, mà trong không ít trường hợp còn làm méo mó thị trường do những mệnh lệnh hành chính, phi kinh tế.
Vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường vẫn chưa được xác định rõ. Các nguồn lực của xã hội chưa được động viên và đầu tư vào những ngành nghề đem lại hiệu quả cao nhất. Các thành phần kinh tế chưa được đối xử bình đẳng trong kinh doanh; vẫn còn sự phân biệt “chiếu trên”, “chiếu dưới”. Doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều đặc quyền nhưng nhìn chung hiệu quả thấp. Kinh tế tư nhân chưa được coi trọng và khuyến khích đúng mức, bị hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực, chịu nhiều thủ tục hành chính gò bó, kinh doanh rất khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất chậm lớn.
c) Cũng do thể chế lỏng lẻo, ngân sách nhà nước – cũng tức là nguồn lực của dân được Nhà nước tập trung qua hình thức thuế không được quản lý chặt chẽ, nhiều khoản sử dụng kém hiệu quả, nhất là đầu tư công thiếu quy hoạch, trùng lắp, lãng phí lớn. Đầu tư công lớn đang chèn ép đầu tư tư nhân. Nợ công đang ở mức cao; ngân sách thiếu hụt nặng nề; số tiền trả nợ lớn sẽ hạn chế các khoản chi khác.
d) Thể chế hiện hành đang có những điểm dung dưỡng tham nhũng, do vậy mà “quốc nạn” này vẫn chưa được ngăn chặn đáng kể. Có những trường hợp, tổ chức, cá nhân được quyền quyết định nhiều vấn đề hệ trọng song lại không chịu trách nhiệm gì về những quyết định ấy. Khi quyền lực không gắn với trách nhiệm, lại thiếu sự giám sát, thì sự bành trướng quyền lực dẫn đến cửa quyền, lạm quyền, tiếm quyền là khó tránh khỏi, nhất là “lợi ích nhóm” đã hình thành và phát triển. Nguyên tắc “công khai”, “minh bạch” trong quản lý nhà nước không được tuân thủ. Quan hệ “xin – cho” vẫn còn dai dẳng, các vụ chạy chức, chạy tội… còn tiếp diễn. Tham nhũng đã trở nên tinh vi, khó phanh phui.
Tóm lại, nền kinh tế nước ta tuy đã có những thành tựu quan trọng song vẫn còn quá nhỏ bé, phát triển chậm, thiếu bền vững, không tương xứng với công sức của dân ta đã bỏ ra. Mô hình phát triển, cơ cấu kinh tế đang không phù hợp.
Nguyên nhân gốc vẫn là do thể chế chậm được cải cách. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh cải cách thể chế, coi đây là khâu đột phá tạo động lực mới cho đà tăng trưởng đã rất bức thiết. Nếu không, đất nước ta sẽ khó có thể phát triển bền vững và mức độ tụt hậu so với các nước trong khu vực sẽ càng rộng ra, nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” khó tránh khỏi. Không những thế, từ năm 2015, khi nhiều cam kết quốc tế về hội nhập có hiệu lực, cạnh tranh chắc chắn sẽ rất gay gắt, nền kinh tế nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn gấp bội. Đẩy mạnh cải cách thể chế thực sự đã rất cấp bách, không thể chậm hơn nữa.
Kỳ sau: Cải cách thể chế: cần đột phá tư duy
Vũ Quốc Tuấn (DNSGCT)
No comments:
Post a Comment