TBKTSG: Theo bà, đâu là những điểm chính để bà thuyết phục rằng ODA được sử dụng hiệu quả?
- Bà Victoria Kwakwa: Điều đầu tiên tôi muốn nói là một lượng đáng kể các kiến thức, ý tưởng mới và sáng tạo được mang đến Việt Nam qua ODA. Không nên coi nguồn hỗ trợ này chỉ là tài chính, thực tế cũng chứng minh như vậy, vì nó còn giúp Việt Nam tiếp cận với những kiến thức và sáng kiến mới của thế giới để giải quyết các vấn đề phát triển. Các dự án ODA đã giúp xây dựng kỹ năng cho đối tác là các cơ quan Chính phủ trong việc mua sắm minh bạch, quản lý tài chính lành mạnh và trong việc giám sát kết quả đầu tư công.
Thứ hai, một số phân tích chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam sử dụng tương đối hiệu quả ODA cho các chương trình phát triển. Qua đó, giúp đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói phổ biến và từ nền kinh tế phát triển thấp sang vị thế của một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và tỷ lệ giảm nghèo thành công nhất trên thế giới.
ODA đóng vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và xã hội then chốt của quốc gia, hỗ trợ cải cách chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh...
Thứ ba, hầu hết các khoản vay ODA là viện trợ không hoàn lại hoặc ưu đãi cao, hoặc có lãi suất rẻ hơn nhiều lãi suất mà Việt Nam có thể vay trên thị trường tài chính quốc tế. Các khoản vay như vậy rất có ích cho các khoản đầu tư lớn, dài hạn của Việt Nam mà thường phải mất nhiều năm để hoàn thành và tạo ra giá trị kinh tế. Vì thế, Việt Nam có thể chi tiêu cho các dự án như vậy mà không gây áp lực lên nguồn thu của Chính phủ.
Cuối cùng, Việt Nam và các đối tác phát triển cam kết ban hành và thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn ODA. Tuy nhiên, quá trình chuyển từ việc đưa ra các nguyên tắc chung sang thực hiện các biện pháp này theo các thực tiễn tốt nhất là khó và mất thời gian. Chính phủ gần đây đã ban hành một số biện pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả và năng lực hấp thụ vốn. Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển khác đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ để cải thiện hệ thống quản lý giám sát tài chính nhằm giúp quản lý không chỉ các dự án ODA, mà còn các dự án đầu tư công hiệu quả hơn, và minh bạch hơn.
TBKTSG: Cách thức quản lý ODA được cho là không minh bạch, tạo cơ chế xin - cho, cơ hội để hối lộ, thậm chí tham nhũng. Bà nghĩ thế nào về nhận xét đó, và đâu là trách nhiệm của các nhà tài trợ?
- Tôi nghĩ không công bằng khi cho rằng quản lý ODA hiện không minh bạch. Việt Nam có khuôn khổ pháp lý rõ ràng hướng dẫn việc thực hiện ODA. Nghị định 38 về quản lý ODA đã được sửa đổi năm 2013, dự kiến tiếp tục sửa đổi vào năm 2015. Tất cả các hoạt động ODA đều được chuẩn bị theo khuôn khổ này, và phải tuân thủ các điều khoản của nó. Nghị định này được công khai và các cơ quan thực hiện dự án và các nhà tài trợ ODA đều biết.
Hầu hết các đối tác phát triển bao gồm cả Ngân hàng Thế giới đều công khai nội dung các dự án ODA và các bên hưởng lợi được tham gia vào quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Tất cả các nhà tài trợ ODA đều có nghĩa vụ tiếp tục phải minh bạch và chia sẻ thông tin về các hoạt động và dự án họ cho vay, tác động của các dự án đó với tất cả các bên liên quan. Điều này là quan trọng để phòng tránh tham nhũng cho các dự án và đảm bảo rằng nguồn lực ODA được sử dụng đúng mục đích.
TBKTSG: Việt Nam có thể hấp thụ 3-4 tỉ đô la Mỹ mỗi năm và hiện một người Việt Nam đang chịu khoản nợ khoảng 930 đô la Mỹ. Con số này tăng rất nhanh so với khoảng 159 đô la Mỹ cách đây một thập kỷ. ODA có là yếu tố chính khiến cho nợ công của Việt Nam dự kiến sẽ chạm trần 65% GDP năm tới?
- Về vấn đề nợ công, chúng tôi muốn đề cập đến các quy định Chính phủ đã áp dụng để giám sát mức độ nợ công (Quyết định số 958 của Thủ tướng) nhằm nâng cao minh bạch trong báo cáo nợ công. Quyết định này giúp báo chí và công luận đặt câu hỏi và yêu cầu giải thích. Việc mức nợ công tăng lên tính theo tỷ lệ nợ công trên GDP là vấn đề cần quan tâm và phải được giám sát chặt chẽ.
Liên quan đến lo ngại về mức nợ công tăng cao, điều quan trọng là phải xem xét đằng sau con số nợ công trên GDP, phải đưa ra được chỉ số sơ bộ quan trọng về khả năng thanh toán. Ví dụ, quan trọng là phải đánh giá được tác động của mức nợ công tăng lên đối với việc trả nợ công, chất lượng chi tiêu; những rủi ro tài chính có thể dẫn đến nợ công tăng nhanh; cơ cấu nợ công; các khoản vay ngoài ngân sách.
Một khi hiểu rõ các vấn đề trên sẽ giúp đưa ra các giải pháp tập trung hơn và ưu tiên tốt hơn để đảm bảo mức nợ công là bền vững. Theo quan điểm của chúng tôi, Chính phủ cần tìm ra các biện pháp giúp giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và giảm các nhu cầu vay nợ. Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành đổi mới để cải thiện quản lý thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu. Điều này rất quan trọng, giúp tạo ra không gian tài chính cần thiết để duy trì các chi tiêu cơ bản cho dịch vụ công mà không làm tích lũy thêm các khoản nợ thiếu bền vững.
Liên quan đến năng lực trả nợ, chúng tôi coi Việt Nam vẫn đang nằm trong giới hạn bền vững do tỷ lệ trả nợ trên tổng thu ngân sách là 22,5% và tỷ lệ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu là 2,8%, trong giới hạn chấp nhận được. Chúng tôi vẫn luôn đề nghị Chính phủ theo dõi sát sao mức nợ hiện nay và đặc biệt là “các khoản nợ phát sinh” từ khu vực doanh nghiệp nhà nước.
TBKTSG: Bà có nghĩ rằng Việt Nam nghiện ODA, như có nhà tài trợ đã nói gần đây trong một phiên họp trước Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF)?
- Không, chúng tôi không đồng ý rằng Việt Nam nghiện ODA. ODA hiện nay vẫn tương đối nhỏ so với quy mô của nền kinh tế. Giải ngân ODA (dựa vào số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vào khoảng 3% GDP trong năm 2013, so với vốn FDI thực hiện khoảng gần 7% GDP.
Tư Giang
No comments:
Post a Comment