Tuesday, November 25, 2014

Viện Công nghệ: Vun đắp truyền thống bằng bản lĩnh chính trị và trí tuệ của nhà khoa học

Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 23/11/2014,    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chinh-tri/vien-cong-nghe-vun-dap-truyen-thong-bang-ban-linh-chinh-tri-va-tri-tue-cua-nha-khoa-hoc/332956.html,    - Sự lớn mạnh, trưởng thành và phát triển không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 70 năm qua có sự đóng góp không nhỏ từ các nhà khoa học quân sự. Phóng viên Báo QĐND Online đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng về vấn đề này.

Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện Công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
 Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng thông thì công việc tốt”. Công tác tư tưởng tác động như thế nào đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thuộc Viện Công nghệ?
Thiếu tá Lê Anh Tuấn: Công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Viện Công nghệ nói chung và mỗi cán bộ nghiên cứu nói riêng. Là đơn vị khoa học, chúng tôi vun đắp truyền thống đơn vị, truyền thống Quân đội bằng chính bản lĩnh chính trị và công sức, trí tuệ của nhà khoa học.
Tôi lấy ví dụ, như trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng ủy Viện đã tổ chức quán triệt rất kỹ Nghị quyết của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến thì ngay lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Nhờ quán triệt tốt nghị quyết này, Đảng ủy Viện xác định lấy việc bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật đầy đủ, kịp thời cho các chiến trường là công tác trọng tâm, cấp bách nhất. Từ đó, từng nhà khoa học xây dựng quyết tâm nghiên cứu thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra, sẵn sàng tăng cường cho các đơn vị chiến đấu khi có lệnh. Thời điểm đó, dự trữ chiến lược của ta về đạn pháo cỡ lớn còn rất ít trong khi viện trợ của các nước bạn đang giảm. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho ngành quân giới tìm mọi cách tự lực sản xuất, trong đó phải sản xuất đạn pháo 130mm dù ta chưa đủ điều kiện chế tạo các hợp kim đặc biệt. Viện Công nghệ và Nhà máy V113 đã linh hoạt, sáng tạo mở hướng sửa chữa loại đạn pháo này. Trong không khí sôi sục, tất cả vì chiến trường, các nhà khoa học sát cánh cùng công nhân quân giới, khắc phục những khó khăn vô cùng lớn để từng lô đạn pháo 130mm trên dây chuyền sửa chữa được hoàn thành, kịp thời chuyển vào chiến trường. Trong những ngày tháng lịch sử đó, các nhà khoa học của Viện có nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị chiến dịch đã làm việc không quản giờ giấc, ngày đêm, tập trung mọi khả năng, điều kiện để chỉ đạo, tổ chức bảo đảm chi viện cho chiến trường và bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị tham gia chiến dịch… Sau ngày giải phóng, toàn Viện lại tập trung hết mình, nghiên cứu nhiệm vụ thu hồi, quản lý, bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất mà ta thu được.
Những khó khăn, thử thách đặt ra cho nhiệm vụ này rất lớn, nếu mỗi cán bộ nghiên cứu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao cả, quyết tâm cao độ thì không thể hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ được giao.
PV: Bản lĩnh chính trị của nhà khoa học quân sự - một phạm trù nghe có vẻ nặng về định tính, khó đo lường được. Theo đồng chí, làm thế nào để có thể “đong đếm” được giá trị của vấn đề này?
Thiếu tá Lê Anh Tuấn: Bản lĩnh chính trị của nhà khoa học quân sự thể hiện qua sản phẩm khoa học của họ. Đây là điều rất dễ đo lường. Đối với các nhà khoa học ở Viện Công nghệ, bản lĩnh chính trị còn thể hiện qua quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách, có quyết tâm cao để hoàn thành mọi nhiệm vụ trên giao.
Ví dụ như sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các nhà khoa học của Viện Công nghệ đã vượt lên những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, triển khai thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng. Như nghiên cứu, hoàn chỉnh công nghệ chế tạo súng và đạn cối 160mm; công nghệ chế tạo hai loại lựu đạn ghép mảnh vỏ nhựa và vỏ tôn, công nghệ chế tạo cụm điểm hỏa cho mìn, chế tạo mới và phục hồi bạc áp trục, kim phun, bộ đôi bơm cao áp cho các xe GMC, xe M113…
Một trong những phần thưởng lớn, cổ vũ, động viên cán bộ nghiên cứu của Viện là sản phẩm nghiên cứu của Viện được ứng dụng trên dây chuyền sản xuất tại các nhà máy quốc phòng, như: Các sản phẩm chế tạo từ hợp kim cứng, các sản phẩm bằng vật liệu từ, các thiết bị thử áp suất đạn cối, các loại đạn pháo chiến dịch, các thiết bị nung tôi tần số, các hệ điều khiển tiên tiến; các hệ thống trang thiết bị phục vụ cho sửa chữa, bảo quản đạn, hệ thống xử lý môi trường… Khó có thể kể hết những thành tích mà trong 40 năm qua, Viện Công nghệ đóng góp vào quá trình CNH, HĐH đất nước và Quân đội. Viện đã có gần 20 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước; hơn 70 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được hoàn thành… Đó cũng là cơ sở để Đảng ủy Viện khẳng định đội ngũ cán bộ khoa học của Viện thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá Trần Việt Thắng (thứ 3, từ trái qua), Phó viện trưởng, Viện Công nghệ,Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cùng cán bộ khoa học của Viện đang trao đổi công việc.

PV: Quân đội ta đang được hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ, Viện Công nghệ đã có sự chuẩn bị như thế nào để tham gia hiệu quả vào quá trình đó, thưa đồng chí?
Thiếu tá Lê Anh Tuấn: Hiện nay, Quân đội ta đang được xây dựng theo mục tiêu “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó một số lực lượng đang tiến thẳng lên hiện đại. Điều đó đặt ra cho Viện Công nghệ nhiều nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang.
Nhiệm vụ chủ yếu hiện nay của Viện là thực hiện các đề tài, chương trình nghiên cứu, nhiệm vụ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến; tư vấn cho các dự án, thẩm định công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; bảo đảm đo lường kiểm chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng và hàng kinh tế quốc phòng. Những năm gần đây, Viện được Bộ và Tổng cục giao khối lượng công việc lớn, số lượng đề tài nghiên cứu ngày càng tăng, với nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, nhiều đề tài có hàm lượng khoa học cao. Đặc biệt là các đề tài trọng điểm của Nhà nước, của Bộ, của Tổng cục.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy Viện xác định trước hết phải quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự, chủ trương, định hướng về khoa học của Đảng vào công tác nghiên cứu và xây dựng Viện. Xây dựng hệ thống tổ chức của Viện theo hướng chính quy, vững mạnh toàn diện, phù hợp với tình hình nhiệm vụ, yêu cầu phát triển của Quân đội và của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ khoa học có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Đây đang là thế mạnh của chúng tôi, vì hiện nay, tỷ lệ cán bộ khoa học có trình độ sau đại học trong Viện rất cao, rất nhiều đồng chí là chuyên gia cao cấp, đầu ngành trong lĩnh vực của mình.
Một điểm nữa là xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học cần chú trọng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quán triệt tốt phương châm “Thiết thực-khả thi-chất lượng-kịp thời-hiệu quả”. Kinh phí nghiên cứu bao giờ cũng là bài toán khó, Viện chỉ có thể giải bài toán ấy bằng tinh thần chủ động, sáng tạo của các cán bộ khoa học. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định, song song với nhiệm vụ chuyên môn phải coi trọng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị. Thực tế cho thấy, các tổ chức Đảng-chính quyền, các tổ chức quần chúng được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả là điều kiện quyết định đến chất lượng nghiên cứu khoa học. Trong sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Quân đội ta, ngành công nghiệp quốc phòng đang có những bước phát triển nhanh chưa từng thấy. Chúng tôi tin tưởng, đó là cơ hội để Viện Công nghệ ngày càng có nhiều đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng; góp phần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HỒNG HẢI – VIỆT CƯỜNG – THU HƯƠNG (thực hiện)

No comments:

Post a Comment