Theo đánh giá tổng kết công tác quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành tràn lan các loại quy hoạch này không chỉ gây tốn kém hơn 8.000 tỉ đồng cho kinh phí lập quy hoạch mà còn cản trở việc thu hút đầu tư và gây trở ngại cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các quy hoạch ngành, sản phẩm được ban hành rất nhiều cho thời kỳ 2011-2020.
Số liệu rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có sự tăng vọt về số lượng quy hoạch được ban hành trong những năm gần đây, thời kỳ 2011-2020 cả nước có 12.680 quy hoạch mới, tăng gấp bốn lần so với thời kỳ 2001-2010. Lý giải nguyên nhân cho hiện tượng rất bất bình thường này là:
Thứ nhất, quy hoạch được coi là một công cụ quản lý của Nhà nước đã được hiến định tại bản Hiến pháp 2001, nên mặc nhiên các cơ quan nhà nước sử dụng công cụ này để quản lý ngành, lĩnh vực được phân công.
Ví dụ: Bộ Xây dựng đang triển khai 52 loại quy hoạch như quy hoạch khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vùng tỉnh, quy hoạch phát triển vật liệu gốm, sứ xây dựng và đá ốp lát, quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng...
Bộ Công Thương đang triển khai 33 loại quy hoạch từ quy hoạch hạt nhân, quy hoạch bậc thang thủy điện, đến quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh LPG, quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch kết cấu hạ tầng thương mại, quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương, quy hoạch hạ tầng bán lẻ sản phẩm rượu địa phương, quy hoạch mạng lưới mua bán thuốc lá, quy hoạch tổng thể phát triển ngành rượu - bia - nước giải khát tỉnh...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đang triển khai 31 loại quy hoạch như quy hoạch ngành nghề nông thôn cấp tỉnh, quy hoạch tổng thể nuôi, chế biến cá tra địa phương, quy hoạch vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, quy hoạch phát triển tàu cá...
Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý 29 loại quy hoạch như: quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng viễn thám...
Bộ Giao thông Vận tải thì quản lý 14 loại quy hoạch như quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển, quy hoạch mạng lưới tổ chức sự nghiệp dịch vụ công...
Nhìn vào danh mục các quy hoạch do các bộ, ngành quản lý cho thấy bất kể ngành nghề nào thuộc bộ quản lý cũng được quy hoạch và có xu hướng tăng rất nhanh các quy hoạch mới vì các bộ luôn có lý do là cần công cụ quy hoạch để quản lý nhà nước.
Thứ hai, khái niệm quy hoạch chưa được xác định thống nhất ở một văn bản pháp lý nào, nên cơ quan nào cũng có thể dùng quy hoạch để áp dụng làm biện pháp quản lý, mà không quan tâm đến việc đã xác định đúng bản chất của công cụ đó là gì. Vì thế, đến nay sau khi hàng vạn văn bản về chiến lược phát triển, quy hoạch ra đời, vẫn không phân biệt được sự khác biệt giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành và khi nào thì dùng công cụ quản lý nào cho phù hợp.
Ví dụ: quy hoạch vận động viên các môn thể thao, chú trọng các môn thể thao thuộc chương trình thi đấu Đại hội thể thao Olympic hay quy hoạch phát triển thể dục thể thao quần chúng địa phương do Bộ Văn hóa
- Thể thao và Du lịch quản lý, hoặc quy hoạch phát triển hải quan do Bộ Tài chính quản lý, quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp quản lý thực chất là các kế hoạch phát triển một lĩnh vực trong một giai đoạn, không hề gắn với phát triển về không gian, lãnh thổ, hạ tầng.
Thứ ba, việc phát triển công cụ quy hoạch có ý nghĩa rất thiết thực đối với hiệu quả quản lý của các bộ. Nhờ có quy hoạch mà các dự án trong lĩnh vực đó được thu xếp vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là các dự án về cơ sở hạ tầng, mà hầu hết là các dự án lớn, cần nhiều vốn đầu tư, nhưng rất khó thu hút vốn tư nhân vì tính hiệu quả kinh tế khó bảo đảm. Trong khi các bộ luôn thuyết minh về sự cần thiết của dự án vì dự án được đưa vào quy hoạch đã được phê duyệt, nên bắt buộc phải thực hiện.
Cũng nhờ có quy hoạch mà các bộ dễ quản lý hơn bằng cách coi quy hoạch là điều kiện tiên quyết để cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân công quản lý. Vì thế việc cấp phép của bộ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần nhìn danh mục dự án trong quy hoạch để cấp phép, mà không chú trọng đánh giá tính hiệu quả của dự án. Thế nhưng khi có dự án mới xuất hiện không có trong quy hoạch thì thủ tục xin-cho vào quy hoạch ra đời, nhưng chưa bao giờ minh bạch về điều kiện để hoàn thành thủ tục này.
Thứ tư, hàng chục ngàn quy hoạch do các địa phương ban hành thực chất là sự chép lại, trùng lặp các quy hoạch cấp bộ. Những quy hoạch sao chép đó đang là các rào cản đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang phải “oằn mình” gánh chịu với rất nhiều chi phí về thời gian, tiền bạc và cơ hội kinh doanh.
Với những động lực ban hành các loại quy hoạch như vậy, thì việc loại bỏ bớt các quy hoạch không cần thiết, cản trở sự phát triển môi trường kinh doanh là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng nếu không có giải pháp ngăn lại sự phát triển tràn lan của các loại quy hoạch thì hậu quả sẽ ngày càng lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đến năm 2020 sẽ xây dựng xong quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia trên cơ sở sắp xếp lại, loại bỏ bớt quy hoạch và kể từ đó sẽ xây dựng lại hệ thống các loại quy hoạch từ đầu theo một trật tự và phù hợp với quy luật phát triển. Song đây là một việc cực kỳ khó, nếu không có sự thay đổi tư duy về quản lý nhà nước và quyết tâm hành động của bộ máy quản lý.
Minh Quang
|
Thursday, September 10, 2015
Rào cản mang tên quy hoạch
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 11/09/2015, http://www.thesaigontimes.vn/135431/Rao-can-mang-ten-quy-hoach.html, Với quyết tâm thanh lọc hơn 19.285 quy hoạch hiện hữu gây tốn kém, lãng phí lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực trình Chính phủ dự án Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, cuộc thanh lọc này cực kỳ khó khăn bởi vướng phải những quy định pháp lý ở 71 luật được Quốc hội ban hành và 73 nghị định của Chính phủ, chưa kể hàng chục ngàn quy hoạch do các bộ, địa phương quy định.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment