Một báo cáo của Bộ Tài chính tổng kết về mức thuế suất thuế tài nguyên đã phác thảo ra bức tranh tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.
Theo báo cáo này, tổng trữ lượng sắt đã được đánh giá và thăm dò của Việt Nam hiện nay khoảng 1,3 tỉ tấn. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng quặng sắt cho ngành luyện kim trong nước năm 2015 khoảng 7,2 triệu tấn, năm 2020 khoảng 18 triệu tấn, năm 2025 khoảng 32 triệu tấn.
Bên cạnh đó, trữ lượng quặng titan khoảng 650 triệu tấn (với khoảng 78 triệu tấn zircon), trong đó trữ lượng quặng titan có thể huy động vào khai thác khoảng 440 triệu tấn (với khoảng 52 triệu tấn zircon).
Vàng có tổng trữ lượng khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn.
Tổng trữ lượng tài nguyên wonfram và antimoan tương ứng khoảng 195 ngàn tấn và 67 ngàn tấn. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng trong nước giai đoạn tới (2015-2025) khoảng gần 1.000 tấn/năm đối với wonfram và 1.980 tấn/năm đối với antimoan.
Quặng đồng có trữ lượng ước tính khoảng 1 triệu tấn. Dự báo nhu cầu đồng đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 156.000 tấn/năm.
Trữ lượng quặng niken khoảng 4,5 triệu tấn và được tập trung chủ yếu tại mỏ niken Bản Phúc (tỉnh Sơn La). Do việc đầu tư xây dựng nhà máy luyện kim niken là không khả thi vì vốn đầu tư một nhà máy lớn (phải có trữ lượng niken từ 18 triệu tấn trở lên mới nên xây dựng nhà máy luyện kim niken). Hiện cả thế giới có 12 nhà máy luyện kim niken. Do đó, tại Việt Nam, niken được khai thác đưa vào sản xuất, chế biến để xuất khẩu (năm 2014, sản lượng tinh quặng niken xuất khẩu khoảng 74.800 tấn với kim ngạch khoảng 87,3 triệu đô la Mỹ, số thu thuế xuất khẩu khoảng 375,6 tỉ đồng). Theo dự báo, nhu cầu trong nước về niken năm 2020 khoảng 5.300 tấn và năm 2025 có thể lên tới 6.700 tấn.
Bên cạnh đó, nhôm, bauxite thì khai thác không có lãi. Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có lãi vào các năm 2018 và 2021, tức là triển vọng rất mong manh.
Còn với than, từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam là nước xuất khẩu than. Kể từ năm 2013 kim ngạch xuất khẩu than giảm mạnh do nhu cầu than trong nước tăng, đặc biệt phục vụ nhu cầu đốt than để sản xuất điện. Năm 2014, lượng than đá xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn, dự kiến năm 2015, 2016 xuất khẩu khoảng trên 1 triệu tấn. Hơn nữa, lũ lụt chưa từng có vừa qua ở Quảng Ninh báo động hệ lụy phải trả khi khai thác than triền miên, không chú ý đến môi trường, trong nhiều thập kỷ qua.
Như vậy, bức tranh này cho thấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà người Việt Nam còn lại chẳng bao nhiêu. Ngay cả nguồn tài nguyên có lợi thế, khai thác giá rẻ là than cũng đã bắt đầu cạn kiệt. Hơn nữa, đại đa số các mỏ tài nguyên cũng đã được cấp phép khai thác.
Những điều này cho thấy, tài nguyên không phải là vô tận, và mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên không thể bền vững.
Bộ Tài chính thống kê những nguồn tài nguyên trên với mục đích phải tăng thuế tài nguyên để bù đắp hụt thu ngân sách. Nhưng cách này không bao giờ hiệu quả bởi doanh nghiệp chịu nặng thế, phí thì không còn động lực đầu tư, khai thác tài nguyên.
Ngân sách phải được xem xét từ góc độ chi. Ở góc độ này, có hai nguyên tắc vàng đang bị phớt lờ. Đó là chi luôn cao hơn thu, làm bội chi ngày càng tích tụ; và chi phát triển ngày càng theo tóp trong khi chi thường xuyên ngày càng rộng mở.
Rừng không còn vàng, biển không còn bạc, và ngân khố quốc gia ngày càng khó khăn. Đâu là lối thoát cho tình thế khó khăn này?
Tư Giang
|
Thursday, September 10, 2015
Rừng còn vàng, biển còn bạc?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 10/09/2015, http://www.thesaigontimes.vn/135494/Ru%CC%80ng-co%CC%80n-va%CC%80ng-bie%CC%89n-co%CC%80n-ba%CC%A3c.html, “Đất nước ta rừng vàng, biển bạc” - nhiều thế hệ người Việt Nam đã được dạy như thế, và tin như thế. Song, liệu nguồn lực này có thực sự như vậy, nhất là khi nền kinh tế phải dựa vào khai thác tài nguyên thô nhiều thập kỷ nay?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment