Sunday, November 30, 2014

'Hậu duệ, quan hệ' và những người 'không ở đâu'

Báo VietNamNet, ngày 1/12/2014,    http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/209429/-hau-due--quan-he--va-nhung-nguoi--khong-o-dau-.html,     - Đáng tiếc, với cái nhìn chung của xã hội chúng ta hiện nay, những người "không ở đâu cả" đó hoàn toàn không dễ sống.

Nỗi ám ảnh làm 'ở đâu đó'
Thời đại học, tôi học một trường thuộc loại quý tộc của thành phố, tỉ lệ sinh viên "nhà có điều kiện" chiếm đa số, và đặc thù ngành học là ngành ra trường cần có quan hệ, có "thế". Nhiều bạn sau này cũng có những vị trí tốt trong hệ thống cơ quan Nhà nước. Cá biệt cũng có những bạn cố phấn đấu thi bằng được vào cơ quan Nhà nước để kiếm suất đi học nước ngoài, nhưng khi về nước lại... "chuồn" ra làm ngoài cho lương cao.
Ngày hội trường, không thiếu những "cái bụng" bệ vệ, những mái tóc chải bóng mượt, những chiếc sơmi hàng hiệu viền vàng ở góc cổ áo và hàng khuy, đôi cài măngsét cũng vàng thật... Thêm cái chìa khóa điều khiển Mercedes, BMW đeo lủng lẳng ở thắt lưng là "đủ bộ". Và câu cửa miệng của họ là "Bây giờ làm ở đâu?", còn câu giới thiệu thì bao giờ cũng là "tổng nọ, vụ kia, thứ chỗ nọ, trợ chỗ kia..."
Từ những cuộc hội ngộ và trải nghiệm khác, tôi thường mang máng một suy nghĩ, là dường như cái mong mỏi phải có một chỗ "ở đâu đó" là ám ảnh thường trực với người Việt.
Chẳng hạn, một trong những mối lo của các ông bố bà mẹ hiện nay khi có con đi học, từ bé đến lớn, là "lo" cho con sau này "phải vào làm ở đâu đó", mà cái "đâu đó" với rất nhiều người được mặc định là "trong Nhà nước"! Nó dường như là nỗi lo xuyên suốt, từ lúc các bậc phụ huynh đẩy đổ cổng trường tiểu học cho đến khi qua các mốc THCS, THPT và đại học.
Bản thân người viết từng biết và nghe không hiếm các trường hợp "chạy" vào một vị trí nào đó trong cơ quan Nhà nước, nhất là các sở ban ngành ở các địa phương, tốn kém lên đến hàng trăm triệu đồng. Các viên chức đó, chấp nhận làm việc với một mức lương thực sự khiêm tốn với mức sống của xã hội hiện nay. Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy phần lớn các vị trí công việc này nhìn chung không hứa hẹn mấy bổng lộc.
Với những trường hợp đó, thường là những người đã có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, chuyện đồng lương với họ không thành vấn đề. Cái họ cần, là việc phải có được một chỗ làm "ở đâu đó" - mà tuyệt vời nhất là cơ quan Nhà nước, tiếp đến là các DNNN.
Một suy nghĩ khá phổ biến khác coi học hành là con đường tiến thân duy nhất, mà ở đây là học để ra làm quan cho "cả họ được nhờ", ăn rễ quá sâu trong xã hội ta nói chung. Mà muốn làm quan, thì chỉ có đi làm trong cơ quan Nhà nước.
hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, con cháu các cụ, sân bay Tân Sơn Nhất, sự cố mất điện, công chức, cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền, DNNN, biên chế, lương, bổng lộc
Ảnh minh họa
Chúng ta không bài xích việc làm việc trong cơ quan Nhà nước hay tư nhân, hay buộc phải tôn vinh những người làm việc tự do.
Nhưng ngẫm lại, nhiều người trong chúng ta dường như vẫn thích dựa dẫm vào một chỗ nào đó, để vừa tự ru mình, vừa đem lại cái oai oách với người xung quanh. Cũng vì đã quá lâu chúng ta quen dựa dẫm và ỷ lại sự bao bọc từ một ai đó, bé là bố mẹ và lớn là cơ quan, là Nhà nước.
Vì thế nên mới có chuyện đem vài trăm triệu để "chạy" vào một chỗ làm trong DNNN, mà không nhớ ra rằng lâu nay nơi đây không còn là Nhà nước như trước nữa. Nghĩa là không có "biên chế", tất cả tuyển dụng thông qua hợp đồng lao động, hoàn toàn có thể chấm dứt bất cứ lúc nào theo luật lao động.
Thời điểm những năm 2010 này, chúng ta hiểu rằng Nhà nước không thể bao bọc được mãi một lượng công chức lớn như thế, thì chúng ta vẫn cố gắng ỷ lại vào danh tiếng "làm quan" cho nó oai. Điều đó đồng nghĩa với việc, vốn có truyền thống giỏi xoay sở đặc thù của người Việt, chúng ta kiếm tiền bằng những cách "phi lương bổng". Nhưng một bộ máy mà đang phải đối mặt với sức ép giảm biên chế, thì liệu oai với ai được?
Những người "không ở đâu cả"
Vài ngày nay nổi lên câu chuyện đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất bị mất điện. Sau phân tích của chuyên gia, người ta đang đặt câu hỏi liệu sự cố không phải do hệ thống lưu điện (UPS) trục trặc, mà chính là do yếu tố con người. Bộ trưởng GTVT đã phát biểu sẽ không có "vùng cấm" trong xử lý nếu có cán bộ vi phạm. Nhưng làm thế nào để ngoài những người vi phạm, còn kiểm tra được năng lực các nhân viên đã và đang làm việc lâu nay, khi mà ngay cả người từng có chức vị ở đó, cũng thừa nhận hiện tượng "con ông cháu cha"?
Còn mới đây, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đã chỉ ra tình trạng chạy chức, chạy việc ngày càng lộ diện rõ hơn và có nơi còn như công khai "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ". Và đáng buồn, tiêu chí "trí tuệ" được xếp cuối cùng.
Người viết bài này có một số bạn người Mỹ, họ nói: người Mỹ rất coi trọng những người làm việc độc lập: nhà nghiên cứu độc lập, luật sư tự do, người làm việc tự do (freelancer)... Vì những người như thế người ta đủ tài năng để không cần dựa dẫm vào ai. Họ cũng coi trọng chủ doanh nghiệp, vì đó là lực lượng tạo ra công ăn việc làm đem lại sự thịnh vượng cho XH.
Quay trở lại VN, nếu như chúng ta gọi những người đang lao động trong cơ quan Nhà nước, DNNN hoặc kể cả doanh nghiệp tư nhân là "những người đang làm việc ở đâu đó", thì những người làm việc tự do phải chăng cần gọi là những người làm việc "không ở đâu cả"?
Đáng tiếc, với cái nhìn chung của xã hội chúng ta hiện nay, những người "không ở đâu cả" đó hoàn toàn không dễ sống. Cửa ải đầu tiên chính là sức ép của người thân, gia đình, họ hàng... mọi người khó có thể tưởng tượng ra có thể có một người nào đó có thể thành công hay thành đạt được, với cái công việc "không ở đâu cả" đó. Còn rào cản từ tâm lý, cơ chế chung của xã hội thì như người viết đã chỉ ra ở trên.
Nhưng xã hội và cả thế giới vẫn đang vận động và phát triển, muốn hay không thì vẫn có những người thích tự do và những người muốn bám vào "một chỗ nào đó ổn định". Do vậy cũng có quá nhiều lý do mà người ta đang rời bỏ cơ quan Nhà nước, cũng như những lý do để "phải vào bằng được cơ quan Nhà nước" - cả hai dòng lý do đều có sức nặng như nhau. Và chừng nào tư duy dựa dẫm còn tồn tại nó vẫn sẽ là "mảnh đất" tốt cho sự ì trệ, chậm tiến sinh sôi, nảy nở!

No comments:

Post a Comment