Friday, October 3, 2014

Tiền đồng lên giá

(TBKTSG), Ngày 2/10/2014,    http://www.thesaigontimes.vn/120730/Tien-dong-len-gia.html,         Tháng trước nhân viên kinh doanh ngoại hối của Eximbank tư vấn cho khách hàng: “Nếu chị không cần phải gửi tiền gấp cho con thì đừng mua euro vội. Giá đồng euro có khả năng sẽ còn xuống, sắp chạm ngưỡng 1,29 đô la Mỹ/euro”. Ngày hôm ấy tỷ giá đô la Mỹ so với euro còn ở mức 1.327, tương đương 28.170 đồng/euro, kết thúc tuần rồi, nó đã rơi về 1,2684, tức gần 27.000 đồng/euro. Người khách hàng gửi tiền cho con du học ở châu Âu đang có lợi.


Cuối tuần trước, tiền đồng đã lên giá 7,5% so với đồng euro. Ảnh: Kinh Luân.
Những người hưởng lợi
Không chỉ cá nhân đi du lịch, du học, chữa bệnh... ở nước ngoài, mà cả các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp đang có khoản vay bằng đồng ngoại tệ mạnh, các khoản nợ của Chính phủ bằng đồng yen, euro, bảng Anh... đang được hưởng lợi trực tiếp từ sự lên giá của tiền đồng.
Công ty Xi măng Bỉm Sơn (BCC-Hose) có khoản vay 64,6 triệu euro để đầu tư dây chuyển sản xuất. Theo báo cáo tài chính bán niên 2014 đã soát xét, kể từ khi vay đến ngày 30-6-2014 khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh lũy kế của BCC lên tới 349 tỉ đồng và công ty buộc phải phân bổ vào chi phí tài chính hàng năm từ năm 2009 đến tháng 6-2014 tổng cộng 250 tỉ đồng. Phần còn lại gần 100 tỉ đồng BCC dự kiến sẽ phân bổ nốt trong sáu tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, với sự mất giá của euro so với tiền đồng, công ty chắc chắn sẽ giảm được lỗ chênh lệch tỷ giá.
Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) luôn lưu ý cổ đông và nhà đầu tư rằng lợi nhuận của họ có thể biến động tăng/giảm 545 tỉ đồng mỗi năm nếu đồng yen biến động cộng trừ 10%. Chẳng là PPC có khoản nợ 26 tỉ yen vay từ năm 2006. Sáu tháng đầu năm nay công ty phải trích lập dự phòng rủi ro 248 tỉ đồng cho sự lên xuống của đồng yen. Nay đồng yen mất giá, chín tháng đầu năm PPC dự kiến sẽ được hoàn nhập dự phòng khoản trên, cộng với 165 tỉ đồng dôi ra do đồng yen hiện đã trượt giá thấp hơn cả mức cuối năm ngoái.
Bản tin nợ công của Bộ Tài chính công bố những năm 2011-2012 cho thấy tổng các khoản nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng đồng yen, euro lên đến hàng tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 15-25% tổng nợ (con số hiện có thể thay đổi vì các bản tin nợ công gần đây không cập nhật tỷ lệ này). Việc trả nợ của Chính phủ có lợi tích cực khi những khoản trả được quy đổi ra đồng tiền Việt.
Trong quan hệ thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu thanh toán bằng các ngoại tệ mạnh chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch. Nhiều loại máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu Việt Nam nhập khẩu từ châu Âu và được các ngân hàng khu vực đồng euro tài trợ tín dụng sẽ có giá thành thấp hơn (thuê và mua máy bay Airbus là ví dụ điển hình). Ngược lại, xuất khẩu hàng may mặc, thủy hải sản, nông sản sang châu Âu đang ở trong vị thế phải cạnh tranh nhiều hơn nếu các đơn hàng xuất được thanh toán bằng đồng euro. Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Nhật cho biết họ không “thích” đồng yen mất giá (tất nhiên rồi!) vì dù đồng tiền thanh toán là đô la Mỹ, họ vẫn bất lợi. Lý do là các nhà bán lẻ tôm địa phương không thể tăng giá bán, nên nhà xuất khẩu phải chia sẻ khó khăn với các đối tác phân phối hàng.
Tiền đồng ở thế thượng phong
Trong vòng chưa đầy ba tháng, đặc biệt trong tháng 9-2014, tiền đồng đã lên giá chưa từng thấy so với tất cả các ngoại tệ mạnh trừ đô la Mỹ. Ngày cuối cùng của quí 2-2014, một euro chuyển khoản được các ngân hàng niêm yết bán ra xung quanh 29.200 đồng, đến ngày 27-9-2014 còn 27.000 đồng, tức giảm 7,5%. Nói cách khác tiền đồng lên giá 7,5% so với euro. Tình trạng đối với các đồng tiền khác cũng tương tự: cùng thời gian trên đồng Việt Nam lên giá 7,52% so với yen Nhật; +7,1% so với đô la Úc; +4,5% so với đô la Canada và +4,92% so với bảng Anh.
Tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ không thay đổi do nó được kiểm soát và ấn định thông qua việc Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá giao dịch liên ngân hàng hàng ngày, trong khi mối quan hệ giữa tiền đồng và các ngoại tệ mạnh lại được thả nổi và tham chiếu bởi tỷ giá đô la Mỹ/các ngoại tệ mạnh. Điểm này thể hiện rõ nhất tính chất thả nổi có kiểm soát của chính sách điều hành tỷ giá được cơ quan quản lý ngành ngân hàng thực thi bấy lâu nay.
Trong tương lai gần và xa, dự báo các ngoại tệ mạnh sẽ còn rớt giá so với đô la Mỹ khi thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất đô la Mỹ đang đến gần, chưa kể Mỹ dự định kết thúc chương trình nới lỏng định lượng QE vào tháng 10-2014. Quí 2 vừa rồi GDP của Mỹ đã tăng trưởng 4,6%, mức tăng nhanh nhất của một quí kể từ năm 2011. Hãng tin Bloomberg chỉ ra riêng trong tháng 9-2014 đồng yen đã sụt giá 4,8% so với đồng đô Mỹ. Ngân hàng Trung ương Nhật cam kết sẽ tiếp tục gói kích cầu nền kinh tế, bơm tiền mua tài sản, đẩy lạm phát về mức 2%/năm. Tỷ giá yen/đô la Mỹ chuẩn bị vượt mức 110 yen/đô la và không loại trừ khả năng 115 yen/đô la. Ở châu Âu, Bloomberg nhấn mạnh, người ta đang kỳ vọng 1 euro sẽ chỉ còn ngang bằng 1,2 đô la Mỹ.
Ở Việt Nam các ngoại tệ khác có vai trò yếu hơn hẳn so với đô la Mỹ. Liệu rồi đây khi đô la Mỹ lên giá trên thị trường tài chính toàn cầu, nó có thể mãi đứng yên so với tiền đồng? Câu trả lời nằm ở Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất trái phiếu còn rơi
Ghi nhận của TBKTSG tuần qua giá đô la Mỹ chuyển khoản bán ra của các ngân hàng tăng khoảng 25-30 đồng/đô la Mỹ so với tuần trước, từ 21.220 lên 21.245-21.250 đồng/đô la Mỹ. Sự biến động này rất không đáng kể. Nguyên nhân có thể do nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu khi nhập siêu nửa đầu tháng 9 vọt lên gần 1 tỉ đô la Mỹ và chênh lệch giá vàng nội-ngoại ở mức cao 5 triệu đồng/lượng, gần 13%.
Giá vàng thế giới giảm mạnh về sát 1.200 đô la Mỹ/ounce nhưng giá vàng trong nước chỉ giảm 100.000 đồng/lượng. Sự chênh lệch giá có thể khiến hoạt động gom đô la mặt để nhập lậu vàng gia tăng. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vàng đang thấp và Ngân hàng Nhà nước có đủ lực can thiệp ngay khi cần thiết.
Các tổ chức tín dụng vẫn đang cố gắng đẩy tiền ra. Lãi suất trái phiếu vẫn rơi. Khoảng 6.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 và 15 năm đã bán hết vào thứ Năm tuần trước với lãi suất giảm thêm 39 và 52 điểm phần trăm. Room cho trái phiếu 15 năm, theo Hnx, đã đầy. Thị trường trái phiếu dường như đang tiệm cận cảnh “trâu chậm uống nước đục”, tổ chức nào không nhanh tay bỏ thầu trái phiếu, sẽ không còn hàng để mua!
H.L

No comments:

Post a Comment