Ông là PGS-TS Lê Bửu, nguyên giám đốc Sở TDTT TP.HCM và tổng cục trưởng Tổng cục TDTT VN.
Kể từ cái hôm “bóng đá Sài Gòn xuống tận đáy”, tên ông bỗng dưng lại được nhắc đến nhiều. Người ta nhắc lại câu dặn dò của ông với người kế nhiệm ở chiếc ghế giám đốc Sở TDTT TP.HCM: Đừng chủ quan thấy các nơi khác về học tập cách làm của thành phố mà nghĩ rằng vị trí đầu đàn là bất biến. Phải luôn luôn tìm cái mới để phù hợp với thành phố năng động này.
Người ta cũng nhắc lại bài viết của ông trong cuốn Võ Văn Kiệt trong lòng trí thức (do Liên hiệp các Hội khoa học & kỹ thuật TP.HCM, NXB Văn Hóa Thông Tin xuất bản). Trong đó, ông cũng đề cập chuyện bóng đá TP.HCM nói riêng và thể thao TP.HCM nói chung đang sa sút trầm trọng. Nghĩa là ông không phải là người “tát nước theo mưa”, mà đã dự báo được câu chuyện đau buồn này từ sớm. Một câu chuyện mà ông khẳng định là “nhục không phải vì sự thắng thua của TP.HCM, mà nhục vì một thành phố có tiềm lực hàng đầu nhưng gần như không đóng góp được gì cho quốc gia trong lĩnh vực thể thao”.
Thể thao là “dân cường nước thịnh”
"Chúng ta hãy nhìn lại thực trạng sân bãi thể thao hiện nay ở TP.HCM như thế nào? Thật đáng buồn là mỗi ngày một teo tóp!" |
* Đau buồn, nhục, xấu hổ là những điều mà nhiều người đã nói. Ở đây chúng ta sẽ không quay lại chuyện cảm xúc nữa, mà chủ yếu phân tích nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sa sút của bóng đá nói riêng và thể thao nói chung của TP.HCM. Thậm chí đến cả thể thao VN hiện nay cũng có vấn đề, mà tại hội nghị phát triển thể thao VN mới diễn ra tại Hà Nội hôm 4-9 (sẽ còn một ngày tổ chức tại TP.HCM vào 8-9), nhiều người đã đề cập. Riêng trong mắt ông, đâu là nguyên nhân chính yếu?
* Ông Lê Bửu: Năm 1946, chưa đầy một năm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, đất nước chúng ta vẫn còn hết sức khó khăn. Lúc bấy giờ giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm là những mối hiểm nguy lớn của đất nước. Mặc dù vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức quan tâm đến thể thao. Người đã ký sắc lệnh số 14, ngày 30-1-1946 thành lập Nha Thể dục trung ương, khai sinh nền TDTT cách mạng.
Sở dĩ Bác hết sức quan tâm đến thể thao là vì trong mắt Người, thể thao là “dân cường nước thịnh”. Bên nước Nga (Liên Xô cũ), Lênin cũng cho rằng “sức khỏe nhân dân là tài sản quý nhất của quốc gia”.
Tôi cho rằng đó là kim chỉ nam cho sự phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà. Hướng thể thao đi lên chuyên nghiệp, phát triển kinh tế thể thao, đẩy mạnh việc xã hội hóa thể thao... là những phương thức nhằm phục vụ mục tiêu “dân cường nước thịnh”. Người dân có đam mê thể thao, rèn luyện thể thao thì mới có sức khỏe. Càng thu hút được người dân đến với thể thao càng nhiều, xã hội mới có sức đề kháng cao trước các tệ nạn.
Một khi nhận thức được như vậy thì ngành thể thao mới được đặt đúng vị trí quan trọng của nó, mới đầu tư chăm lo mạnh mẽ cho nó phát triển.
Tôi nhận thấy những người quản lý thể thao hiện nay đã không nhìn thể thao ở góc độ đó. Cứ nói đến thể thao là người ta nói đến chuyên nghiệp, mà nói đến chuyên nghiệp là nói đến tiền. Lúc nào cũng tiền và tiền thì không thể thuyết phục được ai cả.
* Ông thành công trên cương vị giám đốc Sở TDTT, rồi tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cũng nhờ bám theo kim chỉ nam “dân cường nước thịnh”?
- Đúng vậy. Năm 1994, phát biểu trước Chính phủ tôi đã nói “kinh tế phát triển nhưng xã hội không ổn định là vất tiền qua cửa sổ”, hay “không thể có công nghiệp hóa, hiện đại hóa nếu con người không có đạo đức, không có thể lực”. Mà thể thao chính là nhân tố quan trọng giúp xã hội ổn định, giúp con người có sức khỏe. Chính phủ lúc ấy đã hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, nên các đề xuất của tôi về phát triển cơ sở vật chất cho thể thao đã được nhanh chóng chấp thuận.
Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 274 về quy hoạch và sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp TDTT, một chỉ thị theo tôi là hết sức quan trọng. Trong chỉ thị này đã nêu rõ nghiêm cấm việc sử dụng đất đai đã được quy hoạch cho TDTT vào việc khác, hay rất coi trọng việc tăng cường cơ sở vật chất, diện tích sân bãi phục vụ việc luyện tập TDTT trong trường học.
Từ chỉ thị này, chúng ta hãy nhìn lại thực trạng sân bãi thể thao hiện nay ở TP.HCM như thế nào? Thật đáng buồn là mỗi ngày một teo tóp! Tôi xin đơn cử chuyện hơn 400ha đã được quy hoạch cho thể thao ở Rạch Chiếc, nhưng nay chỉ còn không đến 200ha! Nói tóm lại, thể thao đang đi trật đường ray và tôi nghĩ không chỉ TP.HCM mà cả nước cũng vậy.
Thể thao học đường quá lạc hậu
* Nhìn những quốc gia có nền thể thao phát triển, họ đều có một điểm chung là thể thao học đường rất mạnh. Còn thể thao học đường ở VN ông nhận thấy thế nào?
- Rõ ràng phải chấn chỉnh chuyện giáo dục thể chất trong nhà trường, một khâu rất quan trọng nhưng lại rất yếu hiện nay. Mọi người không thể hình dung được rằng hiện nay có tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên môn thể dục ở cấp II, cấp III; ở cấp I còn trắng. Những ai từng đi nước ngoài nhiều, tìm hiểu nhiều về nhà trường các nước sẽ thấy chúng ta lạc hậu như thế nào trong vấn đề giáo dục thể chất nội khóa, ngoại khóa trong trường học.
Bước vào trường học các nước tiên tiến, điều đầu tiên đập vào mắt chúng ta là sân bãi thể thao hiện đại, rộng lớn. Trong khi đó đại đa số trường học ở VN đều chỉ có một mảnh sân ximăng là cùng!
Tôi còn nhớ khi còn đương chức, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến đi thăm Đông Âu đã yêu cầu tôi tháp tùng. Ông bảo với tôi rằng sang bên ấy để tham quan, học hỏi người ta về áp dụng cho mình, và một khi các trường học của chúng ta chưa làm được những sân chơi thể thao phong phú thì sự nghiệp thể thao vẫn chưa đạt đến mục tiêu mong muốn.
* Theo ông, bây giờ phải làm gì để thay đổi?
- Theo tôi, phải nắn lại nhận thức về ngành thể thao cho đúng đắn. Nếu với quân đội là “vì nhân dân quên mình...”, với ngành công an là “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, thì ngành thể thao phải có phương châm của mình là “vì dân cường nước thịnh”. Phải nhận thức như vậy mới thấy được tầm quan trọng của thể thao, mới đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt cho thể thao, từ con người quản lý đến cơ sở vật chất, sân bãi. Xin lỗi, nhiều năm nay thể thao chỉ dừng lại ở chỗ tìm kiếm thành tích nên không đủ tầm để thuyết phục các cấp lãnh đạo.
Chỉ thị 274 có rồi, nên xem xét, đầu tư cơ sở vật chất cho người dân có điều kiện tập luyện TDTT. Nhà nước cần phải xem lại, chấn chỉnh tình trạng xâm lấn sân bãi, công viên phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý thể thao cũng cần phải thay đổi, đặt nó đúng vị trí quan trọng vốn có chứ đừng bắt đóng vai dự bị nữa. Cụ thể, thành phố nên thành lập hiệp hội các môn thể thao, mà người đứng đầu phải cỡ phó chủ tịch UBND TP.
Cuối cùng, tôi tha thiết mong lãnh đạo các cấp từ trung ương đến TP.HCM, nhân 40 năm thực hiện di chúc Bác và học tập rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hãy đặt ngành thể thao đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ chính trị của nó như Người đã nói và làm. Nghĩa là thể thao để “dân cường nước thịnh”, nhằm tập hợp quần chúng, góp phần ổn định xã hội, đẩy lùi các tệ nạn. Dựa trên nền tảng đó, tôi tin chắc thể thao sẽ phát triển như mong muốn.
Tâm và tầm Nói đến sự yếu kém của thể thao TP.HCM hiện nay, người ta thường nói đến hai chữ “tâm - tầm” ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngành này. Và khi nói đến “tâm - tầm”, người ta thường kể chuyện ông Lê Bửu dù là giám đốc sở TDTT, nhưng là người đầu tiên xông lên tàu Thống Nhất để đích thân khiêng cáng đưa kỳ thủ Mai Thanh Hương bị té chấn thương cổ khi dự Hội khỏe Phù Đổng tại Đà Nẵng trở về. Gia đình Hương lúc ấy đã khóc không chỉ vì hoàn cảnh con em mình, mà còn vì tấm lòng của ông giám đốc. Còn nói về chữ “tầm”, không ai có thể quên được câu chuyện ông thuyết phục lãnh đạo TP.HCM lúc bấy giờ tạm hoãn việc xây dựng hội trường Thành ủy, nhằm lấy số tiền đó xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng vào năm 1982. |
HUY THỌ thực hiện
No comments:
Post a Comment