Monday, September 29, 2014

Nợ xấu sẽ chưa tăng quá nhiều vì Thông tư 02

Thời báo Kinh tế Sài gòn, ngày 22/01/2014,   http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/109304/No-xau-se-chua-tang-qua-nhieu-vi-Thong-tu-02.html        Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ vẫn có hiệu lực từ ngày 1-6-2014, sau khi đã trì hoãn một năm. Tuy vậy, việc áp dụng này sẽ không làm nợ xấu tăng gấp 2-3 lần như dự báo, do một quy định quan trọng sẽ được điều chỉnh.


Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng dự kiến sẽ không tăng cao ngay sau thời điểm 1-6-2014 vì những sửa đổi của Thông tư 02 mới. (Ảnh: TBKTSG)
Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa ngày 22-1 tại TPHCM đã chia sẻ với TBKTSG Online rằng, việc nợ xấu khó tăng nhiều khi Thông tư số 02 có hiệu lực từ tháng 6 năm nay là do quy định về việc TCTD tự phân loại nợ xong thì phải gửi kết quả cho Trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) để phân loại lại, sau đó TCTD phải sử dụng kết quả phân loại của CIC sẽ được dời việc thực hiện. Cụ thể là quy định này tới ngày 1-1-2015 mới có hiệu lực, thay vì từ 1-6-2014 cùng với hiệu lực của Thông tư 02.
Một điểm mới nữa cũng được sửa đổi trong Thông tư 02 (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng) là các khoản nợ vi phạm quy định của pháp luật hoặc quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phải được phân vào nợ xấu. “Quy định này được xem xét chỉnh sửa phù hợp để đảm bảo nợ xấu phản ánh đúng mức độ rủi ro", ông Nghĩa nói với phóng viên.
Ông cũng thừa nhận việc Thông tư 02 thời gian qua dù chưa thực hiện song đã tác động đến thị trường. Các ngân hàng biết đó là việc NHNN cảnh báo rủi ro mạnh và đã thay đổi tâm lý.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ đưa thông tư hiệu lực theo đúng lộ trình từ 1-6-2014. Thông tư 02 sẽ sớm ban hành để giúp các ngân hàng trong và sau tái cấu trúc hoạt động lành mạnh hơn”, vẫn theo lời ông Nghĩa.
Một điểm mới ông chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã yêu cầu các tổ chức tín dụng không nằm trong kế hoạch tranh tra cũng phải kiểm toán về chất lượng tín dụng theo nội dung cơ quan này đặt ra. Đây là lần đầu tiên việc này được thực hiện.
Chia sẻ với các phóng viên tại cuộc gặp tại Ngân hàng Nhà nước TPHCM chiều ngày 22-1, ông Nghĩa nói: “Gần hai năm qua chúng ta đã đi qua vòng một, tập trung vào xử lý những vấn đề quan trọng nhất trong ngân hàng yếu kém. Năm 2014 chúng tôi tập trung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị trong nhóm này không cao và ảnh hưởng đến hệ thống bởi họ cũng huy động tiền gửi từ dân cư. Nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đã góp vốn vào nhóm tổ chức tín dụng này và chúng tôi cũng có kế hoạch phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi đây”.
Đáng chú ý, ông cho biết nhu cầu về đầu tư kinh doanh ngân hàng Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Cơ quan này đã nhận được nhiều đề nghị của nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu, lập chi nhánh ngân hàng Việt Nam, đầu tư vào các ngân hàng yếu kém.
Tại Thông tư 02(chưa sửa đổi), NHNN yêu cầu ít nhất mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu của tháng đầu tiên mỗi quý, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quy trước và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). CIC có trách nhiệm tổng hợp và cung cấp lại cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài danh sách khách hàng có nhóm nợ ở mức độ rủi ro cao nhất để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Ngoài ra, NHNN còn yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với phạm vi hoạt động và tình hình thực tế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hồng Phúc

No comments:

Post a Comment