Wednesday, September 17, 2014

Nguyễn Trọng Hiền và tiếng khóc trên đất Mỹ

Báo Tuổi Trẻ ngày, 23/03/2014,    http://tuoitre.vn/Giao-duc/Khoa-hoc/599437/nguye%CC%83n-tro%CC%A3ng-hie%CC%80n-va%CC%80-tie%CC%81ng-kho%CC%81c-tren-da%CC%81t-my%CC%83.html#ad-image-0     “Tôi đã núp sau cánh cửa để khóc”, Nguyễn Trọng Hiền tâm sự như vậy về những ngày đầu chật vật trên đất Mỹ. Từ tuyệt vọng, chàng sinh viên VN đã tốt nghiệp ĐH, lấy bằng tiến sĩ rồi trở thành khoa học gia tại NASA.


696994
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi trẻ nhân sự kiện gặp gỡ Việt Nam, ảnh: Hoa Khá


Chưa hết, hôm 17-3 công bố gây chấn động giới khoa học thế giới: Phát hiện về sóng hấp dẫn của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm thiên văn Harvard - Smithsonian (Mỹ) mà ông là thành viên đã được đánh giá “xứng đáng giải Nobel”.
Trung tuần tháng 8-2013, khi tham dự chương trình “Gặp gỡ VN”, một nhà khoa học đã “bỏ nhỏ” với phóng viên Tuổi Trẻ rằng nhóm nghiên cứu của ông đang đeo đuổi một dự án thí nghiệm về bức xạ nền rất thú vị ở Nam cực mang tên BICEP2, khi nào có kết quả ông sẽ thông báo.
Nửa năm sau, giữa tháng 3-2014, khi thế giới chấn động trước sự kiện các nhà khoa học thuộc dự án BICEP2 công bố đã phát hiện hình ảnh của sóng hấp dẫn, Tuổi Trẻ cũng nhận được tin mừng từ chính ông.
Ông là TS Nguyễn Trọng Hiền - giám sát viên nhóm thiết bị thiên văn, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của phân ban vật lý thiên văn thuộc Phòng thí nghiệm phản lực (Jet Propulsion Laboratory - JPL) NASA, thành viên dự án nghiên cứu BICEP2.
 Khóc vì tuyệt vọng
Sinh ra tại Đà Nẵng, ngay khi còn nhỏ, Nguyễn Trọng Hiền đã rất mê môn vật lý mà không hiểu tại sao. Đến bây giờ, ông lý giải có lẽ sức mạnh của việc tìm lời giải đáp cho những hiện tượng diễn ra xung quanh, dù là rất mơ hồ, như tại sao Trái đất quay quanh Mặt trời, và cũng có lẽ vì qua sách vở ông biết ngành vật lý có những con người rất cao cả, đẹp đẽ. Tháng 3-1981 Nguyễn Trọng Hiền đã cùng gia đình sang Mỹ.
Khi đặt chân lên đất Mỹ, trước những câu hỏi của mọi người rằng “sẽ làm gì?”, Nguyễn Trọng Hiền đều tự tin khẳng định: “Sẽ làm tiến sĩ nghiên cứu về vật lý”.
Thế nhưng, chặng đường này của ông gian nan hơn những gì ông đã nghĩ.
TS Hiền kể: “Hai năm đầu đại học, tôi không học thêm được gì, chủ yếu vẫn là những kiến thức đã có tại VN vì vốn tiếng Anh yếu quá. Một lần bước ra từ phòng thi vào thư viện, tôi đã núp sau cánh cửa để khóc”.
Đây là lần đầu tiên trong đời Nguyễn Trọng Hiền đã khóc, khóc vì tuyệt vọng, vì thấy những điểm mạnh trước đây của ông không còn, khóc vì thấy rằng chặng đường đi đến ước mơ trở nên xa vời vợi vì rào cản ngôn ngữ...
Rồi những khó khăn cũng được khắc phục, Nguyễn Trọng Hiền tốt nghiệp khoa vật lý Trường đại học Berkeley.
Ông tiếp tục theo học lên bậc tiến sĩ tại Đại học Princeton với chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ và là người VN đầu tiên nhận bằng tiến sĩ tại đại học này.
Sau đó ông làm việc tại NASA với cương vị khoa học gia nghiên cứu chuyên sâu của phân ban vật lý thiên văn, phòng thí nghiệm phản lực.
Vẫn chọn vật lý
TS Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ nếu phải lựa chọn lại, ông vẫn chọn ngành vật lý vì vật lý càng nghiên cứu càng thấy thú vị. “Nếu có thời gian ngồi một chỗ quan sát sẽ thấy đời sống vật lý xung quanh rất thú vị.
Chẳng hạn, nếu ngồi ở ngọn đồi này, thấy đám cháy ở ngọn đồi bên cạnh, một người bình thường sẽ thấy đám cháy lan đi rất nhanh.
Nhưng với nhà vật lý, họ sẽ biết được đám cháy này sẽ lan đi hướng nào, với tốc độ bao nhiêu; hay như với chuyện một võ sư bay từ mặt đất lên mái nhà, nhà vật lý sẽ tính toán và biết ngay điều này là không thể”.
Về thực trạng nghiên cứu khoa học của giới trẻ trong nước, TS Hiền cho rằng vẫn còn một bộ phận giới trẻ rất đam mê khoa học.
Điều cần thiết là xã hội có tạo cơ hội cho họ tiếp tục sự đam mê ấy với những nghiên cứu khoa học hay không. Có thể vì thiếu cơ hội nghiên cứu nên họ buộc phải chuyển sang những hướng khác chứ không phải thiếu đam mê khoa học.

H.NHUNG
 

 

No comments:

Post a Comment