Thursday, September 18, 2014

Không ai phụ thuộc ai!

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 10/6/2014,       http://www.thesaigontimes.vn/115830/Khong-ai-phu-thuoc-ai!.html,        Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Trung Quốc ngừng tất cả các hoạt động giao thương và đầu tư, là lo ngại của nhiều người khi cho rằng đó sẽ là hệ quả nếu Việt Nam kiện Trung Quốc?

Trung Quốc cần nhập khẩu gạo từ Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực cho chính họ. Ảnh: Trung Chánh 


Vào ngày 22-1-2013, Philippines đã gửi đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài của Liên hiệp quốc theo những quy định của Công ước luật biển 1982 mà hai nước là thành viên. Nhưng ngay từ trước đó vài năm, khi người Philippines bắt đầu lên tiếng về khả năng khởi kiện, Trung Quốc đã ra tay trước đó. Đầu năm 2012, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu lên tiếng về tình trạng nhiễm thuốc trừ sâu trong các hoa quả nhập khẩu từ Philippines, điều mà phía Philippines luôn phủ nhận. Kết cục là hàng ngàn container chuối của Philippines bị thối rữa ở các cảng của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ tới 30% lượng chuối của Philippines. Hàng loạt các loại hoa quả khác cũng lâm vào cảnh tương tự.
Kể lại câu chuyện này trong phiên thảo luận nhân hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014 tổ chức ở Manila gần đây, khi được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đặt câu hỏi về chủ đề này, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Gregory Domingo đáp rằng, phía Trung Quốc không cấm hẳn chuối, hay các hoa quả khác, lúc họ cấm, lúc không. “Hệ lụy là nông dân quay sang phản đối chính phủ khi không xuất được chuối. Điều này gây rối loạn ngay trong nội bộ của Philippines”, ông kể lại.
Câu hỏi đặt ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Trung Quốc ngừng tất cả các hoạt động giao thương và đầu tư, hay ít nhất là tạm ngừng một số chương trình trao đổi song phương như người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố ngày 18-5?
Trong tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng tiêu dùng cuối cùng chiếm gần 10%; thiết bị máy móc chiếm 30%; và hàng trung gian bao gồm linh kiện, nguyên vật liệu khoảng 60%. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư thứ 9 về vốn FDI tại Việt Nam.
Nguồn: TS. Võ Trí Thành
Tính toán sơ bộ từ các chuyên gia kinh tế, của các viện nghiên cứu cho biết, nếu Việt Nam giảm xuất khẩu 10% từ thị trường này, thì tăng trưởng có thể giảm 1% tương ứng. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết rõ thêm trong tuần trước, kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP trong năm nay đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88%, theo giá cố định năm 2010. Tỷ lệ tăng trưởng sụt giảm này là đáng lo ngại, nếu so với dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ là 5,5-5,6% của WB và ADB đưa ra đầu tháng 4 vừa rồi.
Tuy vậy, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những người phản biện báo cáo của VEPR, tỏ ra tự tin: “Các kịch bản đó được đưa ra với giả định, điều đó (đóng băng thương mại, đầu tư) xảy ra”. Ông phân tích, một nửa trong khoảng 60% là hàng trung gian là của các doanh nghiệp FDI, và gắn với các mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Ông cho rằng các chuỗi cung ứng, sản xuất này không dễ bị phá vỡ kể cả trong trường  hợp Trung Quốc đơn phương đóng cửa biên giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể nhập khẩu nguyên vật liệu qua Asean, hay từ các quốc gia khác, dù với chi phí có thể cao hơn. “Vấn đề là ở chỗ, Trung Quốc vẫn phải thực thi các cam kết như WTO, và Asean + Trung Quốc. Họ không dễ gì làm thế”, ông nói.
Còn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, tin rằng Trung Quốc không dễ gì cấm biên. “Trung Quốc cần nhập khẩu gạo từ Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực cho chính họ”, ông nói. Ông cho rằng, đây là cuộc chơi mà hai bên đang nhìn nhau, nếu tình  hình kinh tế xấu đi, thì xấu cho cả Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, thú y vaccin, giống cây trồng vật nuôi. Bên cạnh đó, họ cần đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản. “Điều này cũng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu kinh tế của chúng ta và của ngành nông nghiệp nói riêng. Chúng ta phải nhắm vào thị trường khó tính hơn, đòi hỏi giá trị gia tăng cao hơn”.
Theo ông Trương Đình Tuyển, cố vấn về hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ, sáu hiệp định kinh tế mà Việt Nam đang đàm phán, trong đó đặc biệt là TPP và FTA với EU, sẽ tạo một không gian kinh tế “chưa từng có” cho Việt Nam. Không gian kinh tế mà các hiệp định này mang lại chiếm khoảng 80% GDP toàn cầu, 95% thương mại quốc tế của Việt Nam và gần 100% thị trường vốn FDI của Việt Nam. Liệu Việt Nam có tận dụng được những ưu điểm này và để tránh những câu chuyện của người Philippines?
Nhưng, ở góc độ kinh tế, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, không thể không mua sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất của thế giới và không thể không bán hàng sang thị trường đông dân nhất thế giới, không quá khó tính, lại cận kề Việt Nam”.
Với cách thức sản xuất hiện đại theo chuỗi cung ứng toàn cầu, mỗi nước đều phụ thuộc vào các nước khác. Rất nhiều nước trên thế giới tìm cách giao thương với Trung Quốc. Và Việt Nam càng chắc chắn không phải là ngoại lệ. Thậm chí gần Trung Quốc lại là một lợi thế để bứt phá, để vượt lên nếu chúng ta có được một nền kinh tế đủ sức cạnh tranh.

Tư Giang

No comments:

Post a Comment