Thursday, September 18, 2014

Dũng cảm tham gia PISA để xem điểm yếu của mình đang mức nào


Báo Giáo Dục, ngày 05/12/2013,  http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dung-cam-tham-gia-PISA-de-xem-diem-yeu-cua-minh-dang-muc-nao/327832.gd,  Thông tin với chúng tôi về kết quả đánh giá năng lực học sinh Việt Nam do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) tổ chức (viết tắt là PISA), Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đây hoàn toàn là kết quả chỉ dựa trên các năng lực Toán học, Khoa học và Đọc hiểu, vị trí thứ 17/65 quốc gia chỉ là đứng trong phạm vi của PISA, còn đánh giá chất lượng toàn diện thì chưa có chỗ để so sánh.

Tuy nhiên, với kết quả đánh giá năng lực học sinh ở độ tuổi 15 đối với lĩnh vực Toán, Khoa học, Đọc hiểu đã làm cho không ít các quốc gia phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Úc, Thái Lan, Indonesia… phải ngạc nhiên, nể phục.

Trực tiếp tham gia kiểm định trong quá trình đánh giá PISA tại Việt Nam, bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm kiểm định (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT) khẳng định, những quy trình của OECD rất nghiêm ngặt và kết quả này là rất khách quan, chính xác.

Đề thi của PISA có những gì?
Bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm kiểm định (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT).Ảnh Xuân Trung
Bà Hà cho biết về đề thi của PISA và quy trình đánh giá theo năng lực do OECD cung cấp. Khi tham gia thì các quốc gia phải tuân thủ các quy tắc. Đây là chương trình khảo sát lớn nhất trên thế giới nên có quy trình nghiêm ngặt. Chọn mẫu, các nước phải xây dựng hệ thống dữ liệu mẫu dân số ở học sinh tuổi 15, gửi cho OECD. Họ xây dựng hệ thống biến phân tầng thống nhất, sau đó chọn mẫu. Học sinh tham gia là do OECD lựa chọn.

Trên mỗi đề đều có tên tuổi của từng em, nếu học sinh nào không tham gia thì bộ đề đó được giữ nguyên và mang về văn phòng PISA. Họ tập huấn cho chúng ta lắp ghép các câu hỏi thành đề thi. Chúng ta có 13 bộ đề thi, mỗi trường chỉ có 35 em, nên chỉ có khoảng 2 em trùng đề, vị trí ngồi thi do OECD quy định.

Khi nộp dữ liệu mẫu, OECD sẽ lựa chọn các bài ngẫu nhiên, mời chuyên gia phân tích, nếu trong 1 phòng có 2 em có bài thi gần giống nhau thì không được chấp nhận. Học sinh Việt Nam làm việc rất độc lập, những câu ngắn, dài các em đều được điểm tối đa nhưng các em diễn đạt khác nhau nên OECD đã công nhận kết quả.
Ngoài ra, về quy trình chấm thi được thực hiện cũng rất nghiêm ngặt. Bà Lê Mỹ Hà cho biết: Những em này đã được chọn mẫu do OECD, mỗi em đại diện cho 1 trọng số. Mình chỉ đảm nhiệm kỹ thuật, làm theo yêu cầu kỹ thuật đó, còn tất cả do OECD phụ trách. Với đề thi OECD bắt các giáo viên phải ký cam kết không được sử dụng câu hỏi này ở đâu dưới bất kỳ hình thức nào, nếu phát hiện quốc gia nào để lộ đề thì hủy kết quả quốc gia đó.
Quy trình chấm bài thi vô cùng nghiêm ngặt, chưa từng có đối với giáo viên Việt Nam, OECD quy định chấm bội và chấm đơn, cuối cùng có những 4 giáo viên chấm 1 bài thi học sinh, thêm 1 giáo viên chấm đơn (5 người chấm/1 bài) 5 người chấm sẽ nhập phiếu chấm song song, nhập bằng phần mềm của OECD và họ kiểm soát riêng, lúc nào gửi đi và đóng máy thì OECD sẽ nghiệm thu, không ai biết được kết quả. Chấm, nhập, nộp giữ liệu đều được quản lý nghiêm ngặt.
Tôi xin thưa nếu quốc gia nào làm không trung thực thì kết quả đó không được công nhận. Cách đây 3 tháng khi OECD chạy dữ liệu họ cũng cảm thấy có bất ngờ vì theo quan niệm của OECD kinh tế thấp sẽ có kết quả không cao. Nhưng riêng Việt Nam kinh tế thấp nhưng bất ngờ kết quả cao nên họ đã chất vấn suốt 2 tháng qua. Sau đó OECD mới chính thức công nhận kết quả này.
Về kinh phí để thực hiện chương trình đánh giá này, Bà Lê Mỹ Hà cho hay: Việt Nam cũng như các nước khác phải đóng 160.000 Euro cho 1 chu kỳ. Kinh phí này chi trả cho toàn bộ kỹ thuật mà OECD cung cấp, còn lại mỗi quốc gia phải tham dự tập huấn 2-3 lần trong năm để khảo sát thực nghiệm rồi chính thức, những lần đi học tại nước ngoài các quốc gia phải tự túc.  Theo thực tế ở Canada mỗi 1 chu kỳ làm việc chi khoảng 8 triệu USD, còn Việt Nam thì thấp hơn rất nhiều.

Niềm tin của ngành giáo dục

PV: Thưa Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc Việt Nam được đánh giá cao qua bảng xếp hạng năng lực học sinh quốc tế có  ý nghĩa ngư thế nào trong đổi mới giáo dục?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 vừa qua cũng đã nêu một trong những giải pháp quan trọng, đột phá: Đổi mới, đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có đánh giá các kỳ thi, kiểm tra. Đổi mới từ chỗ chuyển từ học sinh học được gì sang đánh giá năng lực học sinh vận dụng kiến thức kỹ năng làm được gì. Chính PISA hỗ trợ chúng ta điều này, từ thiết kế đề chứ không chỉ là đọc hiểu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vẫn rất bất ngờ trước thông tin Việt Nam được đánh giá cao trong Chương trình đánh giá năng lực học sinh quốc tế. Ảnh Xuân Trung
Chúng ta đang trong quá trình hội nhập nên cần biết mình đang ở đâu, biết được học sinh mình có thể hội nhập hay không trong điều kiện thế giới phẳng, giao lưu về lao động và công nghệ? Nếu mình không đáp ứng được nghĩa là không hội nhập được. PISA góp phần trả lời cho học sinh chúng ta đang ở mức nào, yếu ở đâu, cần bổ sung gì?
Lâu nay thi, kiểm tra đánh giá từng người học chứ không đánh giá được đơn vị, địa phương, cả nước tốt ở chỗ nào, yếu chỗ nào về chất lượng và có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng. Tham gia PISA sẽ giải quyết được điều đó. Từ phân tích kỹ báo cáo của PISA, để xem những nguyên nhân ảnh hưởng để cải thiện điều kiện làm giáo dục, phù hợp với đất nước, với vùng miền để nâng cao chất lượng. Lâu nay đánh giá chất lượng học sinh cũng chưa quan tâm đến năng lực của người học, làm thế nào để đánh giá thì tham gia PISA mình sẽ học tập được điều này.
Bộ GD&ĐT và các nhân ông có cảm thấy tự hào về kết quả này không?
TT Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả PISA là hơn các nước, đánh giá gì hơn mình bảo là hơn, cái gì mình thua thì bảo là thua, PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực người học mà chúng ta cần đánh giá. PISA chỉ đánh giá về năng lực Toán học, Khoa học và Đọc hiểu.
Không tự hào là đứng thứ mấy, đứng thứ 17 chỉ là đứng trong phạm vi của PISA, còn đánh giá chất lượng toàn diện chưa có chỗ để so sánh, tuy nhiên không so sánh cũng thấy là mình yếu. Sắp tới, đổi mới giáo dục, học sinh phổ thông sẽ được quan tâm đến vấn đề này, tăng cường và xác định đủ năng lực cần thiết, cái gì yếu sẽ được đào tạo.
Trong đề thi của OECD có tính vận dụng kiến thức như thế nào thưa Thứ trưởng?
TT Nguyễn Vinh Hiển: Năng lực vận dụng kiến thức không thể hiểu là cứ làm bằng thao tác chân tay. PISA không kiểm tra kỹ năng, thao tác cụ thể. Thực hành là làm, làm không có nghĩa là  tay chân.
Bà Lê Mỹ Hà tiếp lời: Khi OECD thiết kế đề sẽ theo khung năng lực, có ma trận, thiết kế mỗi lĩnh vực có 3 level. VD: Cấp độ 2 kiểm tra kiến thức phức hợp, cấp độ 3 là học sinh vận dụng toàn bộ kiến thức để giải quyết vấn đề liên quan đến thực tiễn. Đề thi có khác giữa quan niệm lý thuyết và thực hành.
Mục tiêu của OECD  là đánh giá năng lực học sinh ở tuổi 15, OECD quan niệm đánh giá phải vận dụng những kiến thức trong nhà trường để giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn. Đề thi không hỏi theo kiểu 1+1=2 mà hỏi em có 5 nghìn đi chợ phải tính toán mua những gì để đủ được 5 nghìn đó.
Làm đúng có 2 cách, một là phải nắm kiến thức vững, hai là bằng vốn sống, kinh nghiệm sống vận dụng vào để giải quyết miễn là logic đáp ứng được yêu cầu, kỹ năng. Thế nên ở hệ GDTX cũng đạt khoảng 70% học sinh làm bài khá vì các em có vốn sống kinh nghiệm tốt.
Có gì để Bộ đảm bảo học sinh tham gia khảo sát được OECD lựa chọn?
Bà Lê Mỹ Hà: Khi tham gia kỳ thi đánh giá học sinh quốc tế, một nguyên tắc chọn học sinh nào em đấy sẽ tham gia, đó là trách nhiệm của nhà giáo. Cuộc thi này cũng bất ngờ vì không biết em nào giỏi hơn nào để làm một việc đánh tráo học sinh. Ví dụ như có học sinh giỏi lý thuyết nhưng vận dụng vào không tốt bằng các em học yếu hơn nhưng lại có kinh nghiệm. OECD có đội ngũ giám sát quốc tế, giám sát toàn bộ quy trình kỹ thuật. Khi họ khẳng định tất cả đều trung thực thì mới nghiệm thu. Đó còn là danh dự quốc gia nên không làm điều gì sai sót.
TT Nguyễn Vinh Hiển tiếp lời: Danh dự đó, cũng phải cần, vì cuộc sống mà mất niềm tin thì phải làm sao? Nhiều người nói không bất người với kết quả này, nhưng trong cái chung thì có bất ngờ. Ngay bản thân tôi cũng thấy bất ngờ, vì không ngờ quân mình giỏi như thế, vì lâu nay cứ nói chất lượng giáo dục thấp, cũng lo lắng. Có được kết quả này là mang lại niềm tin cho mình.
Nhiều người băn khoăn rằng tại sao Việt Nam lại tham gia PISA, lại nói về kết quả yếu kém của mình ra, có sợ không? Nhưng vì cũng dũng cảm nên PTT Nguyễn Thiện Nhân lúc bấy giờ yêu cầu phải tham gia, dù yếu kém để mình nhìn thấy yếu kém còn khắc phục là tốt hơn mình cứ ôm ấp, cứ ru ngủ mình, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Đối với tôi, tôi vẫn bất ngờ./.
XUÂN TRUNG

No comments:

Post a Comment