Thursday, September 18, 2014

Một giờ đối mặt tướng De Castries

Báo Vietnamnet, ngày 25/04/2014,        http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/171846/mot-gio-doi-mat-tuong-de-castries.html,        "Máu" nghề báo khiến Nguyễn Khắc Tiếp quyết định liều 'xé rào' quy định của cấp trên hạn chế tiếp cận tù binh đặc biệt, quan trọng nhất của trận chiến Điên Biên Phủ. Một giờ hiếm hoi đối mặt với De Castries mà giờ dù 91 tuổi, khi kể lại, giọng ông vẫn đầy hào sảng.


Sau chiến thắng, phóng viên Nguyễn Khắc Tiếp được phân công ở lại mặt trận để làm số báo cuối cùng trong khi phóng viên Phạm Phú Bằng phải trở lại Hà Nội để tiếp tục công việc.
Điện Biên Phủ, De Castries, Nguyễn Khắc Tiếp, báo QĐND
Cựu phóng viên chiến trường Nguyễn Khắc Tiếp
Một nhiệm vụ quan trọng của quân đội Việt Minh ngay tại mặt trận khi đó là quản tù binh ra hàng "như nước". 11.721 tên lính bị giữ đều trong tình trạng thê thảm, không bị thương nặng thì cũng kiệt sức do thiếu ăn, thiếu ngủ và bị bệnh truyền nhiễm. Một lời khẩn cầu từ phía Pháp đề nghị Việt Minh giúp đỡ cứu chữa những tù binh bại trận được Hồ Chủ tịch chấp thuận. Phóng viên báo QĐND được một độc quyền tác nghiệp: tiếp cận và phỏng vấn tù binh.
"De Castries là tù binh đặc biệt, quan trọng nhất nên được giữ riêng để phục vụ cho các hoạt động cách mạng tiếp theo của ta. Không có chủ trương đối với chúng tôi hồi đó khai thác viên tướng này như tiếp cận mọi tù binh khác trên mặt báo. Tuy nhiên, tôi vẫn tìm một cơ hội để đối diện, hỏi những câu hỏi ở vị trí của một người làm báo" - ông Tiếp kể.
De Castries tự thú
Các lán trại sau trận chiến tập trung các tù binh đầu hàng trong lúc chờ chữa trị bệnh dịch, thương tật để di chuyển. Có một lán trại đặc biệt, chỉ dành cho một người duy nhất, đó là De Castries. Phóng viên của báo QĐND đã tìm cách xin gặp viên tướng, dù sau đó vì chuyện này mà ông suýt bị cấp trên kỷ luật vì không tuân thủ quy định ở chiến trận.
"Thực ra khi đó là “xé rào” thôi, chứ không ai được phép tiếp xúc với De Castries. Viện cớ phóng viên muốn khai thác để có thêm tư liệu, tôi đã xin được nói chuyện với ông ta" - cựu phóng viên chiến trường kể lại.
Không cần phiên dịch, phóng viên Nguyễn Khắc Tiếp đã "đấu" trực tiếp bằng tiếng Pháp với viên tướng bại trận. Không còn vẻ hung hăng, De Castries trước mặt phóng viên là một bộ dạng mệt mỏi.
Nhưng cảm nhận của ông Tiếp, đó là một người lịch sự ngay cả khi nói về thất bại của mình, kín đáo, thận trọng, nghiêm túc khi nói nhưng sau cùng là thừa nhận thất bại ở cứ điểm Điện Biên Phủ.
"Khi tôi hỏi ông ta cảm thấy thế nào về cuộc chiến này, De Castries thẳng thắn nhận đã thua trận và việc đưa quân lên Điện Biên Phủ là một sách lược sai khi nghĩ có thể tiêu diệt được Việt Minh ở địa hình trận địa này. De Castries đã không thể nghĩ rằng Điện Biên Phủ là tử địa của liên quân Pháp" - ông Tiếp kể.
Những ngày bị giam giữ, De Castries được quân đội Việt Minh chăm sóc sức khỏe, đối xử tử tế.
"Ông ta vẫn có sữa để uống" - ông Tiếp kể.
Điều này gợi đến câu chuyện được kể lại trong sách “Điện Biên Phủ những nẻo đường” của S.Milan. Tác giả cho hay, khi De Castries được lên lon "tướng" lúc đang chỉ huy tại cứ điểm Điện Biên Phủ, một kiện hàng được "gửi tận tay" ông ta.
Trong đó, có lon thiếu tướng, thuốc lá thơm và bánh kẹo để "chúc mừng" nhưng đã bị lính lê dương của một đại đội nhặt được và xài sạch, đem chôn lon phi tang. Ngay cả hòm quà của vợ De Castries gửi từ Hà Nội mừng chồng lên lon cũng toàn quà thượng thặng như rượu wisky, xúc xích, bít tết bò, dao cạo râu...Tất nhiên, De Castries không thể có dịp thưởng rượu ngon vì thất bại.
"Tôi cảm nhận một tâm trạng mệt mỏi muốn kết thúc chiến tranh của De Castries sau những thất bại dồn lại. Giai đoạn cuối ông ta dường như không còn hy vọng gì ở Điện Biên Phủ dù đã tập trung lực lượng mạnh như vậy mà còn thất bại thảm hại. Không kết thúc thì chỉ có thua, mà là thua to" - ông Tiếp nói.
Một giờ hiếm hoi đối mặt với De Castries mà giờ dù 91 tuổi, khi kể lại, giọng ông vẫn hào sảng nhắc về kết quả to lớn của ngày đại thắng.
Điện Biên Phủ, De Castries, Nguyễn Khắc Tiếp, báo QĐND
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (thứ ba từ phải sang) tại buổi tọa đàm năm 2012
 về tổ chức xuất bản báo QĐND ở mặt trận Điện Biên Phủ
10 cờ trắng xin hàng
Trong tường thuật ở số báo cuối cùng xuất bản tại mặt trận, cựu phóng viên báo QĐND cũng phỏng vấn hàng trăm tù binh. "Lúc đầu nhìn thấy dòng tù bình hàng, ai mình cũng muốn hỏi, nhưng quá nhiều nên tôi đành chọn từ cấp tá trở lên" - ông Tiếp kể lại.
Bài tường thuật cuối cùng ở mặt trận của ông có tựa "Trận Điện Biên Phủ qua cảm tưởng một số sĩ quan địch bị bắt làm tù binh" ghi lại nhiều ý kiến.
Bài báo dẫn lời một sĩ quan Pháp: "Chúng tôi bàn với nhau: 'Đánh một cách tuyệt vọng như thế này thì đánh làm gì nữa, chỉ có đầu hàng may ra còn giữ vẹn được tính mạng. Nhưng ngồi trong hầm kín, tôi có biết đâu trong lúc đó, quân lính của chúng tôi đã tự động nhảy khỏi chiến hào từ bao giờ, đang phất cờ trắng, tiến ra tứ phía đầu hàng bộ độ Việt Nam'.
Khi còn bị bao vây, chúng tôi đều mong mỏi hội nghị Genève thành công để mau thoát khỏi cuộc chiến tranh rùng rợn này. Sau trận này, chúng tôi càng thấy rõ thêm: 'Quân đội Việt Nam đã lớn mạnh quá rồi. Chính phủ Pháp còn kéo dài chiến tranh chỉ là giết quân đội viễn chinh một cách vô ích. Từ lâu nay, 'hòa bình ở Việt Nam' đã là ý nghĩ, nguyện vọng của đa số sĩ quan và binh lính Pháp, nhất là những người chiến đấu tuyệt vọng ở Điện Biên Phủ này" (lời lính Pháp Tờ-răng-ca).
Trong số báo cuối, ghi chép của nhà báo Trần Cư một ngày sau khi cờ "quyết chiến quyết thắng" tung bay trên cao điểm A1 cũng mô tả không khí tại đó. "Khu Mường Thanh vẫn còn ngùn ngụt lửa, chập chờn một khói xám. Quân địch chia làm 5 mũi kéo nhau ra như kiến, dưới sự điều khiển của máy phóng thanh của quân ta chỉ đường. Họ đi kéo dài ngót chục cây số như những con rắn lớn bị đánh vỡ hàng, quằn quại từ trong Mường Thanh thất thủ chui ra, trườn theo dọc bờ giao thông hào vĩ đại của trận địa, leo qua các ngọn đồi khu phía Bắc rồi biến dần về những tuyến sau...".
Ông Trần Cư còn kể, một tên lính Pháp nói với ông: "Tất cả chúng tôi ai cũng chỉ có một ý muốn ra hàng thôi. Không thể chịu đựng được nữa! Tôi đã chuẩn bị từ lâu rồi. Những 10 lá cờ trắng. Đây này!" và nói đoạn rút trong túi ra những miếng vải trắng nhàu nát, cười và nói tiếp: "Tôi gọi những lá cờ trắng này là những lá cờ của hy vọng" (les drapeaux de l'espérance).
"Đáng chú ý nhất là một toán địch đi riêng, vai đeo lon nhiều vạch, quần áo tươm tất hơn lính thường, được coi là 'đầu sỏ tướng tá chỉ huy ở Điện Biên Phủ". Ai cũng nhao nhao hỏi 'De Castries đâu'? và hướng theo chỉ tay của các chiến sĩ. Tên bại tướng đầu đội ca lô đỏ, trên cầu vai lơ láo hai ngôi sao vàng, tay sách một cái cặp, lò dò chống gậy đi cùng với toán bộ tham mưu và mấy chục tên quan năm, quan tư, quan ba, cứ cúi gầm mặt lốc nhốc theo sau".
Đó là những dòng trên số báo cuối cùng tại mặt trận của báo QĐND mô tả về sự thất bại của Pháp tạitập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một tập đoàn cứ điểm được cho là mạnh nhất Đông Dương của liên quân Pháp cả về quân số và phương tiện chiến tranh với 21 tiểu đoàn phòng ngự.
Trong hồi ức, cố nhà báo Trần Cư đã gọi những ngày làm báo ở Điện Biên Phủ với 33 số báo là 33 phát đạn đại bác bắn trong 140 ngày.
Điện Biên Phủ, De Castries, Nguyễn Khắc Tiếp, báo QĐND
Số báo cuối cùng xuất bản tại mặt trận của báo QĐND ra ngày 16/5/1954 in một màu đỏ rực. Nó đặc biệt với số trang gấp 4 lần bình thường, lên tới 8 trang, kèm theo hai phụ trương in màu bức tranh lớn của họa sĩ Nguyễn Bích với hình người lính phất cao lá cờ cùng dòng khẩu hiệu: “Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã toàn thắng!

Linh Thư - Hồng Nhì - Ảnh: Minh Trường - Vân Anh

No comments:

Post a Comment