(Tuổi trẻ, 31/03/2009)
G8 thường được xem là “chiếu trên” của quan hệ quốc tế. Nhưng từ mùa thu trước, cuộc đại khủng hoảng đã tạo ra tiến trình G20. Tại G20 Washington, tổng thống Mỹ mãn nhiệm George Bush chỉ có thể chiêu đãi các quốc khách bốn món tiêu chuẩn, còn nội dung hội nghị thì mọi người đều “chờ đợi tổng thống thứ 44”.
Trước đó, tại G8 Hokkaido, thủ tướng Nhật, bù vào sự sơ sài kết quả hội nghị, đã chiêu đãi 18 món sơn hào hải vị, có vẻ quá nhiều giữa lúc G8 bàn chuyện cứu trợ dân nghèo thế giới khủng hoảng lương thực. Lần này Thủ tướng Anh Gordon Brown chuẩn bị một "thực đơn chiêu đãi thời khủng hoảng".
Nhưng ai sẽ đưa ra “thực đơn” chương trình nghị sự G20 London diễn ra ngày 2-4?
Trung Quốc và Mỹ sẽ nổi bật trên vũ đài G20. Trung Quốc nắm quyền chủ động, còn Mỹ “bị cuốn theo chiều gió”, thủ nhiều hơn công. Tổng thống Pháp, người khởi xướng G20, lần này liên danh với thủ tướng Đức đưa ra một lập trường khiêm tốn, được Liên minh châu Âu (EU) tán thành.
Nước Mỹ từ thời R. Reagan quen dùng tiền người khác để chi tiêu và quay vòng phát triển. Lần này tổng thống thứ 44 đang ra sức dọn dẹp ngôi nhà tài chính đổ dột nhằm khôi phục lòng tin thị trường và chống đỡ sức ép đòi hạ bệ đồng USD. Chính quyền Obama đề xuất "đổi mới toàn diện", tăng quyền hành pháp kiểm soát, quản lý các ngân hàng và thể chế tài chính lớn “có tầm quan trọng đối với toàn bộ hệ thống và kinh tế nước Mỹ”. Mỹ ra sức vay tiền nước ngoài để vừa cứu trợ kinh tế, vừa đầu tư cho các chương trình khoa học công nghệ mũi nhọn nhằm tạo ưu thế mới so với các đối thủ.
Mỹ tập hợp lực lượng để bảo vệ vai trò USD như đồng tiền dự trữ chủ chốt. Lập trường này được Nhật, Anh, Úc ủng hộ.
Trung Quốc, bên trong thực thi quá trình vừa cứu trợ kinh tế vừa cải cách cơ cấu nhằm đưa Trung Quốc vào giai đoạn phát triển mới, cân bằng hơn giữa kinh tế - xã hội - môi trường, có thể lột xác trở thành quyền lực thứ hai thế giới. Nắm trong tay con bài dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Bắc Kinh gia tăng sức ép đòi cải tổ mạnh mẽ hệ thống tài chính toàn cầu.
Trung Quốc chưa giành giật ngọn đuốc lãnh đạo của Mỹ, mà đòi hỏi có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính mới. Năm điểm nêu trong phát biểu mới đây của phó thống đốc Ngân hàng Trung ương kiêm Cục Quản lý ngoại hối Hồ Hiểu Luyện nhấn mạnh thay đổi hệ thống Bretton Wood, tăng thêm tính đại diện, quyền phát ngôn và việc giám sát các tổ chức tiền tệ quốc tế, đồng thời đa nguyên hóa đồng tiền dự trữ đầu tư quốc tế.
Trung Quốc đề xuất kế hoạch thực hiện quyền rút đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF (SDR - đơn vị tiền tệ do IMF lập ra năm 1969 đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ ngoại tệ) mở rộng, thay thế vai trò đồng USD. Những nội dung “nóng” này có thể xem là “cương lĩnh” của Trung Quốc, được giám đốc điều hành IMF và nhiều nhà lãnh đạo G20 cũng như các chuyên gia kinh tế lên tiếng ủng hộ.
Hội nghị G20 có trọng tâm là tăng cường biện pháp cứu trợ kinh tế thế giới. Báo Tấm Gương (Đức) để lộ dự thảo thông cáo chung cuối cùng của hội nghị đề xuất thúc đẩy tiêu dùng toàn cầu trị giá 1.400 tỉ bảng (gần 2.000 tỉ USD). Kế hoạch tham vọng này hợp với Mỹ nhưng ngược với EU và nhiều nước khác.
Tập hợp lực lượng xung quanh vấn đề tiền tệ dự trữ và việc phân bổ SDR buộc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner lên tiếng hoan nghênh việc mở rộng sử dụng SDR, nhưng khẳng định đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ hàng đầu. Theo giám đốc điều hành IMF D. Strauss-Kahn, cuộc đàm phán về hệ thống dự trữ toàn cầu mới, tương tự SDR, có thể diễn ra vài tháng tới.
Khó chờ đợi nhiều từ cuộc họp một ngày. Nhưng những gì xác định tại G20 London sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống kinh tế tài chính thế kỷ 21, cũng như tương quan lực lượng giữa các trung tâm quyền lực thế giới.
Cơn “sóng thần” tài chính đã biến phương Tây thành những người khổng lồ nghèo và gió Đông sắp thổi bạt gió Tây. Tuy vậy kết cục “ăn nhau lúc nửa đêm”, như người xưa vẫn nói, sẽ tùy thuộc vào việc tư bản chủ nghĩa phương Tây hay tư bản dân tộc chủ nghĩa phương Đông ai mạnh hơn khi ra khỏi cuộc khủng hoảng này.
Đó là cuộc cạnh tranh về tính ưu việt của hệ thống và các thiết chế của nó.
No comments:
Post a Comment