Virus Ebola không những gây tử vong cao mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Tây Phi. Ảnh: Reuters
Ngày 27-8, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB) Donald Kaberuka cho biết dịch Ebola tồi tệ nhất lịch sử khiến nền kinh tế khu vực Tây Phi chịu tổn thất lớn. Do đầu tư nước ngoài bị thu hồi, dự án thương mại và các dự án khác bị hủy bỏ, các chuyến bay không còn hạ cánh, ước tính mỗi nước Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ mất 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hiện, dịch Ebola lây lan chủ yếu ở các nước Tây Phi là Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria.
Trong khi đó, ba nước Guinea, Liberia, Sierra Leone vừa bắt đầu hồi phục từ các cuộc khủng hoảng quân sự, chính trị. Liberia và Sierra Leone từng bùng nổ cuộc nội chiến trong những năm 1990, chiến tranh kéo dài đến mười năm. Đối mặt với dịch Ebola, sản xuất nông nghiệp của các nước này bị thiệt hại nặng và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực.
Ngoài ra, ông Kaberuka cho biết việc đóng cửa biên giới làm gia tăng chi phí thương mại giữa các nước. Nếu tất cả các nước châu Phi đều đóng cửa biên giới, về lâu dài, nền kinh tế của toàn bộ châu Phi sẽ bị ảnh hưởng.
Số liệu không lạc quan
Năm 2013, GDP của Nigeria tăng 6,8%, đạt hơn 5.000 tỉ đô la Mỹ, được coi là cực tăng trưởng của châu Phi, vượt qua Nam Phi với tốc độ tăng trưởng 5%. Nigeria hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, sau khi chính phủ nước này áp dụng cách tính GDP mới. Triển vọng tăng trưởng của Nigeria liên quan chặt chẽ đến sự phát triển tổng thể của nền kinh tế châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay, Nigeria là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola. Dịch bệnh này dự báo sẽ tác động xấu đến kinh tế Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung.
Trong khi đó, Liberia đã hạ dự báo tăng trưởng GDP 5,9% trong năm 2014 nhưng không đưa ra mức dự báo mới.
Với Sierra Leone, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản của nước này Abdul Ignosis Koroma cho biết do dịch Ebola bùng phát, trong năm nay, chính phủ Sierra Leone không thể xuất khẩu 200 triệu đô la Mỹ kim cương như mục tiêu đề ra. Năm ngoái, xuất khẩu kim cương của nước này lên tới 186 triệu đô la Mỹ. Nhà sản xuất kim cương khổng lồ De Beers của Sierra Leone lo lắng: để kiềm chế sự lây lan của dịch Ebola, các nước Tây Phi kiểm soát chặt chẽ biên giới, dẫn đến việc buôn bán kim cương bị đình trệ.
Đóng cửa biên giới, đình chỉ chuyến bay
Hiện, để ngăn chặn dịch Ebola tiếp tục lây lan, nhiều nước Tây Phi thực hiện kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và thậm chí đóng cửa biên giới. Liberia đóng cửa biên giới phía tây với Sierra Leone, cử quân đội cách ly các khu bùng phát dịch. Thậm chí, chính phủ Liberia còn ra lệnh cho quân đội nổ súng với người nhập cảnh bất hợp pháp qua biên giới.
Các nước Tây Phi bùng phát dịch bệnh cũng ngày càng bị cô lập bởi quốc tế. Các công ty vận tải và hàng không đã tạm đình chỉ dịch vụ và cắt đứt liên hệ với khu vực này.
Ngày 27-8, Air France thông báo theo đề nghị của chính phủ Pháp, Air France sẽ tạm đình chỉ các chuyến bay đến Sierra Leone, nơi dịch Ebola đang hoành hành.
Một ngày trước đó, British Airways (Anh) công bố đình chỉ các chuyến bay đến Liberia và Sierra Leone, có khởi động lại tuyến bay vào năm tới hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch Ebola.
Từ ngày 23-8, Brussels Airlines (Bỉ) đã hủy dịch vụ bay đến Tây Phi.
240 nhân viên y tế nhiễm bệnh
Theo báo cáo phát hành ngày 25-8 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 20-8, Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria phát hiện 2.615 trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm Ebola, 1.427 người trong số đó đã thiệt mạng.
Báo cáo của WHO cho biết kể từ khi Ebola bùng phát vào tháng 2-2014 đến nay, 240 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, trong đó một nửa đã chết.
Cho đến nay, Ebola là một trong những virus có tỷ lệ tử vong cao nhất và chưa có thuốc điều trị hay vắc-xin phòng chống. Virus này có thể gây xuất huyết, thời gian ủ bệnh lên đến 20 ngày. Người nhiễm virus Ebola chủ yếu qua kênh tiếp xúc trực tiếp với chất dịch của người nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với xác chết của người nhiễm bệnh.
Phúc Minh
No comments:
Post a Comment