Wednesday, September 17, 2014

Cần sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

TBKTSG, ngày 4/8/2014, http://www.thesaigontimes.vn/117285/Can-sua-Luat-Ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat.html,           Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã từng phải than trước Quốc hội rằng “hệ thống pháp luật của Việt Nam là phức tạp nhất thế giới”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kỷ lục “phức tạp nhất thế giới” này, trong đó có những nguyên nhân thuộc về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Quy trình xây dựng rườm rà, không hợp lý
Luật Ban hành VBQPPL quy định khá chi tiết về trình tự của việc lập chương trình xây dựng VBQPPL; soạn thảo; thẩm định; thẩm tra các VBQPPL trước khi thông qua. Song, để thực hiện quy trình đó mất rất nhiều thời gian và cũng tốn kém không ít chi phí từ ngân sách nhà nước.
Với quy định (khoản 1 điều 31) trưởng ban soạn thảo “là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo”, trong hầu hết các trường hợp, đó là bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách lĩnh vực mà VBQPPL điều chỉnh. Như vậy, việc “làm luật” từ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội đã tự động chuyển sang cho cơ quan hành pháp. Tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã được hợp thức hóa. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nhiều VBQPPL chỉ có tác dụng nâng cao quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước, không xét đến hoặc xét đến với mức độ rất mờ nhạt, chung chung về quyền của đối tượng thi hành.
Đã đến lúc nghiên cứu để cải cách triệt để quy trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Trước hết, cần nâng cao hơn nữa quyền làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội, đã được quy định trong Hiến pháp. Làm luật phải được hiểu là thực hiện tất cả các khâu từ soạn dự thảo, trưng cầu ý kiến đóng góp, thẩm tra dự án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh sửa luật theo yêu cầu của Quốc hội cho đến khi luật được thông qua.
Cần giao cho Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực luật điều chỉnh làm trưởng ban soạn thảo các dự thảo luật, pháp lệnh. Tất nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, cần nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn của các ủy ban của Quốc hội.
Ai cũng biết về hậu quả của tình trạng chậm ban hành văn bản dưới luật và tình trạng “văn bản dưới luật trái luật”. Song, người có trách nhiệm chậm ban hành văn bản và ban hành văn bản trái luật, không đúng thẩm quyền bị xử lý như thế nào? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời trên thực tế.
Hai, thành lập ban soạn thảo với nhiều thành phần bao gồm: đại diện bộ hoặc cơ quan ngang bộ quản lý ngành có liên quan, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, đại diện các hội, hiệp hội của đối tượng chịu tác động nhiều nhất, các nhà khoa học, các luật gia, luật sư có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực được luật, pháp lệnh điều chỉnh.
Ba, việc thẩm định các dự án luật hiện nay đang là chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp vẫn giữ nguyên nhưng với tư cách là một thành viên ban soạn thảo luật. Việc thẩm tra dự án luật thực hiện theo Luật Tổ chức quốc hội với quy định: “Đối với dự án luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trình thì Quốc hội quyết định cơ quan thẩm tra hoặc thành lập ủy ban lâm thời để thẩm tra dự án luật đó”.
Bốn, đối với những dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, không có ủy ban chuyên trách của Quốc hội theo dõi và đảm nhiệm nhiệm vụ trưởng ban soạn thảo, có thể giao cho các hội, hiệp hội hoặc văn phòng luật, công ty tư vấn luật chủ trì soạn thảo. Thực tế hiện nay, Quốc hội đã giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân, Hội Luật gia Việt Nam đã và đang triển khai. Rất cần tổng kết, đánh giá mô hình này để nhân rộng khi cần thiết.
Tính minh bạch bị bỏ quên
Điều 3 Luật Ban hành VBQPPL quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL, trong đó khoản 1 quy định “bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của VBQPPL trong hệ thống pháp luật” và khoản 4 quy định “bảo đảm tính khả thi của VBQPPL”.
Như vậy, tính minh bạch - một thuộc tính có vị trí đặc biệt quan trọng đối với VBQPPL - đã bị “bỏ quên”. Do khiếm khuyết này, không ít VBQPPL đã không bảo đảm tính minh bạch, tác động của văn bản tới đối tượng thực hiện đã không được xét đến hoặc chỉ xét đến về hình thức. Ví dụ, sự thiếu rõ ràng, thiếu nhất quán về khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tồn tại trong một thời gian dài, dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, nguyên tắc “không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” cũng bị vi phạm.
Cũng do thiếu minh bạch nên tính khả thi cũng không được tôn trọng. Thực tế cho thấy, không ít quy định trong các thông tư hướng dẫn do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành đã phải sửa đổi ngay khi “chữ ký chưa ráo mực” do thiếu tính khả thi, chẳng hạn quy định về cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quy định về bán thịt tươi không được để quá tám giờ; quy định “ngực lép không được đi xe máy” và quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi thông quan tại cảng của Bộ Tài chính...
Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo VBQPPL - chỉ làm cho đủ thủ tục
Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và một số thông tư hướng dẫn của các bộ, cơ quan ngang bộ được tổ chức ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo các VBQPPL hiện nay chủ yếu được tổ chức “cho đủ thủ tục” theo quy định. Không ít ý kiến đóng góp xác đáng, hợp lý đã không được ban soạn thảo tiếp thu và điều quan trọng hơn là, không có bất kỳ giải thích nào về việc không tiếp thu như vậy. Có thể lấy một ví dụ điển hình trong việc góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Trong các hội thảo góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), phần lớn các ý kiến đóng góp không tán thành việc nâng tuổi nghỉ hưu để tránh “vỡ quỹ” BHXH vì quy định đó trái với Bộ luật Lao động năm 2012, không hợp lý, không khả thi. Song, ban soạn thảo vẫn kiên quyết bảo lưu và trình Quốc hội.
Tình trạng “cám ơn, không tiếp thu” như ví dụ trên không phải là cá biệt mà đã, đang xảy ra ở nhiều dự thảo VBQPPL khác, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức của những người tham dự hội thảo đóng góp ý kiến và ngân sách nhà nước. Vì vậy, đã đến lúc cần thống nhất về một đầu mối việc soạn dự thảo luật và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Hiệu lực thi hành của VBQPPL còn kém
Khoản 1 điều 8 Luật Ban hành VBQPPL quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay; trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp”.
Quy định nêu trên đã và đang bị vi phạm một cách phổ biến. Nhiều trường hợp, luật đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan lại “chưa vội ban hành”. Ví dụ, Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, nhưng các nghị định của Chính phủ ban hành sau ngày 1-1-2010 từ 194 ngày tới 1.208 ngày! Nếu thống kê cho đầy đủ đối với những luật khác sẽ còn rất nhiều ví dụ tương tự.
Tình trạng hướng dẫn không đúng với quy định của văn bản luật cũng xảy ra không ít. Báo cáo giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết ngày 30-4-2014, trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện ra 312 văn bản có dấu hiệu trái luật, trong đó 54 văn bản sai về nội dung, còn lại văn bản sai về thể thức văn bản, thẩm quyền ban hành”. Ai cũng biết về hậu quả của tình trạng chậm ban hành văn bản dưới luật và tình trạng “văn bản dưới luật trái luật”. Song, người có trách nhiệm chậm ban hành văn bản và ban hành văn bản trái luật, không đúng thẩm quyền bị xử lý như thế nào? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời trên thực tế.

Luật sư Vũ Xuân Tiền
Ủy viên BCH Hội Luật gia thành phố Hà Nội

No comments:

Post a Comment