Thursday, September 18, 2014

22 năm, 1 phòng họp

(Tuổi trẻ, 11/07/2009)
22 năm trước, ngày 13-6-1987, tôi được dự một cuộc họp do Tổng cục Hàng không (lúc đó còn trực thuộc quân đội) triệu tập, tại một phòng họp của tổng cục trong sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là một cuộc họp để tổng cục phát biểu chính thức về dự án VUETA của phi công Mai Trọng Tuấn, lúc đó đang khá đình đám. Viên phi công này không lo bay mà lại làm chuyện quá sức là dám viết một dự án kinh tế phát triển đất nước.


Gửi tổng cục bị bác bỏ, anh gan lì gửi lên khắp các cấp trên, tận thủ tướng, rồi các báo... Vì đấu tranh vượt cấp, anh bị cho ngừng bay, cho về hưu non, con đang học lái máy bay bị đình chỉ...
Cuộc họp hôm đó, thật kỳ lạ, đã không cho tác giả dự án vào họp! Và tinh thần chung là tiếp tục bác bỏ thẳng thừng dự án không cần một dẫn chứng hoặc luận cứ thuyết phục nào, cho rằng anh Mai Trọng Tuấn nói chuyện trên trời, những chuyện không thể làm được, không phù hợp định hướng, vi phạm an ninh quốc gia, vô tổ chức kỷ luật... Có cảm giác nó như một cuộc họp đấu tố.
22 năm sau, đọc lại những trang dự án mỏng dính tội nghiệp của anh, bỗng thấy sao nó vừa quá đơn giản lại vừa quá nhỏ bé! Có thể nói tóm tắt đó chỉ là một đề nghị hãy mở cửa, hội nhập, với sự đi đầu của ngành hàng không, đầu tiên là mở cửa sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi nhìn từ góc độ là một phi công, hằng ngày đi về qua một sân bay quốc tế từng hết sức rộn rịp nay bỗng trở thành một ga xép đìu hiu (lúc ấy chỉ vài chuyến bay một ngày), anh Tuấn cảm thấy quá bức xúc và có ý kiến, thông qua công việc chuyên môn của mình. Bây giờ thì thấy vậy nhưng vào lúc đó, đề xuất của anh phải nói là táo bạo đáng nể, nhiều điều nằm mơ không thấy, và chịu cùng số phận với nhiều “cái mới” vượt lối mòn khác.
Tuổi Trẻ từng là một trong những đơn vị truyền thông lên tiếng đấu tranh để bảo vệ anh Tuấn. Và tôi ngạc nhiên khi cuối cùng anh Tuấn vẫn bị nghỉ việc, dự án VUETA chìm vào quên lãng. Để rồi thực tế cuộc sống vài năm sau đó đã phát triển đúng như những gì anh - và có lẽ rất nhiều người khác - sớm nhìn thấy trước đó.
22 năm, vẫn đúng phòng họp cũ! Giờ đã hiện đại hơn. Có bản đồ chiếu qua laptop, nói đến đâu dẫn chứng đến đó bằng bút thuyết trình có đèn lead. Mọi sự vẫn là do anh Tuấn gợi lại một đề xuất cũ trong dự án năm xưa: hãy mở một đường bay thẳng từ TP.HCM đi Hà Nội theo kinh tuyến 106. Đường bay này đi qua không phận của hai nước Campuchia và Lào, nhưng sẽ ngắn hơn đường bay cũ khoảng 200km, tiết kiệm đáng kể về nhiên liệu và thời gian. Đề xuất của anh lên đến bàn của Thủ tướng và vị lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Cục Hàng không phải họp bàn với tác giả nghiêm chỉnh.
Anh Tuấn giờ đã già đi nhiều nhưng giọng nói vẫn sung mãn, hăng hái, minh mẫn. Anh được nói trước, nói hết ý. Sau đó lần lượt các cán bộ của Cục Hàng không, Ban quản lý đường bay, Hãng Hàng không quốc gia VN... - tất cả đều tự nhận là đàn em, là con cháu của anh Tuấn - ôn hòa và nắm rất vững chuyên môn, giải thích rất rõ vì sao họ cho rằng đường bay thẳng lý tưởng theo đề nghị của anh Tuấn là chưa thể thực hiện được, với đầy đủ những thông tin, số liệu, dẫn chứng... mà có thể do nay đã là một người ngoài cuộc nên anh Tuấn không thể nắm hết. Trong thực tế, họ cho rằng những cái lợi của dự án bay thẳng như anh Tuấn đề nghị là không đáng kể, rằng về kỹ thuật thì có mấy điểm không thể thực hiện, rằng một đường bay xương sống xuyên quốc gia nhất thiết nên nằm trong lãnh địa của đất nước...
22 năm trước, tôi đã rời phòng họp ấy với một tâm hồn nặng trĩu, bi quan hẳn so với trước khi bước vào. Giờ đây tôi lại thấy nhẹ nhàng hơn. Có thể đề xuất của anh Tuấn cuối cùng vẫn chỉ là đề xuất, nhưng ít ra cuộc họp đã cho thấy Chính phủ rất trân trọng những sáng kiến mới, những đề xuất tâm huyết. Tinh thần biết lắng nghe, phản biện một cách công khai, minh bạch đó - như với đề xuất “đường bay vàng” này - nếu được áp dụng đúng mức và trên mọi lĩnh vực thì người dân chắc chắn sẽ tin tưởng hơn rất nhiều! 
NGUYỄN ĐÔNG THỨC

No comments:

Post a Comment