Wednesday, September 12, 2018

THỦY ĐIỆN THỰC CHẤT CHỈ LÀ NẠN NHÂN TRONG CÁC VỤ VỠ ĐẬP

TS. Nguyễn Bách Phúc
Chủ Tịch Hội TV KHCN & QL HASCON
Viện Trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học
(Bài đăng trên Báo Khám Phá của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/07/2018)

Vỡ đập thủy điện không bao giờ là tội lỗi của thủy điện, mà chính xác là tội lỗi của con người, những người đã xây dựng dối trá và quản lí vận hành vô trách nhiệm.
Đất nước Lào anh em vừa mới chịu một tổn thất rất lớn, vỡ đập thủy điện, làm chết và mất tích hàng trăm người, cuốn trôi nhà cửa công trình của rất nhiều làng xã.
Chúng tôi dự đoán rằng, với sự kiện này, báo chí Việt Nam sẽ rộ lên “phong trào” lên án thủy điện, rầm rộ vu khống thủy điện tàn hại Nhân dân Đất nước.
Chúng tôi viết bài này để làm rõ hai khái niệm: “lợi ích vô cùng lớn của thủy điện”, và “tai hại vô cùng lớn của vỡ đập thủy điện”
Về “lợi ích vô cùng lớn của thủy điện”, suốt từ năm 2009 đến nay, kể từ khi báo chí Việt Nam, các “nhà khoa học” Việt Nam ra sức đổ tội cho thủy điện, nào là gây ra lũ lụt, nào là phá hoại môi trường, nào là v.v.. Những “lí luận” phi khoa học, phi thực tiễn này chỉ có ở Việt Nam, không có ở bất cứ nước nào trên thế giới. Từ đó đến nay, chúng tôi đã có hàng loạt bài viết đăng trên các báo chính thống ở Việt Nam, chứng minh với những lập luận khoa học chặt chẽ, thực tiễn, rằng thủy điện chỉ mang lại hạnh phúc cho nhân dân đất nước, xứ sở nào có thủy điện là đại hồng phúc của xứ đó.
Về “tai hại vô cùng lớn của vỡ đập thủy điện”, chúng tôi cũng đã có những bài viết phân tích khoa học và sâu sắc câu chuyện này
“ Vỡ đập thủy điện” không bao giờ là tội lỗi của thủy điện, mà là tội lỗi của những người xây dựng đập thủy điện đó, vận hành đập thủy điện đó.
1. Đập thủy điện rất an toàn, sự cố vỡ đập thủy điện rất ít trên toàn thế giới
Từ đầu thế kỉ 19, nước Mỹ đã xây dựng các đập thủy lợi rất lớn, đến cuối thế kỉ 19 nước Mĩ đã có khoảng hơn 1000 đập thủy lợi. Cuối thế kỉ thứ 19 nước Mĩ bắt đầu xây dựng các đập thủy điện, và cải tạo các đập thủy lợi đã có, theo hướng kết hợp thủy lợi và thủy điện. Cho đến nay nước Mĩ vẫn còn hơn 2500 đập, mặc dầu nước Mĩ đã tiêu hủy hơn 1000 đập, do quá thời hạn sử dụng (thời hạn sử dụng của các đập thường khoảng 100 năm, người ta có thể kéo dài thêm vài chục năm bằng cách chi tiền bổ sung, cải tạo, nâng cấp công trình đã hết date)
Sự cố vỡ đập thủy lợi - thủy điện là rất hi hữu, ví dụ trong lịch sử 200 năm với hơn 3500 đập của nước Mỹ, chỉ có một lần vỡ đập.
Nhân loại đã xây dựng hàng chục nghìn đập thủy lợi – thủy điện ở tất cả các nước.
Ở Việt Nam, thời thực dân Pháp, người Pháp đã xây dựng nhiều đập thủy lợi khá lớn, đập Thác Huống ở Thái Nguyên, đập Đô Lương ở Nghệ An, đập Bái Thượng ở Thanh Hóa, đập Đồng Cam ở Phú Yên, đập Nha Trinh ở Phan Rang, cho đến nay vẫn còn sử dụng và chưa bị vỡ lần nào
Các đập thủy điện “khủng”, lớn nhất thế giới, được xây dựng đầu tiên ở Liên Xô vào khoảng thập kỉ 50 của Thế kỷ trước, đập Iênitxêi 6000 MW, đã vận hành gần 70 năm, vẫn an toàn. Những năm gần đây, 8 đập từ 14000 MW đến 6000 MW được xây dựng ở Châu Mỹ Latinh. Gần đây nhất là đập Tam Hiệp của Trung Quốc 22.500 MW (lớn gấp 12 lần Thủy điện Hòa Bình của VN). Tất cả những đập “khủng” đó vẫn an toàn.
Nhân loại đã chứng kiến khoảng 7,8 lần vỡ đập thủy điện, ở Mỹ, ở Ấn Độ... với hàng ngàn người chết, với hàng ngàn km2 làng mạc, đồng ruộng, công trình dân sự, trong đó thảm họa lớn nhất là một lần ở Mỹ và một lần ở Ấn Độ.
2. Nhắc lại sự cố gây nguy cơ vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 ở Việt Nam
Năm 2011, báo chí Việt Nam rầm rộ đưa tin, đập thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam, nước từ hồ xuyên qua thân đập chảy ào ào như suối xuống hạ lưu, tại nhiều điểm của thân đập. Báo chí Việt Nam cũng đăng tin và đăng ảnh rằng, Tập đoàn Điện lực EVN và Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang ra sức khắc phục sự cố. mà họ nói dối công luận là sự cố “nước thấm” qua đập, bằng cách ra sức bịt chặt các lỗ ở mặt hạ lưu thân đập, nhằm ngăn không cho nước thoát xuống hạ lưu.
Chúng tôi vô cùng kinh ngạc và hốt hoảng trước biện pháp quái dị, ngược đời, phản khoa học của EVN, thực chất là cố tình giữ nước lại trong các kênh nứt, thủng bên trong thân đập, sẽ khiến thân đập càng ngày càng nát rữa ra, mà hậu quả cuối cùng là 75 triệu mét khối nước đang treo trên đập, khi đập vỡ sẽ trút lên đầu hàng vạn người dân Quảng Nam. Chúng tôi đã lập tức viết “Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập tức hạ lệnh cho EVN xả cạn hồ thủy điện Sông Tranh 2, để đảm bảo sinh mạng cho hàng vạn người dân Quảng Nam, sau đó tiến hành cứu chữa đập 1 cách khoa học, nghiêm túc”
Bản Kiến nghị được các báo chí Việt Nam đăng ngày 31 tháng 3 năm 2011. Ngày mồng 3 tháng 4 năm 2011 Chính phủ họp định kì hàng tháng, đã quyết định ra lệnh EVN phải lập tức xả cạn hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Câu chuyện EVN khắc phục sự cố này, kéo dài cả năm, với những biến hóa rất lạ đời, khiến công luận phản ứng, tốn rất nhiều bút mực của báo chí và của các Chuyên gia. Riêng chúng tôi có tới 8 bài, đề cập đến nhiều khía cạnh của đề tài này.
3. Những nguyên nhân dẫn đến vỡ đập thủy điện, xét theo quan điểm khoa học:
Nhiều người đề nghị chúng tôi phân tích nguyên nhân vỡ đập thủy điện ở Lào. Thật tình chúng tôi không thể phân tích được bởi không có thông tin nào ngoài những thông tin rời rạc ít ỏi và không chính xác trên báo chí. Vì vậy ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày một số nguyên nhân chính, có thể xảy ra ở bất cứ đập thủy điện nào xét theo quan niệm khoa học và công nghệ.
Thứ nhất, thiết kế công trình sai:
Đương nhiên nếu thiết kế sai, mà công trình vẫn được xây dựng theo thiết kế sai sót đó, thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra sự cố. Tuy nhiên, thông thường thì thiết kế các công trình, nhất là công trình đòi hỏi độ an toàn cao, thì sai sót trong thiết kế hầu như không có, bởi vì cá nhân các chuyên gia thiết kế thường là những chuyên gia lão luyện, nhiều kinh nghiệm, ít khi xảy ra sai sót, và về mặt luật pháp họ chịu một phần trách nhiệm với bản thiết kế. Tiếp theo chủ nhiệm thiết kế, là người đứng đầu nhóm chuyên gia thiết kế chịu trách nhiệm nặng nề hơn. Rồi đến các cấp cao hơn trong Công ty Tư vấn Thiết kế, như Trưởng phòng Thiết kế, Trưởng phòng Thẩm định Thiết kế, đều chịu trách nhiệm. Cuối cùng Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế kí tên đóng dấu, thể hiện Công ty này chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản thiết kế.
Ngoài ra, bản thiết kế trước khi được sử dụng chính thức, còn phải trải qua nhiều cuộc thẩm định, phê duyệt... của nhiều cơ quan chức năng khác nữa.
Thứ hai, thi công xây dựng sai:
Thi công Công trình theo đúng thiết kế là đòi hỏi nghiêm túc của Pháp luật. Nhưng trong thực tế đã xảy ra nhiều sai sót, ví dụ:
- “Tiết kiệm” vật liệu, nhất là xi măng và sắt thép, không sử dụng đầy đủ số lượng vật liệu theo thiết kế. Nhiều công trình chỉ dùng 1/3 đến ½ số lượng vật liệu của thiết kế, thậm chí gần đây báo chí phanh phui có nhiều mố cầu, cột điện, khi xảy ra sự cố mới biết không có cây sắt thép nào, có khi còn thấy “bê tông cốt tre”
- Sử dụng vật liệu có tính năng kĩ thuật thấp hơn so với thiết kế
- Giám sát thi công không nghiêm túc, không chính xác
- Nghiệm thu công trình: chỉ nghiệm thu cho đủ thủ tục, chứ không nghiệm thu nghiêm túc
Thứ ba, quản lí vận hành đập và hồ chứa không nghiêm túc, không đúng quy trình:
- Không thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ và đập. Lưu ý rằng, Quy trình vận hành hồ và đập là một quy trình rất phức tạp, được xây dựng trên cơ sở khoa học chắc chắn và kinh nghiệm nhiều năm của nhiều nước trên toàn Thế giới. Quy trình này là một văn bản pháp luật, tùy theo quy mô của hồ, đập, quy trình sẽ được các cấp chính quyền nhà nước phê duyệt. Như ở Việt Nam những hồ đập thủy điện lớn như Sơn La , Hòa Bình, Yaly, Trị An... Quy trình do Chính phủ phê duyệt, còn các đập và hồ thủy điện vừa và nhỏ, quy trình do Bộ Công Thương phê duyệt
- Thực hiện không nghiêm túc việc bảo dưỡng duy tu sửa chữa công trình
- Không lắp đặt hoặc lắp đặt nhưng không quan tâm đến các hệ thống cảnh báo thiên tai.
Thứ tư, thiên tai nghiêm trọng ngoài dự kiến của thiết kế:
- Khi thiết kế các công trình, người ta phải dự kiến đến những thiên tai nặng nề nhất mà công trình vẫn có thể chịu đựng được. Các thiên tai đó là động đất, bão, mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ lớn, lốc xoáy,...
- Người ta dùng khái niệm Tần suất, một trăm năm, năm trăm năm, một nghìn năm,… để đánh giá mức độ nguy hại của thiên tai, có thể xảy ra một lần trong một trăm năm, một lần trong năm trăm năm, một lần trong một nghìn năm.
- Những đập hồ thủy điện nhỏ người ta tính toán theo tần suất một trăm năm, những đập thủy điện vừa tính với tần suất năm trăm năm, còn những đập thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La phải tính theo tần suất một nghìn năm.
- Cách tính này giúp đánh giá độ vững chắc của các đập trước những thiên tai “khủng” đột xuất.
- Ví dụ một số Báo chí nói vỡ đập thủy điện Lào là do đợt mưa to kéo dài vừa qua. Kết luận này chỉ đúng khi xem xét bản thiết kế, so sánh giữa lượng mưa thực tế với lượng mưa theo tần suất thiết kế.
Thứ năm, kết luận:
Vỡ đập Thủy điện không bao giờ là tội lỗi của Thủy Điện, mà chính xác là tội lỗi của con người, những người đã xây dựng dối trá và quản lí vận hành vô trách nhiệm, còn Thủy điện thực chất chỉ là nạn nhân.

No comments:

Post a Comment