Thursday, September 13, 2018

NHỮNG SAI LẦM TRONG SỬ DỤNG TIẾNG HÁN VIỆT

BÀI 2: CỤM TỪ “CHỨC VỤ GIÁO SƯ” LÀ VÔ NGHĨA
Hôm qua chúng tôi đã đăng bài “Cụm từ Chức danh Giáo sư là vô nghĩa”. Rất nhiều bạn đọc đã phản hồi trên FB hoặc điện thoai, gửi mail cho tôi.
Tôi xin trả lời chung như sau:
1. Bài viết của tôi không bàn đến chuyện “Giáo sư, Phó Giáo sư” của Việt Nam, đó là câu chuyện rất lớn, vô cùng rối rắm, mà có nhiều bạn đã nói đùa “bàn đến cả thập kỉ không hết”. Tôi chỉ nói một chuyện rất nhỏ, chỉ riêng về mặt ngôn ngữ, là “cụm từ Chức danh Giáo sư”, theo ngôn ngữ Hán Việt là vô nghĩa.
2. Tôi biết, từ trước đến nay có một số người kể cả những vị có hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, nhưng không hiểu tiếng Hán Việt, đáng lẽ viết “học hàm Giáo sư, Phó giao sư” thì lại viết “chức vụ Giáo sư, Phó Giáo sư”. Những vị này hoàn toàn không hiểu nghĩa đen của “chức vụ”, nên mới hồ đồ gắn chữ “chức vụ” với chữ “Giáo Sư”. Vì vậy hôm nay tôi viết bài thứ 2 này.
3. Xin giới thiệu sơ lược về tiếng Hán Việt:
Tiếng Việt hiện đại bao gồm 2 phần, một là những tiếng thuần Việt của Tổ tiên người Việt Nam, không liên quan gì đến tiếng Hán của người Trung Quốc, hai là tiếng Trung Quốc của Tổ tiên người Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ hơn 1000 năm đô hộ của người Hán, và tiếp tục du nhập vào Việt Nam kể cả hơn 1000 năm độc lập của chúng ta. Tiếng Trung Quốc du nhập vào Việt Nam được người Việt Nam giữ nguyên chữ viết tượng hình (chữ Hán, chữ Nho) và giữ nguyên ý nghĩa, nhưng người Việt đọc (phát âm) theo một cách riêng, gọi là âm Hán Việt. Âm Hán Việt khác với 20 cách đọc (phát âm) của 20 vùng miền khác nhau của người Trung Quốc hiện đại.
Điều này cũng giải thích vì sao người Trung Quốc có nhiều thứ tiếng (phát âm) khác nhau, không thể nói chuyện với nhau được, nhưng đọc chữ Hán tượng hình thì hoàn toàn hiểu nhau. Trước Cách mạng tháng 8, Việt Nam dùng chữ Hán là ngôn ngữ chính thức của chính quyền, viết bằng chữ Hán, các quan chức Việt Nam có trình độ Hán học có thể thành thạo tiếng Hán, không những đọc hiểu văn hiến Việt Nam mà cũng đọc hiểu văn hiến Trung Quốc. Nhưng “các cụ nhà ta” không thể nói chuyện với người Tàu, muốn trò chuyện chỉ có thể dùng “bút đàm”, 2 bên viết chữ Hán với nhau và hiểu nhau.
CỤM TỪ “CHỨC VỤ GIÁO SƯ” LÀ VÔ NGHĨA
Như đã phân tích trong Bài 1 hôm qua, đa số các từ ngữ biểu thị các khái niệm trừu tượng, các khái niệm tinh thần, triết học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đều sử dụng từ Hán Việt.
Hôm qua đã lấy một ví dụ, trong một câu Tiếng việt thông thường có 39 từ, thì chỉ có 3 từ thuần Việt nghĩa là, với ví dụ này, tiếng Hán Việt chiếm tới (39 – 3)/39 = 92% trong một câu Tiếng Việt thông thường
Hôm nay xin lấy thêm một ví dụ, chúng ta nói: “Báo Nhân Dân, phương tiện phát ngôn, thông tin, tuyên truyền chính thức của cơ quan Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, xuất bản tại Hà Nội Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” có 39 từ, thì chỉ có 2 từ thuần Việt là “của” và "nước", nghĩa là, với ví dụ này, tiếng Hán Việt chiếm tới (39 – 2)/39 = 95% trong một câu Tiếng Việt thông thường mà hằng ngày chúng ta vẫn nói
Mặc dù chúng ta sử dụng nhiều tiếng Hán Việt đến thế, đến mức đại đa số mọi người không biết đâu là tiếng thuần Việt, đâu là tiếng Hán Việt, nhưng chúng ta đã mắc những sai lầm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là những năm gần đây.
Trước đây, chúng ta cũng như cả Thế giới đều nói “Học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư”. Nhưng chẳng hiểu sao khoảng mươi năm nay, bỗng nhiên cả nước gọi “Chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư”, có người còn nói “Chức vụ Giáo sư”
Thực ra, chữ “Học hàm” là đúng, còn cụm từ “Chức vụ Giáo sư, Phó Giáo sư” là hoàn toàn sai, hoàn toàn vô nghĩa.
Trong tiếng Hán Việt, «Chức vụ» nghĩa là vị trí công tác của cá nhân trong một tổ chức, tiếng Việt thuần túy chính là chữ «ghế ». Ví dụ, «chức vụ Hiệu trưởng», «ghế Hiệu trưởng», «Chức vụ Trưởng khoa», «ghế Trưởng khoa », chức vụ thấp nhất là «nhân viên», người Việt hay nói đùa là «nhân viên quèn».
«Giáo sư và Phó Giáo sư» không bao giờ là một chức vụ cho nên cụm từ «Chức vụ Giáo sư, Phó Giáo sư» là hoàn toàn vô nghĩa.
«Học hàm" và "Chức vụ» là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Cùng một «học hàm» có thể giữ những chức vụ khác nhau. Ví dụ cùng là Giáo sư, có những người giữ chức vụ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Hiệu trưởng, Hiệu phó, Trưởng khoa, Phó khoa, Chủ nhiệm bộ môn, Phó Chủ nhiệm bộ môn…, và cũng có rất nhiều vị giữ chức vụ nhân viên quèn, là các vị Giáo sư suốt ngày cặm cụi dạy học hoặc nghiên cứu khoa học, không có «ghế» nào để ngồi.
Tương tư như vậy trong Quân đội những người cùng một «Quân hàm Đại tá», có thể giữ rất nhiều chức vụ khác nhau như Phó tư lệnh Quân đoàn, Phó tư lệnh Quân khu, Tham mưu trưởng Quân đoàn, Tham mưu trưởng Quân khu, Tư lệnh, Phó tư lệnh Quân sư, quân chủng, Sư trưởng, …. Trong Quân đội, hệ thống «Quân hàm» có từ thấp nhất là Binh nhì tới cao nhất là Nguyên soái, không ai gọi là «Chức vụ Nguyên Soái», «Chức vụ Đại tướng»

No comments:

Post a Comment