Tuesday, June 12, 2018

Đô thị thông minh: Chính là sự tham gia của người dân nhiều hơn

Báo Phụ Nữ, ngày 01/12/2017,  http://phunuonline.com.vn/thoi-su/do-thi-thong-minh-chinh-la-su-tham-gia-cua-nguoi-dan-nhieu-hon-117556/
Người dân có ý thức góp sức cùng chính quyền xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại hơn. Có thể nói, điều tiên quyết để đề án thành công chính là người dân được tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.

Trả lời phỏng vấn Báo Phụ Nữ TP.HCM xoay quanh tác động của Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (được Quốc hội thông qua ngày 24/11), ông Trần Quang Thắng - Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - nhận định: “Với cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua, chúng ta càng có thêm động lực để thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, phát triển tầm nhìn đến năm 2025”.

Do thi thong minh: Chinh la su tham gia cua nguoi dan nhieu hon
Sáu thành tố thông minh
* Phóng viên: Xin ông cho biết cần những công cụ, điều kiện nào để có thể thực hiện đề án đô thị thông minh?
- Ông Trần Quang Thắng: Để hình thành và phát triển có hiệu quả đề án đô thị thông minh, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải thông qua các công nghệ ICT (Information and Communication Technologies) hiện đại. Ví dụ như mạng lưới vạn vật kết nối internet IoT (Internet of Things) và điện toán đám mây, đi kèm big data… là các công cụ mạnh giúp cho chính quyền đô thị cung cấp tốt dịch vụ và tiện ích cho các cộng đồng dân cư.
Chỉ khi nào dịch vụ công đúng nghĩa là phục vụ, không còn gặp phải sự phàn nàn của người dân, mới thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp nâng giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ và tăng tính cạnh tranh của toàn bộ cộng đồng. 
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là các giải pháp thực thi phải hướng đến sự đồng thuận cao nhất của các bên liên quan trong cộng đồng, làm sao để các dữ liệu tích hợp thu được từ cộng đồng mang tính tích cực. Dữ liệu được thu thập và phân tích sẽ giúp cải thiện các chính sách và dịch vụ công của thành phố. Từ đó, giải quyết tốt hơn các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, môi trường sống ngày càng hoàn thiện.

* Theo ông, tiêu chí nào để đánh giá đô thị thông minh?
- Ông Trần Quang Thắng: Tôi nghĩ, cần chú ý trước mắt sáu thành tố. Thứ nhất là kinh tế thông minh, bao gồm tinh thần khởi nghiệp, tính sáng tạo, tính linh hoạt thích ứng biến đổi thị trường, khả năng hội nhập quốc tế, khả năng chuyển đổi số, du lịch trang trại thông minh…
Thứ hai là môi trường thông minh. Cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, lưới điện và mạng lưới cung cấp internet thông minh, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường, xử lý rác theo công nghệ thông minh, biến rác thành năng lượng cũng như tìm kiếm các dạng năng lượng sạch và thông minh khác. Môi trường thông minh phải ứng phó hiệu quả với ngập lụt, giao thông thuận lợi, phòng cháy chữa cháy từng bước bằng công nghệ hiện đại, hiệu quả và thân thiện môi trường, không gây hư hỏng các mạch điện tử, đồng thời còn phải quản lý tài nguyên bền vững.
Thứ ba là quản lý thông minh, tức sự tham gia của người dân trong các quyết sách, dịch vụ công, dịch vụ xã hội, tính minh bạch, chính sách và tầm nhìn.
Thứ tư là sự cơ động thông minh. Chính quyền điện tử với quyết sách thông minh, giám sát, dự báo ngập lụt và điều phối phương tiện giao thông tránh ùn tắc bằng hệt thống ITS (Intelligent Transportation Systems); các kết nối thuận lợi với quốc tế bằng năng lực của hạ tầng công nghệ thông tin với băng thông lớn, thu thập số liệu tự động; theo dõi tức thời bằng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến RFID (Radio Frequency Identification).
Thứ năm là cuộc sống thông minh với hệ thống giao thông an toàn, hữu hiệu, tiện lợi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng, tiện ích văn hóa - giáo dục - y tế, an toàn cá nhân, chất lượng nhà ở, sinh hoạt, tính kết nối chặt các bên liên quan với cộng đồng, môi trường làm việc an toàn…
Và thứ sáu là người dân thông minh. Đó là chất lượng thật của bằng cấp, khả năng tự học hỏi suốt đời của mỗi cá nhân, tính đa dạng về văn hóa và sắc tộc, tính sáng tạo, tính năng động của công dân, sự tham gia vào hoạt động cộng đồng.
Ý thức góp sức cùng chính quyền
* Ông đánh giá thế nào về sự tham gia của người dân?
- Ông Trần Quang Thắng: Theo tôi, để xây dựng đô thị thông minh thành công, rất cần sự minh bạch và chia sẻ thông tin, tham gia đồng bộ của bốn tác nhân, bao gồm chính quyền; nhà khoa học (các viện, trường); giới doanh nghiệp, kể cả các định chế tài chính trong và ngoài nước cùng các tổ chức xã hội.
Và đặc biệt là người dân có ý thức góp sức cùng chính quyền xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại hơn. Có thể nói, điều tiên quyết để đề án thành công chính là người dân được tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.
* Đô thị thông minh mở ra sự tham gia của người dân. Ông có cho rằng người dân nên tham gia ngay từ khi bắt tay xây dựng và thực hiện đề án?
- Ông Trần Quang Thắng: Việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi phải thiết lập ban chỉ đạo dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu thành phố và rất cần nghĩ đến việc tham gia ngay từ đầu của người dân. Xây dựng thành công đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giúp TP.HCM gia nhập vào nhóm đô thị thông minh toàn cầu và mức thu nhập người dân sẽ được cải thiện nhanh chóng.
* Trong tình hình hiện nay, đâu là những việc cần làm ngay để tiến tới đô thị thông minh, thưa ông?
- Ông Trần Quang Thắng: Tôi nghĩ, chính quyền thành phố cần chú trọng giải quyết 16 vấn đề tồn tại, gây trở ngại cho việc phát triển chung. Trong đó, có tám vấn đề phải được ưu tiên giải quyết sớm và tám vấn đề còn lại sẽ dần khắc phục do nguồn lực không thể tập trung cùng lúc cho nhiều mục tiêu.
Cụ thể, tám vấn đề cần giải quyết sớm là: lực lượng lao động có trình độ học vấn chưa phù hợp với công việc thực tế; sự bất ổn về chính sách; các quy định về thuế, thuế suất; việc tiếp cận tài chính chưa thuận lợi; đạo đức người lao động; tham nhũng và quản lý nhà nước còn kém hiệu quả.
Tám vấn đề còn lại sẽ tiếp tục giải quyết gồm: cung cấp cơ sở hạ tầng không đầy đủ; kiềm chế lạm phát ở mức thích hợp lâu dài; các quy định về ngoại tệ; tội phạm và trộm cướp; quy định về lao động còn hạn chế; chưa đủ năng lực để đổi mới và sức khỏe cộng đồng chưa tốt.
* Xin cảm ơn ông! 
Tiền đề cho sáng tạo
Ông Trần Quang Thắng cho rằng, với đô thị thông minh, hệ thống dữ liệu mở được cung cấp rộng rãi cho cộng đồng sẽ là tiền đề thuận lợi cho sự sáng tạo, qua đó giúp hình thành nhiều dịch vụ mới đem lại nhiều giá trị hơn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải thiện việc ra quyết định và dịch vụ công nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của cộng đồng. Bên cạnh việc xây dựng một nền tảng dữ liệu tập trung, cần bảo đảm an ninh dữ liệu và các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và IoT.
Quốc Ngọc 

No comments:

Post a Comment