Thursday, May 31, 2018

Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, bổ sung: Phải để người dân thực hiện quyền hiến định

Báo Người Lao Động, ngày 29/05/2018, https://nld.com.vn/ban-doc/du-thao-luat-to-cao-sua-doi-bo-sung-phai-de-nguoi-dan-thuc-hien-quyen-hien-dinh-20180528205321636.htm

Khi xã hội có nhiều thay đổi thì quản trị nhà nước phải thay đổi để đáp ứng

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu tranh luận các hình thức tố cáo, tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại.

Yêu cầu của dân thì phải làm
Thực ra, 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật Tố cáo đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp thì việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo trên. Dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không.
Ý kiến không đồng tình viện dẫn nếu mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng dân chủ tố cáo tràn lan, gây quá tải cho cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu phải đầu tư nguồn lực rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại là rất phức tạp, nhạy cảm và khó khả thi. Suy cho cùng tố cáo qua điện thoại, fax… chính là tố cáo trực tiếp và nên ghi nhận chứ không phải thấy khó thì thoái thác, không tiếp nhận để nghiên cứu làm rõ mà xử lý. Phải để người dân thực hiện quyền hiến định chứ không phải vì khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước mà ta chọn việc dễ để làm, còn việc khó thì bỏ qua. Thiết nghĩ cơ quan thụ lý, người thụ lý là công chức nhà nước, ăn lương nhà nước từ thuế của dân đóng góp, nên yêu cầu của dân thì phải làm.
Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, bổ sung: Phải để người dân thực hiện quyền hiến định - Ảnh 1.
Từ tố cáo của các tài xế xe tải, một đường dây mua bán “logo xe vua” được phát hiện, trong đó có CSGT phải hầu tòa Ảnh: Quốc Chiến
Kênh thông tin quan trọng
Với ý kiến cho rằng nếu tố cáo đã được thực hiện thông qua thư điện tử, fax, điện thoại thì trong nhiều trường hợp khó xác định được người tố cáo; đồng thời có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác. Ở đây thiết nghĩ cần làm rõ, xác minh đối tượng lợi dụng để có chế tài thích đáng, chứ không chỉ vì "một người sổ mũi mà bắt tất cả phải uống thuốc cảm". Còn việc khó kiểm soát người tố cáo qua máy fax dịch vụ, hộp thư điện tử ảo, người sử dụng sim rác…, đây là trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Không thể vì vậy mà làm mất đi một kênh thông tin rất quan trọng.
Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dù muốn hay không, dù còn nhiều thách thức nhưng nó sẽ đến và trở thành điều hiển nhiên, hiện hữu trong đời sống xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau; làm đảo lộn các ngành trong đời sống xã hội, sắp xếp lại các mối quan hệ, chuyển đổi các ngành, thay đổi nhiều khái niệm vốn là "khuôn vàng thước ngọc", từng mặc định bất biến xưa nay trong đời sống và mọi hoạt động xã hội. Có một nguyên lý bất di bất dịch: khi xã hội có nhiều thay đổi thì quản trị nhà nước phải thay đổi để đáp ứng, chứ không thể bắt những hình thức thay đổi của xã hội phải lùi lại. 
Xử lý đúng pháp luật việc tố cáo
Nêu ý kiến về việc mở rộng các hình thức tố cáo, nhiều bạn đọc cho rằng cứ để người dân tố cáo bằng mọi phương tiện, tránh làm phiền người tố cáo sẽ làm họ nhụt chí; đồng thời, cần trừng phạt người tố cáo với ý đồ xấu. Thực tế cho thấy nhiều vụ trọng án, tham nhũng khủng bị lôi ra ánh sáng là bắt đầu từ tố cáo của công dân. Hơn nữa, "số điện thoại tố cáo đã có tên, tuổi, CMND thì tố cáo qua điện thoại không còn nặc danh đâu mà lo ngại? Nhận tố cáo qua điện thoại có khi lại hay vì những người ngại ra mặt sẽ tham gia tố cáo tích cực" - bạn đọc Hai Lúa nêu quan điểm.
Còn bạn đọc Minh Thành cho rằng: "Đã đến lúc Quốc hội cần có tổng đài chăm sóc khách hàng đặc biệt mà đối tượng là cử tri Việt Nam. Họ có quyền phản ánh, đòi hỏi, tố cáo, mọi việc đều được ghi nhận, tổng hợp tự động và đặc biệt bảo mật thông tin cá nhân. Khi đó, Quốc hội là người phục vụ dân đúng nghĩa".
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Lê Minh Trung cho rằng giới hạn hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng chỉ khi nào người tố cáo bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi mới tố cáo, còn những việc vì quyền lợi chung, không ai dại gì mua thêm rắc rối cho mình.
Nhiều bạn đọc lưu ý vấn đề quan trọng nữa là xử lý theo đúng pháp luật việc tố cáo chứ không chỉ ở cách thức tố cáo. Bởi có những việc người dân tố cáo thì việc xử lý cứ lòng vòng rồi đi vào quên lãng.
H.Hiếu
Diệp Văn Sơn

No comments:

Post a Comment