Bình luận của Đa Chiều rằng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam "chưa từng có tiền lệ" chỉ phản ánh cái nhìn dựa trên hiện tượng.
Theo Báo Điện tử Chinhphu.vn ngày 2/6, sáng nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 45 hoạt động trong 3 ngày thăm chính thức Hoa Kỳ [1]. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. [2]
Tăng cường hợp tác cùng có lợi - nhu cầu thiết thực từ hai phía
Bình luận về chuyến thăm này, Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại tại New York ngày 29/5 cho rằng:
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng thăm Mỹ là "chưa từng có tiền lệ", nhằm tìm hiểu hư thực chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump. Đa Chiều viết:
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng. Ảnh: Andrew Harnik / Associated Press. |
"Việc Thủ tướng Việt Nam vừa nhậm chức hơn một năm đã lên đường thăm Hoa Kỳ là rất hiếm gặp trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi trúng cử nhiệm kỳ 2 (2002) ba năm sau, tháng 6/2005 mới chính thức thăm Mỹ.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi trúng cử hơn 2 năm sau, tháng 6/2008 mới thăm chính thức Hoa Kỳ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 12/2016 chưa đưa ra lời mời.
Ngày 20/4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mỹ, Washington mới chuyển thư của ông Donald Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm.
Từ lúc Tổng thống Mỹ chuyển thư mời chính thức đến khi diễn ra chuyến thăm chỉ hơn 1 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng thăm Hoa Kỳ như vậy là để làm gì?
Giới phân tích cho rằng, Việt Nam muốn tìm hiểu chính sách của Tổng thống Donald Trump với Biển Đông.
So với người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Donald Trump tỏ ra khá kiềm chế trong vấn đề Biển Đông. Rốt cuộc chính phủ mới ở Mỹ xem Biển Đông như thế nào?
Chính sách ngoại giao của Mỹ ở Biển Đông có tiếp tục hay không? Việt Nam rất cần một câu trả lời rõ ràng dứt khoát.
Đối với quốc gia quen tìm cách cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc - Hoa Kỳ như Việt Nam, chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa trong việc tìm hiểu thực hư chính sách của Mỹ ở Biển Đông cũng là chuyện dễ hiểu.". [3]
Cơ hội hợp tác an ninh Việt - Mỹ trên Biển Đông |
Tờ báo phục vụ người Hoa ở hải ngoại và là một cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc này nhận xét thêm:
Kinh tế - thương mại có lẽ cũng là một nội dung quan trọng trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Cá nhân người viết cho rằng, bình luận của Đa Chiều rằng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam "chưa từng có tiền lệ" chỉ phản ánh cái nhìn dựa trên hiện tượng.
Trong khi quan hệ Việt - Mỹ những năm gần đây đã phát triển nhanh chóng, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước.
Lãnh đạo cao nhất của hai nước đã liên tục thăm viếng lẫn nhau trong 3 năm liên tục gần đây là một minh chứng.
Còn việc chỉ hơn 1 tháng sau khi Tổng thống Mỹ gửi thư mời, chuyến thăm đã diễn ra không chỉ cho thấy nhu cầu hợp tác cùng có lợi giữa hai nước là có thật.
Đồng thời nó còn là thành quả của những nỗ lực rất chủ động và hiệu quả của cơ quan ngoại giao hai nước thu xếp cho chuyến thăm, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đều vừa có Ban lãnh đạo mới.
Mục đích và thành quả chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện khá rõ nét, đầy đủ và chi tiết trong Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. [2]
Trong 14 nhóm nội dung của Tuyên bố chung, Biển Đông được hai nhà lãnh đạo nhắc đến trong nhóm nội dung thứ 12.
Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông và việc đảm bảo tự do hàng hải - hàng không, cũng như lo ngại về các tác động bất ổn do những hạn chế bất hợp pháp với tự do trên biển gây ra:
"Hai bên cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế;
Trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp.
Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.".
Tàu tuần tra Morgenthau (WHEC 722) lớp Hamilton Mỹ bàn giao cho Việt Nam, ảnh: US Coast Guard. |
Hợp tác an ninh quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ được nhắc đến trong nhóm vấn đề thứ 3 sau duy trì thăm viếng đối thoại cấp cao và hợp tác kinh tế, tách bạch với vấn đề Biển Đông.
Điều này không chỉ cho thấy tính đàng hoàng và minh bạch của Việt Nam và Hoa Kỳ trong quan hệ quốc tế vốn dĩ rất phức tạp ở Biển Đông hiện nay.
Đồng thời nội dung này còn thể hiện quyền tự chủ của 2 quốc gia độc lập về các mối quan tâm chung và lĩnh vực hợp tác song phương.
Quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam - Hoa Kỳ chỉ góp phần bảo vệ hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác phồn vinh trong khu vực
The New York Times, Hoa Kỳ ngày 1/6 có bài phân tích tác động ảnh hưởng của chuyến thăm này đến quan hệ Mỹ - Việt - Trung, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
Tờ báo Mỹ đặt câu hỏi: liệu Việt Nam có trở thành bình phong tuyến đầu của Mỹ ngăn Trung Quốc (bành trướng trên Biển Đông)? [4]
The New York Times viết:
"Quan hệ Mỹ - Việt dưới thời Tổng thống Barack Obama đã trở nên thân thiết rõ rệt. Năm ngoái khi thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Hiện tại Việt Nam vẫn chưa đặt hàng các loại vũ khí này, nhưng hầu hết giới quan sát bên ngoài tin rằng, Mỹ hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí là để hỗ trợ Việt Nam đối phó với hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.".
Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc ngày 2/6 cũng có bài viết tổng hợp về chuyến thăm với tiêu đề: "Tuyên bố chung Việt - Mỹ nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, dựa vào nhau chỉ để cân bằng với Trung Quốc". [5]
Tuy nhiên đây không phải một bài phỏng vấn hay bình luận của Thời báo Hoàn Cầu, mà là một bản tin tổng hợp đánh giá của truyền thông và giới quan sát quốc tế, do các phóng viên thường trú của báo này ở hải ngoại gửi về tòa soạn.
Cách đặt vấn đề của cả The New York Times (bản chữ Hán) lẫn Thời báo Hoàn Cầu trong 2 bài báo này dễ khiến bạn đọc Trung Quốc hiểu lầm một hoạt động đối ngoại hết sức bình thường giữa hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ là "nhằm vào Trung Quốc".
Thời báo Hoàn Cầu dẫn bình luận trang Tsargrad của Nga ngày 1/6 nói rằng, Tổng thống Donald Trump đang "lôi kéo Việt Nam vào liên minh hải quân" với Mỹ, "lợi dụng Hà Nội trong trò chơi cạnh tranh giữa Washington với Bắc Kinh".
Cuộc hội ngộ, tương phùng giữa những chính nhân quân tử |
Cá nhân người viết cho rằng, hợp tác và cạnh tranh luôn là hai mặt không tách rời trong bất kỳ mối quan hệ quốc tế nào hiện nay.
Kể cả giữa đồng minh với nhau cũng không phải chỉ có hoàn toàn hợp tác mà loại bỏ cạnh tranh. Quan hệ Trung - Triều, Mỹ - Nhật, Mỹ - EU là những ví dụ sống động.
Đặc biệt là những diễn biến xung quanh mối quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump là một minh chứng rõ nhất cho điều này.
Và nếu nói về sự chủ động và dấn thân tìm hiểu chính sách mới của Mỹ khi ông Donald Trump lên cầm quyền, thì cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều là những ví dụ điển hình.
Vì vậy, những tin tức, phân tích và bình luận chính trị hóa các quan hệ / hoạt động đối ngoại cũng là tác nhân chính làm méo mó nhận thức bản chất các quan hệ quốc tế, và mục đích hợp tác hữu nghị cùng có lợi trong các mối quan hệ bang giao hiện nay.
Cá nhân người viết cho rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp dựa trên nền tảng nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, đồng thời chia sẻ các lợi ích chung trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế trong khu vực.
Bên cạnh đó người viết cũng đánh giá rất cao các nỗ lực của cơ quan ngoại giao hai nước trong việc thu xếp một chuyến thăm kịp thời, mang nhiều ý nghĩa thiết thực và có thể mở ra nhiều cơ hội mới cho cả hai nước, trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ có những biến động và còn quá ít thông tin.
Trung Quốc còn / cũng phải chơi với Mỹ và ngược lại, thì không có gì lạ khi Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với cả 2 cường quốc này, cũng như các quốc gia có ảnh hưởng, tiếng nói trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy
No comments:
Post a Comment