Tuesday, April 25, 2017

Thông điệp dành cho 'người làm quan'

Báo Đại Đoàn Kết, ngày 23/04/2017, http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/chinh-tri/thong-diep-danh-cho-nguoi-lam-quan-364153

Trong 2 ngày 18 và 21/4, Ban Bí thư đã họp phân tích kỹ lưỡng, khách quan, toàn diện các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý có liên quan đến sự cố về môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Một quyết định nghiêm khắc, đủ mạnh đã được đưa ra.

Tới nay, biển miền Trung đã sạch trở lại, nhưng những cán bộ có trách nhiệm
liên quan tới sự cố xả thải của Formosa vẫn bị xử lý nghiêm khắc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. 
1. Thông báo nêu rõ: Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) nhiệm kỳ 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, để Bộ TNMT và một số cá nhân có nhiều sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến Dự án Formosa Hà Tĩnh. Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ TNMT, của các những cá nhân đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường và đời sống của nhân dân; gây bức xúc xã hội; làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và môi trường đầu tư; ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ TNMT và tỉnh Hà Tĩnh. 
Ban Bí thư thống nhất 100% bằng phiếu kín, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ TNMT nhiệm kỳ 2011-2016; thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang- nguyên Bộ trưởng; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ TNMT nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định). Đồng thời, Ban Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thi hành kỷ luật về hành chính tương ứng theo quy định đối với Bộ TNMT, các ông Nguyễn Minh Quang, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, Võ Kim Cự…
2. Bình luận về quyết định này, ĐBQH Hoàng Đức Thắng- Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị- một trong 4 địa phương chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ tinh thần kết luận của Ban Bí thư đủ sức răn đe với các cá nhân, tập thể sai phạm. Hình thức xử này đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”. Đánh giá cao việc xem xét xử lý kỷ luật với những người có sai phạm dù còn đương chức hay đã về hưu, ông Hoàng Đức Thắng nói: Tinh thần xử lý như vậy “là truy trách nhiệm đến cùng, để không còn tình trạng hạ cánh an toàn”.
Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì nhấn mạnh rằng: “Kết luận của Ban Bí thư thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng, thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm và trách nhiệm trong công tác cán bộ của Đảng”.
Xử lý nghiêm khắc những cán bộ sai phạm dù đó là ai, đương chức hay nghỉ hưu thể hiện tinh thần quyết liệt chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh Đảng ta đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Tất nhiên, không phải chờ có Nghị quyết Trung ương 4 mới chỉnh đốn Đảng, mới “sờ gáy” cán bộ cấp cao sai phạm. Nhìn lại lịch sử, thời kì kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã cương quyết xử lí vụ án Trần Dụ Châu. Là một Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu, ông ta đã bòn rút công quỹ, sống xa hoa trên mồ hôi nước mắt của nhân dân và cả xương máu của bộ đội đang ngày đêm lăn lộn trên các chiến trường. Dù đã lập được những công trạng nhưng do tham nhũng, lãng phí, coi thường kỉ cương phép nước, Trần Dụ Châu đã phải trả cái giá đắt nhất cho những sai lầm đã gây ra. Xử lý nghiêm cán bộ coi thường kỷ cương phép nước, đó là lời cảnh báo đủ mạnh với đội ngũ “công bộc” trong bối cảnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Việc cương quyết xử lí những cán bộ vi phạm kỉ luật trong thời gian qua, dù đương chức, chuyển công tác hay đã nghỉ hưu cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sự nghiêm minh của kỉ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
3. Nhớ lại thời điểm một năm trước (4-2016), sự cố môi trường do Formosa gây ra đã tàn phá vùng biển ven bờ của nhiều tỉnh miền Trung. Đặc biệt là với hai tỉnh, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sự cố trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên, môi trường đầu tư mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ TNMT đã phối hợp với các nhà khoa học cùng các bộ ngành liên quan đã có những hành động quyết liệt mà việc đầu tiên là tìm ra thủ phạm, buộc Formosa họ phải chấp nhận đền bù. Cùng với đó, là công tác khắc phục sự cố và đền bù, hỗ trợ cho những thiệt hại của ngư dân các tỉnh bị ảnh hưởng từ sự cố này. Đây là nỗ lực không nhỏ của các cấp chính quyền. Giờ đây, với những hình thức kỉ luật nghiêm khắc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư càng cho thấy tinh thần quyết tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ liêm chính, gần dân và vì dân; không khoan nhượng với những sai phạm. 
Không chỉ những sai phạm trong sự cố môi trường biển mới bị quy rõ ràng, đủ sức răn đe. Vài tháng trước, vụ việc Trịnh Xuân Thanh cũng được chỉ đạo quyết liệt. Liên quan đến vụ việc này, ông Vũ Huy Hoàng (từng là Bộ trưởng Bộ Công thương) và một số vị Thứ trưởng Bộ này và Bộ Nội vụ cũng bị các hình thức kỉ luật. Riêng ông Vũ Huy Hoàng, bị Ban Bí thư xử lí nghiêm khắc bằng hình thức xóa tư cách Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương giai đoạn 20011-2016; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đối với ông Vũ Huy Hoàng. Về vụ việc này, Quốc hội còn ra một Nghị quyết phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng do đã “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội”, khiến dư luận tin rằng trừng trị kẻ vi phạm pháp luật là không có vùng cấm, không loại trừ một ai.
Không chỉ dừng ở những quyết định xử lý cán bộ sai phạm, việc xử lý những sai phạm còn thể hiện việc không chấp nhận đầu tư, tăng trưởng bằng mọi giá được phản ánh trong Nghị quyết số 05-NQ/TW khóa XII: Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái, trong bối cảnh Việt Nam đang chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.
Chính bởi tinh thần “không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá” mà trung tuần tháng 3 vừa qua, dự án sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng của Cty TNHH Ja Solar Việt Nam đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã bị tạm đình chỉ thi công để chờ báo cáo đánh giá tác động môi trường do khâu này bị bỏ qua.
Mới nhất, cách đây một tuần, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án thép Cà Ná để rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô công suất, thời điểm phát triển dự án hợp lý là quyết định nức lòng dân. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan chức năng cũng cần đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đảm bảo dự án an toàn để không xảy ra sự cố tương tự Formosa là thông điệp “không đánh đổi môi trường lấy dự án, không tăng trưởng bằng mọi giá”. Nếu tăng trưởng mà bức tử môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng là không thể chấp nhận. 
Phát biểu tại Hội nghị công tác kiểm tra giám sát của Đảng ngày 24/2/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Từ đó, nhìn vào những vụ xử lý kỷ luật nêu trên khiến cán bộ và nhân dân phấn khởi, thêm tin tưởng vào sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước trong việc chấn chỉnh kỉ cương, phép nước nhằm xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, lành mạnh, vì dân phục vụ. 
Không chỉ dừng ở những quyết định xử lý cán bộ sai phạm, việc xử lý những sai phạm còn thể hiện việc không chấp nhận đầu tư, tăng trưởng bằng mọi giá được phản ánh trong Nghị quyết số 05-NQ/TW khóa XII: Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái, trong bối cảnh Việt Nam đang chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.

       Lục Bình

No comments:

Post a Comment