Tuesday, April 25, 2017

Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm thóp được châu Âu?

Báo Đất Việt, ngày 25/04/2017, http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tho-nhi-ky-da-nam-thop-duoc-chau-au-3334018/

EU đang xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ không phải là theo hướng tiêu cực hơn mà là "một hình thức hợp tác mới".

Ngày 24/4, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo về việc xem xét một khả năng xác định lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc trưng cầu dân ý nhằm mở rộng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Theo đó, Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn nói rằng đã dến lúc cần một sự đánh giá kỹ lưỡng và thậm chí là có thể xác định lại về mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ.
Tho Nhi Ky da nam thop duoc chau Au?
Giấc mơ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ đến gần.
Vị này cũng nhắc lại đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu Ankara thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn.
Ông Hahn gợi ý tiêu chuẩn này có thể bao gồm cả "một hình thức hợp tác mới", ví dụ như việc nâng cấp liên minh thuế quan giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông báo trên được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đàm phán gia nhập EU vốn đã bị trì hoãn từ rất lâu. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ xem xét việc tổ chức một cuộc trưng cầu khác về việc khôi phục lại án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ - một hành động đồng nghĩa với việc kết thúc thỏa thuận về tư cách thành viên EU.
 "Chúng tôi không bao giờ coi mình là một quốc gia bên ngoài châu Âu, nhưng chúng tôi đã không được gia nhập EU trong 54 năm qua. Do đó, một giai đoạn mới sẽ bắt đầu. Ngày 16/4 là cột mốc để xem xét lại quyết định này" - ông nói trước những người ủng hộ.
Động thái mới từ EU ít nhất cho thấy sự lo lắng trong lòng châu Âu trong bối cảnh vấn đề an ninh trở thành mối lo thường trực ở lục địa già mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò cửa ngõ có thể đưa đẩy lực lượng khủng bố vào châu Âu.
Trước khi cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ được mở ra, châu Âu đã dùng nhiều cách để ngăn cản Ankara tiến hành trưng cầu dân ý cho những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu. Nhiều quốc gia lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên tự tạo khoảng cách thêm với EU, bởi điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt giấc mơ châu Âu của nước này.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel phát biểu: “Chúng tôi chỉ có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn tuân thủ các giá trị dân chủ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt trở lại án tử hình cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU."
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Antonio Dastis phát biểu: “Chúng tôi hy vọng, việc cải cách Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không làm thay đổi các thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ đã có với Hội đồng châu Âu. Chúng tôi cũng hy vọng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ xem xét tư cách thành viên EU.”
Trước đó, mối quan hệ hai bên cũng đã tổn hại nghiêm trọng sau khi chính phủ nhiều nước EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về phản ứng mà họ cho là thái quá của chính quyền Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính bất thành năm 2016. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, được tái khởi động từ tháng 6/2016, bị “đóng băng”.
Năm 1963, Ankara đã ký một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (khi đó là EEC), và vào năm 1987 đã nộp đơn gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chỉ khởi động vào năm 2005, và chúng nhiều lần bị dừng lại do các bất đồng.
Vào tháng 3/2016, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tăng cường các cuộc đàm phán để đổi lấy sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm giảm áp lực của những người di cư sang châu Âu. Hiện đã có 16 trong tổng số 35 chương của hồ sơ đàm phán đã được mở.
Tho Nhi Ky da nam thop duoc chau Au?
Vị trí cửa ngõ vào châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ không thể khiến EU căng thẳng lâu với Ankara.
Tuyên bố mới nhất từ phía châu Âu dường như đã mở ra một cơ hội cho Ankara trong suốt vài chục năm gửi đơn xin gia nhập vào liên minh lớn mạnh này. Điều này chắc chắn có được không phải sự kiên trì với EU mà bởi chính cách tiếp cận mạnh mẽ của Tổng thống Erdogan khi gia tăng quyền lực và thể hiện rõ ràng nhất đường đi của khủng bố qua cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ và tiến vào châu Âu.
Với tình hình an ninh đang ở mức cảnh báo nghiêm ngặt tại nhiều quốc gia, sự gia tăng căng thẳng của Tổng thống Erdogan rõ ràng mang lại nhiều giá trị hơn của Thổ Nhĩ Kỳ trong mắt những đối tác châu Âu.
Sự nhún nhường của EU trong việc thiết lập một hình thức hợp tác mới giữa Ankara và châu Âu có thể là một bước chuẩn bị bước tới miền đất hứa của quốc gia Trung Đông này.

Đông Phong


No comments:

Post a Comment