Tuesday, April 25, 2017

12 dự án ngàn tỷ thua lỗ: Tang thương lắm!

Báo Đất Việt, ngày 21/04/2017, http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/12-du-an-ngan-ty-thua-lo-tang-thuong-lam-3333736/

Trong 12 dự án thì có tới 6 dự án ký hợp đồng EPC và phần lớn là ký hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.

Ngày 21/4, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương.

Thông tin được các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty báo cáo với Tổ công tác tại phiên làm việc cho thấy, trong 12 dự án thì có tới 6 dự án ký hợp đồng EPC và phần lớn là ký hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.
12 du an ngan ty thua lo: Tang thuong lam!
Dự án đạm Ninh Bình thua lỗ ngàn tỷ
Phân tích nguyên nhân chậm của các hợp đồng EPC, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng nguyên nhân căn cơ là chưa thực hiện hết nhiệm vụ của hợp đồng EPC, các nội dung nhiệm vụ hai bên đã ký tổng thầu nhưng chưa hoàn thành.
Trong quá trình thực hiện có điều chỉnh về tổng mức đầu tư thiết bị, điều chỉnh tiến độ từng giai đoạn, nhưng các công đoạn này làm không chặt chẽ, thiếu thủ tục nên khi tổng quyết toán không thực hiện được.
“Tổng quyết toán cao hơn thực tế rất nhiều... Có dự án âm cả vốn sở hữu. Có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu nhiều, chưa nói đến nợ phải trả”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, kể cả bảo hộ cho sản xuất trong nước, điều chỉnh thuế… để các nhà máy hoạt động trở lại. Nếu không hoạt động trở lại được, phải có phương án xử lý.
Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án của từng nhà máy. Có những dự án đặt phương án phá sản, có những dự án đặt phương án là bán. Muốn thực hiện được, dứt khoát phải hoàn thành quyết toán… Phá sản cũng phải quyết toán được và phải có kiểm toán, Bộ trưởng khẳng định rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, trong xử lý vướng mắc, ngay cả vấn đề tăng vốn đầu tư, cần phải có đánh giá toàn bộ tổng thể dự án, thiết bị, công nghệ, tài chính, quản trị... Trong 15 nhiệm vụ quá hạn, yêu cầu các doanh nghiệp, Bộ Công Thương phải đưa ra kế hoạch chi tiết, cụ thể. Tổ công tác của Bộ Công Thương phải xuống thường xuyên xuống kiểm tra, thúc đẩy.
Trong khi đó, thành viên Tổ công tác, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, trong những dự án này dứt khoát có trách nhiệm của tập thể và cá nhân, vấn đề là phải xem, vấn đề nào cần rút kinh nghiệm, vấn đề nào phải kiểm điểm, xử lý.
“Tôi từng đến thăm một số nhà máy ethanol, tang thương lắm các đồng chí ạ! Đầu tư sai cả chủ trương. Trong khi thị trường tiêu thụ xăng sinh học chưa đâu vào đâu, vùng nguyên liệu chưa có thế mà triển khai đầu tư cả một loạt dự án hàng nghìn tỷ đồng như vậy, để rồi đắp chiếu và thua lỗ.
Có những nhà máy hoạt động rồi thì quản trị có vấn đề, quản trị không chuyên nghiệp, lỗ liên tục, cộng với lãi suất ngân hàng, bây giờ khó xử lý. Tang thương nhất là có những nhà máy phải bán sắt vụn”, báo Dân trí dẫn lời ông Thừa chia sẻ.
Trước đề nghị của một số đơn vị, bộ ngành xin được lùi thêm thời hạn đến 30/6, có nhiệm vụ xin lùi đến 30/9, Tổ trưởng Tổ công tác - ông Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ công tác chỉ tiếp thu ý kiến và báo cáo lại lãnh đạo Chính phủ, không có thẩm quyền cho phép gia hạn.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, các đơn vị nên bắt tay vào khẩn trương xử lý, tích cực trao đổi lẫn nhau để đẩy nhanh tiến độ, bởi chắc chắn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ -Trưởng Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém sẽ không đồng ý cho gia hạn.
Liên quan đến 12 dự án này, trước đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án.
Trong số 12 nhà máy, dự án có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, bao gồm: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, công ty đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Việt Trung.
Có 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn, gồm: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án bột giấy Phương Nam.
Ba nhà máy còn lại đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ- PVTex).
Minh Thái 

No comments:

Post a Comment