"Chúng ta hiện đại hóa Hải quân, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại là việc làm bình thường của quốc gia có biển, không phải là chạy đua vũ trang, không phải để răn đe các nước trong khu vực, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, trong lễ thượng cờ tàu ngầm 186 Đà Nẵng và tàu ngầm 187 Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sáng ngày 28/2, tại quân cảng Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân ở Căn cứ quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lễ thượng cờ tàu ngầm 186 Đà Nẵng và tàu ngầm 187 Bà Rịa – Vũng Tàu, hai tàu ngầm cuối cùng trong tổng số 6 tàu ngầm tàu ngầm lớp Varshavyanka 636.1 (kilo) do Liên bang Nga đóng mới cho Việt Nam, theo hợp đồng được ký kết ngày 15/12/2009. Từ nay, hai tàu ngầm hiện đại này chính thức được đưa vào biên chế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam, cùng với các tàu ngầm 182 Hà Nội, 183 Thành phố Hồ Chí Minh, 184 Hải Phòng và 185 Khánh Hòa.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lực lượng Hải quân tiếp tục nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ, về quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, khẳng định nhất quán và rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng thiện chí và những nỗ lực của mình, chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biên Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần sâu sắc giá trị thiêng liêng của mỗi tấc đảo, mỗi sải biển của Tổ quốc, ý nghĩa lớn lao của hòa bình, ổn định đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. “Cần nhận thức đúng đắn việc chúng ta hiện đại hóa Hải quân, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại là việc làm bình thường của quốc gia có biển, không phải là chạy đua vũ trang, không phải để răn đe các nước trong khu vực, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống”. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Đặc biệt, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ công tác tiếp nhận, huấn luyện, khai thác làm chủ các tàu ngầm trong những năm vừa qua, tiếp tục tập trung làm tốt công tác huấn luyện khai thác, làm chủ nhanh hơn, sâu hơn, vững chắc hơn, phát huy hết tính năng kỹ thuật, chiến thuật các tàu ngầm hiện đại, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, bảo đảm kỹ thuật cho hoạt động đồng bộ của vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Tàu ngầm lớp Varshavyanka 636.1 (NATO định danh là kilo) là loại tàu ngầm quân sự do Nga chế tạo với mục đích tiêu diệt các loại tàu ngầm, tàu nổi cũng như các phương tiện thủy của đối phương. Tàu ngầm lớp kilo được cho là một trong những loại tàu ngầm diesel - điện vận hành êm nhất trên thế giới và khó bị phát hiện, được giới quân sự Phương Tây ví là “hố đen đại dương”.Thông số kỹ thuật cơ bản: Lượng choán nước khi nổi 2.350 tấn, khi lặn 3.100 tấn; Chiều dài 73,8 m, chiều rộng 9,9 m; Động cơ diesel - điện 5.900 mã lực (4.400 kW); Tốc độ tối đa trên mặt nước 12 hải lý/h, khi lặn 19,8 hải lý; Độ sâu hoạt động bình thường 250 m, độ sâu giới hạn 300 m; Cự ly hoạt động khi lặn liên tục (ở tốc độ tiết kiệm) 400 hải lý, khi được thông hơi (ở tốc độ tiết kiệm 7 hải lý/h) 7.500 hải lý; Dự trữ hành trình 45 ngày. Tàu ngầm kilo 636.1 được trang bị nhiều loại tên lửa, ngư lôi hiện đại, đặc biệt là tên lửa đối hạm Club-S có tầm bắn hiệu dụng tới 220 km.
Nguyễn Đình Quân
No comments:
Post a Comment