Tại hội nghị tổng kết năm 2016 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) hôm 26-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như trên.
Việt Nam tham gia toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng là một tất yếu, vì thế phải thực hiện đổi mới thể chế kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa tạo ra được môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch. Do đó, cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế kinh doanh, qua đó tạo môi trường giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, tránh tụt hậu quá xa so với các nước khác.
Có nhiều nguyên nhân gây lạc hậu, trong đó quan trọng nhất là cơ chế chính sách kinh tế - xã hội chưa tạo động lực mạnh mẽ; trái lại, không ít trong số đó còn là lực cản của sự phát triển. Cải cách thể chế hiện nay có nhiều tiến bộ nhưng vẫn có khuyết tật lớn. Chẳng hạn, chuyện 1 container từ Nhật Bản về Hải Phòng mất 290 USD, từ châu Âu về Hải Phòng 300 USD nhưng từ Hải Phòng về Hà Nội lên đến… 470 USD vì phí đường cao tốc đã tốn 1-1,2 triệu đồng và nhiều loại phí bôi trơn khác là ví dụ điển hình về bất cập này.
Chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi mà gần 80% dân số cả nước đang bỏ công sức ra làm ăn, đã thấy khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, quyền sử dụng đất cũng như nguồn tài chính ổn định đang là rào cản lớn cho khu vực tư nhân và FDI đầu tư. Thông tin này được nêu trong “Báo cáo đánh giá chính sách nông nghiệp Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện (tại 49 nước, trong đó có Việt Nam). Theo đó, cơ sở hạ tầng manh mún, thủ tục thương mại rườm rà, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, tham nhũng, hối lộ và thiếu minh bạch cũng là những tác nhân khiến việc thu hút vốn tư nhân vào nông nghiệp thấp.
Nhớ lại trước đây, khi đất nước còn thiếu đói, làm lúa nhưng không có đủ cơm ăn, chỉ thực hiện chính sách trao quyền tự chủ kinh doanh (bắt đầu từ Khoán 10) cùng chính sách tự do hóa thương mại và đầu tư là đã lập tức tạo cú hích ban đầu cho nền nông nghiệp hàng hóa. Chúng ta đã đủ ăn và trở thành nước đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, xếp trong những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu các nông phẩm nhiệt đới như cà phê, cao su, hạt tiêu, điều... và gần đây xuất khẩu thủy sản cũng chiếm vị trí cao.Tuy nhiên, về cơ bản, sản xuất nông nghiệp nước ta còn phát triển thiếu bền vững, manh mún và tự phát, kém sức cạnh tranh và chưa đủ tầm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Yêu cầu bức thiết hiện nay là nhanh chóng chuyển từ nền nông nghiệp trình độ thấp sang trình độ cao; đưa nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang quỹ đạo hàng hóa và thị trường hiện đại; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo ra nền nông nghiệp giá trị cao và chất lượng cao dựa trên việc ứng dụng phổ biến các thành tựu khoa học công nghệ và phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi phải có bước đột phá về chính sách để giải quyết các mâu thuẫn và rào cản phát triển.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment