Monday, January 2, 2017

Nhìn lại thất bại trong tinh giản biên chế

Báo Tuổi Trẻ, ngày 07/11/2016,              http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20161107/nhin-lai-that-bai-trong-tinh-gian-bien-che/1212625.html,            Thủ tướng vừa ban hành quyết định 1998/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017. Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2017 là 269.084 biên chế (giảm 3.868 biên chế so với năm 2016). Nhưng tinh giản biên chế xưa nay rất khó tìm sự đồng thuận đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Nhìn lại thất bại trong tinh giản biên chế
Minh họa: NOP
Thật ra từ trước đến nay chưa có chương trình tinh giản biên chế nào được nhìn nhận là thành công. Tháng 4 năm ngoái, nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ra đời và đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị phải ra một nghị quyết riêng về tinh giản biên chế, chứng tỏ tình hình biên chế trong bộ máy nhà nước đã là một vấn đề rất bức xúc.
Trong những năm qua, hầu như bộ, ngành, địa phương nào cũng xin thêm biên chế hằng năm, gây áp lực rất lớn lên Bộ Nội vụ. Các ngành, lĩnh vực xin tăng biên chế như: thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, kiểm lâm...
Tổ chức trong các bộ, ngành cũng rất phức tạp với rất nhiều tổ chức “con” như viện, đơn vị sự nghiệp có thu... Trên thực tế, nhiều bộ ngành, cơ quan đơn vị vẫn tìm cách phình to bộ máy, tạo thêm áp lực cho ngân sách nhà nước...
Từ năm 2007, Chính phủ ban hành nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Nhưng sau năm năm thực hiện, năm 2012 tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cán bộ công chức cấp xã tăng 14.000 người. Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012.
Vào thời điểm đó, nhiều đại biểu Quốc hội trao đổi với báo chí trong kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIII đã bức xúc: “Sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm tới 20% là điều khó có thể chấp nhận”.
Nhưng rõ ràng là chưa có cách nào đụng được đến cái khối công chức khổng lồ, lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức).
Tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013, khi còn là Phó thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó thẳng thắn đặt vấn đề: “Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không?
Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn.
Trong bộ máy của chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Cả nước hiện có hơn 900.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn với khoảng 130.000 thôn. Như vậy những người làm việc ở khu vực này đều có lương hoặc hưởng trợ cấp từ ngân sách.
Đó là theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng (Bộ Nội vụ), thực chất số lượng cán bộ phát sinh từ nhu cầu thực tế, từ sự thỏa thuận giữa nhân dân với chính quyền hoặc từ những lý do khác thì chắc rằng khó thống kê hết được.
Điểm mặt chỉ tên cớ sự
Ý chí “tinh giản” bằng cách loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... đã có từ lâu, trở thành một thông điệp mạnh mẽ của nhiều diễn đàn, nghị quyết nhưng lại là loại việc gặp không ít khó khăn, cản trở...
Với một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trách nhiệm không rõ ràng, chồng chéo ngang dọc, lẫn lộn trách nhệm cá nhân tập thể, cách sử dụng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ còn mù mờ, thiếu minh bạch, nạn chạy chức, chạy ô dù, chạy tội còn lộng hành, chưa thiết lập kỷ cương, tình trạng nể nang thủ thế... thì cũng khó loại ai!
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau tinh giản biên chế không giảm mà còn tăng đã được chỉ ra, đó là việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại.
Dư luận thì lo ngại việc tinh giản biên chế có đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, thật sự khách quan, minh bạch hay không, liệu có ngăn chặn nổi các hiện tượng tiêu cực như “chạy chọt” để không phải vào diện tinh giản biên chế, hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc tinh giản biên chế để trù dập cán bộ... làm cho chủ trương tinh giản biên chế bị “méo mó”.
Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia...
Cứ theo cái đà ấy, nhiều năm, nhiều cơ quan, nhiều ngành chỉ có tăng biên chế. Từ đó sinh ra một bộ máy cồng kềnh, số lượng vào biên chế nhà nước ngày càng đông.
Nhưng một nguyên nhân không kém quan trọng khiến biên chế phình ra không ngừng là do thiết kế mô hình tổ chức không khoa học, thêm bớt cơ quan bộ máy tùy tiện. Thêm cơ quan thì thêm biên chế phải tăng.
Cái sai lớn của ta trong tổ chức bộ máy nhà nước là biến chính quyền cấp dưới thành một bản sao, một phối cảnh thu nhỏ của chính quyền cấp trên.
Cứ cấp huyện có cái gì là cấp xã phải có cái đó. Làm như thế, cấp xã sẽ rất khổ. Các xã buộc phải phình to bộ máy vì xã như là cái phễu hứng tất cả các dòng chảy từ huyện, cấp tỉnh xuống.
Chẳng hạn công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch, cấp tỉnh, cấp huyện đều có cơ quan và người lo nhưng đẩy xuống cho xã làm. Xã muốn làm công tác sinh đẻ có kế hoạch thì phải có một bộ máy có người cho công việc này...
Tinh giản biên chế là chủ trương đúng nhưng trước hết cần tính minh bạch và tính đồng bộ. Chỉ nói bộ máy hành chính mà không nói bộ máy của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, hiệp hội hưởng trợ cấp từ ngân sách... là rất phiến diện.
Cấu trúc thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị đang bị trùng lắp và chính thực tế này đã làm phát sinh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức có cùng chức năng, do đó làm cho người hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước trong hệ thống chính trị ngày càng tăng.
Lý thuyết “Ai làm việc gì”?
Nhiều địa phương đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện thí điểm thực hiện chủ trương nhất thể hóa cán bộ chủ chốt ở cơ sở (bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND). Chỉ riêng việc thực hiện nhất thể hóa hai chức danh này cho hơn 11.000 xã, phường, thị trấn thì biên chế sẽ giảm đáng kể. Quảng Ninh khi thực hiện Đề án 25 nhất thể hóa đã giảm 202 đầu mối trực thuộc cấp huyện.
Muốn cắt giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy không phải chuyện dễ, vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ thể chế bộ máy đến các chính sách xã hội...
Muốn cắt giảm, điều cần làm trước tiên là phải xác định rõ ràng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Bộ máy phải có chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cần bao nhiêu người đảm nhiệm...
Gần 20 năm thực hiện cải cách hành chính, dù rất nỗ lực nhưng vẫn không tránh được chồng chéo, nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, chức năng, nhiệm vụ giẫm chân lên nhau là do chưa xác định được điều này.
Đó chính là điều có thể làm được qua đề án “Xác định vị trí việc làm” - một trong những giải pháp của đề án tinh giản biên chế - đã được đưa ra. Qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan tổ chức, đơn vị.
Chính từ đây, xác định ngược lại những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó. Ở đây, tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm, như vậy mới gọi là tinh.
Từ việc tổng hợp số người dư ra khi xác định vị trí việc làm cộng với số người nghỉ chế độ hằng năm, cân đối với những đầu việc phát sinh trong quá trình phát triển nhất thiết phải có để xác định số biên chế tinh giản chứ không thể võ đoán đưa ra con số phải tinh giản bao nhiêu phần trăm này nọ như lâu nay vẫn làm!
Người Nhật có một cách làm cương quyết rất đáng tham khảo: họ đưa ra “trò chơi tổng luôn bằng không”, quy định bộ nào, địa phương nào muốn lập thêm cơ quan thì phải giảm một cơ quan, tăng thêm bao nhiêu biên chế cũng được nhưng bắt buộc phải giảm bằng ấy số người xin tăng. Như vậy rốt cuộc số tăng giảm bộ máy và công chức luôn bằng không.
Hàng loạt giải pháp hiện đại khác cần được thực hiện triệt để, chẳng hạn tập trung xã hội hóa cung cấp dịch vụ công. Đất nước càng phát triển, xã hội sẽ càng hình thành nhiều việc mà người dân và các tổ chức xã hội có thể tự lo liệu mà không cần Nhà nước phải lo toàn bộ.
Nhà nước chỉ là người “cầm lái”, dân sẽ là những người “bơi chèo”. Ngoài ra, là thực hiện hiện đại hóa chính quyền, áp dụng chính phủ điện tử, công nghệ hành chính tiên tiến...
Công chức tham gia bộ máy công quyền lâu nay theo hai con đường: thi tuyển và xét tuyển. Công chức trong bộ máy công quyền được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”.
Qua một thời gian thực thi công vụ, công chức phần lớn tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ... Chế độ tiền lương, thưởng phạt, đề bạt, bổ nhiệm... hiện hành càng tỏ ra khó cải thiện não trạng trên.
Nhiều nước tiên tiến từng chịu đựng điều này, vì vậy họ đã đưa thêm vào luật công chức công vụ chế định sát hạch công chức. Cần nhấn mạnh rằng chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hằng năm đang thực hiện rất hình thức.
Sát hạch là công tác cơ bản của việc quản lý công chức, nó đóng vai trò quan trọng làm cho cơ chế động viên của việc quản lý nhân sự ngày một vững chắc, đưa ra các căn cứ khách quan cho việc tuyển chọn những người có đức có tài ra làm việc, nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước.
Thử nhìn vào tỉnh Đồng Tháp - tỉnh đầu tiên thí điểm tổ chức sát hạch công chức trên quy mô toàn tỉnh - khi tổ chức sát hạch 1.200 công chức cấp xã. Kết quả cho thấy toàn tỉnh có khoảng 20% công chức cấp xã không đạt yêu cầu, nghĩa là cứ 5 công chức cấp xã có 1 người ngồi lĩnh lương mà chẳng làm được việc gì (chưa kể có thể còn gây phiền hà cho người dân).
Đấy mới là sát hạch cấp xã, nếu tiến hành trên toàn thể 4 cấp hành chính một cách nghiêm túc, tình hình chắc không khả quan gì hơn, trên bình diện 63 tỉnh, thành cả nước chắc cũng tương tự.
Thiết nghĩ cần thay thế chế độ “biên chế” bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt” cộng với thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ quá nhiều trì trệ bất cập hiện nay. ■
Diệp Văn Sơn

No comments:

Post a Comment