Ảnh minh họa (theo Baomoi.com)
Chuyện cán bộ ngủ gác chân lên bàn trong giờ tiếp dân tại Trung tâm Hành chính công TP.Hạ Long, Quảng Ninh và chuyện kê khống hợp đồng để rút ruột tiền nhà nước, theo đó lãnh đạo xã Bình Lâm (tỉnh Quảng Nam) còn “chống lệnh” cấp trên dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.
Nhớ lại chuyện vừa mới đây, Công an và Viện kiểm sát Bình Chánh, TPHCM khởi tố chủ quán Xin chào và đòi bắt người xây chòi vịt không phép đang còn bức xúc dư luận. Những vụ việc như thế này mọi người không khỏi trăn trở vì hình ảnh người thi hành công vụ trong mắt người dân đã ít nhiều bị xấu đi. Và việc lấy lại niềm tin và hình ảnh đẹp trong mắt người dân lập lại trật tự kỷ cương cho nền hành chính đang là vấn đề rất quan trọng và cấp bách của người thi hành công vụ.
Trong tình hình đòi hỏi hiện nay, cán bộ công chức các ngành các cấp từ bộ trưởng đến nhân viên thường cần nỗ lực quan tâm rèn luyện, xây dựng phẩm chất cần thiết của người công bộc thật sự của nhân dân, tạo lại lòng tin trong nhân dân.
Cán bộ công chức thực hiện công vụ không phải cho bản thân họ mà cho nhà nước, là bộ mặt của chính quyền nên đòi hỏi phải thể hiện ứng xử có văn hóa, có trách nhiệm, kỷ cương tuân thủ đúng luật pháp.
Một kết luận của các nhà luật học và chính trị học đã trở thành kinh điển "Quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ trở thành tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới sự tha hóa tuyệt đối".
Người dân trao quyền lực của mình cho Nhà nước và đòi hỏi Nhà nước sử dụng quyền lực đó để bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, quyền lực không thể hiện một cách trừu tượng mà thông qua những con người cụ thể và không ai là thánh, mỗi con người đều mang trong mình ít nhiều nhược điểm, thói vụ lợi, vị kỷ…, do vậy, nguy cơ lạm quyền luôn hiện hữu và sẵn sàng không kiềm chế khi sử dụng quyền lực.
Mặt khác, quyền lực có khả năng làm tha hóa những người nắm giữ, quyền lực càng lớn nguy cơ tha hóa càng nhiều. Khi quyền lực được trao cho những người có nhân cách, người tử tế, quyền lực sẽ được sử dụng đúng mục đích, bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng đồng; ngược lại, khi quyền lực rơi vào tay những người không có nhân cách sẽ trở thành công cụ phục vụ cho những lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm, thậm chí trở thành công cụ của cái ác.
Với nhiều người, quyền lực là một "lực hấp dẫn" mà họ phải giành giữ, phải đánh đổi, bất chấp đó là nhân cách hay lòng tự trọng. Thế nhưng quyền lực cũng là con ngựa bất kham sẵn sàng quật ngã những người không đủ bản lĩnh cầm cương. Quyền lực có thể đem lại sự công bằng, niềm hạnh phúc nhưng cũng có thể đem đến tai họa cho mỗi cá nhân, cho toàn xã hội.
Có thể nói, tình trạng tha hóa quyền lực, lạm quyền, thói hư danh, hám danh, tham quyền trục lợi kéo theo sự suy đồi về đạo đức và nạn tham nhũng, hối lộ, thiếu kỷ cương,thiếu văn hóa văn minh công sở kém vẫn chưa được đẩy lùi, nếu không muốn nói "tiếp tục diễn biến phức tạp".
Trong khi đó, các thiết chế kiểm soát quyền lực, phát huy quyền làm chủ của dân chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và phản ứng của xã hội chưa tạo được áp lực đủ mạnh để đẩy lùi sự thiếu kỷ cương, trên bảo dưới không nghe...
Vì vậy, để điều chỉnh hành vi của những người có quyền thì việc xây dựng quy tắc pháp luật với những chế tài, hình phạt nghiêm khắc và các thiết chế kiểm soát quyền lực hơn lúc nào hết phải kịp thời xúc tiến, là việc không thể không làm.
Một nhà nước có vững mạnh hay không, được lòng dân hay không phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh thân thiện, có văn hóa của người thi hành công vụ đối với dân.
Phải nằm lòng nguyên tắc tối thượng, người dân được làm những gì pháp luật không cấm, ngược lại người thực thi công vụ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Mong rằng, sang năm mới những chuyện như vậy càng ngày càng giảm dần và chấm dứt.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment