Monday, October 17, 2016

Cứu TKV hay tìm hướng đi mới?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 14/10/2016,        http://www.thesaigontimes.vn/152545/Cuu-TKV-hay-tim-huong-di-moi.html,          Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Ảnh: TLTBKTSG
Đây không phải là lần đầu tiên TKV được cứu, thậm chí lý do kêu cứu lần nào cũng giống nhau. Chính vì thế mỗi lần nhắc đến cái tên TKV là dấy lên một nỗi băn khoăn lớn: nên cứu thế nào đây?
Ngành than gặp khó
Ngành than Việt Nam với đầu tàu là TKV đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khiến cho lợi nhuận sụt giảm mạnh.Theo báo cáo tài chính của TKV, năm 2014 đơn vị có lãi gần 2.600 tỉ đồng, tuy nhiên sang năm 2015 lợi nhuận của TKV đã sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 473 tỉ đồng. Nghiêm trọng hơn, trong sáu tháng đầu năm 2016 lợi nhuận sau thuế của tập đoàn chỉ bằng 22,74% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy từ năm 2009 tới nay xuất khẩu liên tục giảm mạnh. Từ năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu về than. Như vậy TKV không chỉ gặp khó trong việc xuất khẩu mà còn gặp sức ép ngay chính thị trường trong nước, khi than nhập tràn vào với giá rẻ.
Lý giải cho tình hình này, lãnh đạo TKV đã đưa ra bốn nguyên nhân: giá than, giá khoáng sản thế giới giảm mạnh; điều kiện khai thác ngày càng khó khăn; sự chênh lệch tỷ giá và đặc biệt là thuế, phí tăng. Theo TKV, chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 7-10% so với các nước trong khu vực (biểu thuế suất thuế tài nguyên tại Úc là 2-15%, Indonesia là 3-7%, Việt Nam là 10-12%). Đi kèm với đó, thuế xuất khẩu than của nhiều nước 0%, thuế nhập khẩu than vào Việt Nam hiện nay là 0%. Vì vậy, than nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước.
Tìm cách gỡ khó cho TKV
Trong nhóm chính sách được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho TKV, đặc biệt nổi bật là các đề xuất về thuế, nhất là giảm thuế tài nguyên. Thuế tài nguyên áp dụng cho ngành than vừa được điều chỉnh lên mức cao nhất là 12% vào tháng 7-2016. Quyết định tăng thuế mới chỉ đưa ra cách nay hơn ba tháng, giờ điều chỉnh giảm mà lại với riêng ngành than thì thật sự không hợp lý, sẽ tạo ra sự không công bằng với các ngành khoáng sản còn lại.
Đây không phải là lần đầu tiên TKV đưa ra những kiến nghị xin giảm thuế. Trước đó, TKV đã từng xin giảm thuế môi trường, thuế khai thác bauxite. Năm 2012, do khó khăn tương tự, không cạnh tranh được với than nước ngoài, TKV đã xin giảm thuế suất khẩu từ 20% xuống còn 10%. Tất cả những điều trên dễ dẫn dắt chúng ta đến suy nghĩ, còn phải giảm thuế cho TKV đến bao giờ.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khó khăn hiện nay của TKV thể hiện trên báo cáo tài chính đúng là do thuế thật. Quyết định tháo gỡ khó khăn cho TKV dù sao cũng đã được Chính phủ đưa ra, nhưng nếu chỉ hỗ trợ bằng cách giảm thuế thì thực sự không hiệu quả nếu xét trên góc độ dài hạn. Khó khăn của TKV hiện tại và rất có thể là trong tương lai vẫn sẽ tái diễn nếu tập đoàn này không có cách giải quyết hiệu quả với công nghệ khai thác.
Đổi mới công nghệ là điều cần thiết và sống còn để giảm chi phí khai thác than. Tuy nhiên những cố gắng ấy không thể đến trong một sớm một chiều. Tình hình trước mắt TKV vẫn đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ khi lợi nhuận đã giảm đến hơn 70% so với cùng kì.
Các biện pháp tình thế tiếp theo được nêu ra là tăng thuế nhập khẩu, khuyến khích hộ gia đình sử dụng than, yêu cầu các nhà máy điện mua than theo cam kết... Về cơ bản, nhóm giải pháp này có thể xem là phù hợp hơn so với giảm thuế tài nguyên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tăng thuế nhập khẩu sẽ chỉ là giải pháp ngắn hạn khi tương lai chúng ta phải thực hiện đầy đủ cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký. Các giải pháp nhằm tăng cầu thị trường nội địa cũng vậy, nhu cầu tăng nhưng than nhập ngoại vẫn tiếp tục lấn át nếu giá rẻ hơn. Nhà nước không thể bắt các doanh nghiệp tiêu thụ than trong các lĩnh vực như xi măng, hóa chất, phân bón... chuyển qua tiêu thụ than nội địa mà không phải sử dụng đến các hình thức trợ cấp. Vô hình trung, việc giúp ngành than giải quyết bài toán đầu ra sẽ đặt ra một bài toán tương tự cho các ngành sử dụng than, việc trợ cấp theo đó cũng sẽ lan rộng sang các ngành liên quan.
Hướng đi nào cho tương lai?
Thị trường than thế giới trong những năm gần đây có diễn biến khá bất lợi. Giá than thế giới từ năm 2011 đến nay cho thấy xu hướng giảm rõ rệt, giá than nhiệt lượng cao giảm từ mức trên 60 đô la Mỹ/Xton xuống chỉ còn khoảng 40 đô la Mỹ/Xton.
Tình hình còn bất lợi hơn nữa khi nhu cầu than giảm mạnh. Ở Bắc Mỹ, nhu cầu than đá sụt giảm bởi sự bùng nổ của khí đá phiến, khiến các nhà khai thác mỏ của Mỹ phải tìm kiếm các khách hàng nước ngoài để bán than, chủ yếu là khách hàng châu Âu. Nhưng tại châu Âu, nơi được bổ sung nguồn cung than Mỹ, nhu cầu cũng giảm sút do dân số không tăng, kinh tế hồi phục yếu và sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo. Còn tại châu Á - nơi vốn vẫn là động lực tăng trưởng chính của thị trường than đá, nhu cầu cũng trì trệ. Ở Trung Quốc, nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới, nhu cầu đang giảm sút do kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Rõ ràng tương lai ngành than thế giới không mấy sáng sủa. Than đá không còn là loại năng lượng phù hợp cho phát triển bởi những bất lợi về ô nhiễm môi trường. Một trường hợp điển hình đáng học hỏi cho Việt Nam là ngành than Trung Quốc. Hai năm trước, các công ty sản xuất than nước này cũng gặp vấn đề tương tự, giá sản xuất than trong nước quá cao, than nhập khẩu tràn vào. Nhưng Trung Quốc đã để mọi thứ diễn ra tự nhiên, không những không đưa ra bất kỳ một chính sách ưu đãi nào cho ngành than mà còn chủ trương chuyển hướng sử dụng năng lượng tái tạo.
Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản năng lượng. Mặc dù than đá có trữ lượng nhiều tỉ tấn nhưng ngày càng phải khai thác sâu hơn, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội lẫn môi trường. Thay vì đặt câu hỏi có nên cứu hay không, rồi lại cứu như thế nào cho câu chuyện của ngành than như hiện tại, thì tìm một hướng phát triển năng lượng bền vững phù hợp hơn trong tương lai thực sự đáng suy ngẫm hơn.
Ngành than Trung Quốc tái cơ cấu
Tại Trung Quốc, tình trạng dư cung và ô nhiễm môi trường đã khiến ngành than phải tái cơ cấu. Theo đó, chính Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều khu mỏ có chất lượng than thấp và bắt buộc giảm sản lượng. Ngoài ra, chính phủ cũng không thông qua hoạt động khai thác tại các mỏ từ nay cho đến năm 2019.
Đối với vấn đề tiêu thụ than cho nhiệt điện, từ năm 2013, Trung Quốc không còn phê duyệt giá được đàm phán giữa công ty khai thác than và công ty điện lực. Trước đó, các hợp đồng cung cấp than là bắt buộc giữa các nhà sản xuất than và các công ty điện lực. Theo đó, công ty điện lực sẽ thanh toán cho công ty khai thác than theo các mức giá ấn định trước (thường sẽ được trợ giá). Cơ chế này được tạo ra trong nỗ lực cân bằng cung ứng điện lực và than sẵn có tại các khu vực và thành phố. Tuy nhiên việc dỡ bỏ rào cản này giúp các công ty nhiệt điện Trung Quốc tiếp cận được với than giá rẻ hơn từ Indonesia và Úc.
Những động thái trên khiến sản lượng than của nước này giảm 560 triệu tấn và 7.250 khu mỏ đóng cửa trong năm năm qua.

Bùi Thị Thùy Linh - Mai Thị Nhi

No comments:

Post a Comment